Bắc Giang: Kiểm soát chặt việc sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang vừa có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Thuốc bảo vệ thực vật giảThuốc bảo vệ thực vật giả

Cụ thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã, phường, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về buôn bán giống cây trồng, phân bón, thuốc BVTV. Thường xuyên phổ biến, hướng dẫn người dân không mua bán, sử dụng các loại thuốc BVTV cấm sử dụng, thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc nhập lậu…

Các cơ quan truyền thông của địa phương thường xuyên tuyên truyền để người dân nhận diện được thuốc BVTV cấm sử dụng, thuốc không có tên trong danh mục được phép sử dụng tại Việt Nam, thuốc nhập lậu và tác hại của việc sử dụng các loại thuốc BVTV bị cấm lưu hành đối với sức khỏe và môi trường.

UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo đoàn kiểm tra liên ngành, ban chỉ đạo 389, công an, quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn việc nhập lậu, vận chuyển, buôn bán, sử dụng thuốc BVTV nhập lậu; giống cây trồng chưa được cấp quyết định lưu hành hoặc tự công bố lưu hành hoặc chưa có quyết định lưu hành đặc cách giống và giống cây trồng không có nhãn hàng hóa trên địa bàn quản lý.

Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên ngành BVTV của tỉnh tổ chức điều tra, phát hiện xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm; thông báo công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng.

UBND các xã, phường, thị trấn cung cấp số điện thoại, đường dây nóng; khuyến khích để người dân tố cáo các tổ chức, cá nhân nhập lậu, vận chuyển, buôn bán và sử dụng thuốc BVTV, phân bón nhập lậu, ngoài danh mục; giống cây trồng chưa được lưu hành, giống cây trồng không có nhãn hàng hóa. 

Được biết, năm 2023, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp kiểm tra gần 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã lấy mẫu gửi cơ quan chức năng kiểm tra, phân tích, xác định có 48 mẫu vi phạm (không đạt tiêu chuẩn về chất lượng, không có trong danh mục lưu hành tại Việt Nam). Kết quả, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt hơn 50 trường hợp với tổng số tiền hơn 400 triệu đồng. 

Bá Đoàn

 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục