Hầu hết sản phẩm bột ngũ cốc handmade (tự làm) không được kiểm tra chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn rao bán tràn lan trên mạng xã hội và quảng cáo như thuốc chữa bệnh để “bịp” người tiêu dùng.
Mấy năm trở lại đây, bột ngũ cốc handmade được nhiều người ưa chuộng vì niềm tin mặt hàng này sẽ an toàn. Tận dụng tâm lý này, việc bán ngũ cốc tự làm trên mạng xã hội Facebook, Zalo… đang trở nên phổ biến. Chỉ cần gõ từ khóa “ngũ cốc handmade” sẽ có rất nhiều mặt hàng hiện ra.
Điển hình, tại trang Facebook “Hằng Phạm” đăng bán bột ngũ cốc handmade. Theo giới thiệu, loại ngũ cốc này được làm từ 9 loại hạt như hạt sen, đậu đen, đậu đỏ, đậu trắng, gạo lứt... được quảng cáo không chất bảo quản, phụ gia. Cũng tại trang này, bột ngũ cốc được “nổ” công dụng như thuốc chữa bệnh, lợi sữa cho bà bầu, giảm cân, tăng cân, tăng vòng 1...
Hoặc trang “Minh Trang” cũng đăng rất nhiều sản phẩm ngũ cốc từ dạng thô tới dạng bột và đều được quảng cáo công dụng tăng sức đề kháng, kích thích tuyến sữa, tốt cho hệ tiêu hóa, dùng để tẩy tế bào da chết toàn thân... Sản phẩm được bán với giá 130 nghìn đồng/1kg.
Bột ngũ cốc handmade bán trên sàn TMĐT với nhiều mức giá, chất lượng có đảm bảo?
Không chỉ quảng cáo trên Facebook, mà trên sàn TMĐT Shoppe, Lazada... các loại ngũ cốc handmade cũng được quảng cáo sai công dụng và bán với giá từ 150 – 350 nghìn đồng/1kg. Hầu hết sản phẩm ngũ cốc handmade được quảng cáo là hàng thủ công, không chất bảo quản, phụ gia, phụ phẩm chính. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng sản phẩm này có thực sự đảm bảo an toàn hay không thì khó ai có thể khẳng định.
Theo bác sĩ Trần Văn Ký, phụ trách chuyên môn khu vực phía nam, Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam, mọi thứ đều có mặt trái của nó, người tiêu dùng cần cảnh giác với thực phẩm “3 không”: không nhãn mác, không nguồn gốc, không ngày sản xuất. Ông nói: “Rau củ quả, bột, đường là nguyên liệu trong danh mục cho phép, nhưng cách làm kiểu “a ma tơ” thì khó bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Bột ngũ cốc handmade quảng cáo sai công dụng khi khẳng định như thuốc điều trị.
Bác sĩ Trần Văn Ký khuyến cáo, thực phẩm rẻ thường chứa hóa chất, nguyên liệu kém chất lượng, chất phụ gia, mùi vị để tạo nên sản phẩm bắt mắt, bắt vị người tiêu dùng. Đã là hàng không rõ nguồn gốc thì rất khó kiểm soát do tự bán đâu đó trên mạng, trong nhà... không đăng ký kinh doanh nên lực lượng QLTT đôi khi khó nắm bắt, nên không ai quản được vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Còn theo GS. TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đa số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm handmade chưa đăng ký sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, do thói quen, vẫn có người tiêu dùng mua hàng handmade mà ít quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ hay thương hiệu. Đã đến lúc, người tiêu dùng cần có nhận thức đúng, lựa chọn hàng đủ tiêu chuẩn và tẩy chay sản phẩm không bảo đảm an toàn.
Ngày 02/02/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2018/NĐ-CP về Hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (thay thế Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 của Chính phủ). Theo đó, tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm khi hoạt động, trừ các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP thì không phải xin giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
Cũng tại Điều 6, Nghị định này nêu rõ: “Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đăng ký bản công bố sản phẩm đối với các sản phẩm sau đây: Thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt”.
Nguyễn Hương