Theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP, hành vi dùng hình ảnh bác sĩ để giới thiệu sản phẩm đa cấp có thể bị phạt đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nghị định còn bổ sung thêm hàng loạt hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hiện nay trên mạng xã hội có rất nhiều hội nhóm được lập ra nhằm hỗ trợ, chia sẻ thông tin về chữa trị COVID-19 tại nhà để người bệnh tham khảo. Tuy nhiên gần đây, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng lừa đảo bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà. Một số người bệnh đã phản ánh tình trạng một số đối tượng xấu mạo danh là bác sĩ và nhắn tin chèo kéo chữa bệnh. Các đối tượng cũng chào mời mua các loại máy đo SpO2, máy đo nhịp tim và một số loại thuốc kháng virus...
Nhiều bệnh viện khác như: BV Trung ương Quân đội 108, BV Bạch Mai, BV Bưu điện... cũng đã đưa cảnh báo tới người dân cần cẩn trọng trước các thông tin quảng cáo tư vấn bán thuốc, khám chữa bệnh trên mạng để tránh bị lừa đảo, tiền mất tật mang.
Theo Nghị định 17/2022/NĐ-CP có hiệu lực từ cuối tháng 1/2022, hành vi dùng hình ảnh bác sĩ để giới thiệu sản phẩm đa cấp có thể bị phạt đến 200 triệu đồng. Bên cạnh đó, Nghị định còn bổ sung thêm hàng loạt hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính.
Nghị định 17/2022/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí.
Khoản 41, Điều 3, Nghị định 17/2022/NĐ-CP đã sửa đổi điểm e, khoản 9, Điều 73, Nghị định 98/2020/NĐ-CP về hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, mức phạt tiền từ 80-100 triệu đồng được áp dụng với một trong các hành vi: Cung cấp thông tin gian dối, gây nhầm lẫn về tính năng, công dụng của hàng hóa hoặc hoạt động của doanh nghiệp.
Dùng hình ảnh của bác sĩ để quảng cáo đa cấp có thể bị phạt đến 200 triệu đồng
Cung cấp thông tin về thực phẩm bằng hình thức sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế;
Cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 2 lần mức phạt trên.
Như vậy, với hành vi dùng hình ảnh bác sĩ để giới thiệu sản phẩm đa cấp thì tổ chức có thể bị phạt đến 200 triệu đồng; cá nhân có thể bị phạt đến 100 triệu đồng.
Ngoài ra, người thực hiện hành vi vi phạm còn phải cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
Việc xử lý vi phạm về sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế là nội dung mới bổ sung và chưa từng được quy định trước đó.
Ngoài ra, Nghị định 17/2022/NĐ-CP còn bổ sung thêm hành vi bị xử phạt vi phạm hành chính: "Không thực hiện đúng quy định về đảm bảo tối thiểu 20% doanh thu bán hàng đa cấp trong một năm tài chính là doanh thu từ khách hàng không phải là người tham gia bán hàng đa cấp của doanh nghiệp".
Với hành vi này thì tổ chức vi phạm có thể bị phạt đến 60 triệu đồng; cá nhân vi phạm có thể bị phạt đến 30 triệu đồng.
Cũng theo Nghị định 17/2022, mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với người tham gia bán hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi:
Cung cấp thông tin gian đối về lợi ích của việc tham gia bán hàng đa cấp, về hoạt động của doanh nghiệp, về tính năng, công dụng của hàng hóa; Nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh;
Sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế hoặc cung cấp thông tin về thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn.
Minh Đức