Bức tranh tài chính mang tên thương hiệu Manulife Việt Nam

Hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và đầu tư tài chính, Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) cung cấp các sản phẩm bảo hiểm như: Bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm liên kết đầu tư, bảo hiểm hưu trí, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm,… với mong muốn cung cấp cho khách hàng những giải pháp bảo hiểm phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng và phát triển thương hiệu, Manulife gặp phải một số khó khăn…

Thương hiệu Manulife thuộc Công ty TNHH Manulife Việt Nam (Manulife) được thành lập vào tháng 06/1999, có trụ sở chính tại Tòa nhà Manulife, 75 đường Hoàng Văn Thái, phường Tân Phú, quận 7, TP. Hồ Chính Minh.

Manulife là một trong những công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài đầu tiên hoạt động tại thị trường Việt Nam. Hiện 100% vốn của của công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn Tài chính Manulife (trụ sở tại Canada).

Hoạt động chủ yếu của Manulife là cung cấp các sản phẩm đa dạng từ sản phẩm bảo hiểm truyền thống đến sản phẩm bảo hiểm sức khoẻ, giáo dục, liên kết đầu tư, hưu trí… cho hơn 1,5 triệu khách hàng với mạng lưới 80 văn phòng trên khắp cả nước. Bên cạnh đó, Manulife cùng các đối tác ngân hàng triển khai kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.

Trong thời gian gần đây, Manulife liên tục dẫn đầu thị trường về doanh thu và thị phần thị trường bảo hiểm nhân thọ. Doanh nghiệp này cũng đang chiếm thị phần lớn thứ hai trong mảng nhân thọ tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong hành trình xây dựng thương hiệu, Manulife gặp phải không ít thăng trầm, khiến khách hàng, người tiêu dùng lo lắng về các quyền lợi được hưởng về đầu tư, kinh doanh, tài chính...

Cụ thể, Manulife đã dành hơn nửa tài sản vào mua trái phiếu, lỗ trăm tỷ vì cổ phiếu, lỗ lũy kế gần 3.600 tỷ đồng, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 1.676 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm của Manulife có khoản chi gần 1.512 tỷ đồng cho nội dung “hủy bỏ hợp đồng”, cao hơn nhiều so với con số gần 396 tỷ đồng của năm trước. Vậy, Manulife đang kinh doanh ra sao?

Khi viết loạt bài này, chúng tôi chỉ mong rằng, thương hiệu Manulife luôn là thương hiệu có những sản phẩm bảo hiểm uy tín, chất lượng, hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất.

Manulife dành 60,7% tài sản để đầu tư trái phiếu

Mới đây, Công ty TNHH Manulife Việt Nam công bố báo cáo tài chính (BCTC) soát xét bán niên năm 2023. Kết quả cho thấy, tình hình kinh doanh kém sắc hơn các kỳ năm trước.

Cụ thể, dữ liệu BCTC tính đến ngày 30/06/2023 thể hiện, tổng tài sản của Manulife tăng từ 106.378 tỷ đồng lên 111.544 tỷ đồng, tăng gần 5% so với hồi đầu năm.

Nợ phải trả của Manulife cũng tăng 3,6% lên mức 92.648 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là số nợ phải trả của Manulife đã chiếm tới 83%. So với số vốn chủ sở hữu hiện có của Manulife là 18.896 tỷ đồng, nợ phải trả đang cao gấp 4,9 lần vốn chủ sở hữu.

Tại thời điểm ngày 30/06/2023, tiền và các khoản tương đương tiền của Manulife giảm 1.676 tỷ đồng (tương đương giảm 40%) xuống còn 2.556 tỷ đồng (gồm: 1.540 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng và 1.016 tỷ đồng các khoản tương đương tiền).

Đóng góp một phần quan trọng vào thành tựu của công ty bảo hiểm này là các khoản đầu tư tài chính ngắn và dài hạn với tổng số tiền là 90.636 tỷ đồng. Nhờ đó, doanh nghiệp này đã thu về 2.543 doanh thu tài chính.

Tại khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, Manulife ghi nhận 22.414 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi ngắn hạn có hơn 11.251 tỷ đồng, hơn 203 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh ngắn hạn và hơn 9.570 tỷ đồng cổ phiếu (bao gồm: 9,1 tỷ đồng vào cổ phiếu UPCoM và 9.561 tỷ đồng còn lại đầu tư vào cổ phiếu niêm yết). Tuy nhiên, doanh nghiệp này phải trích lập dự phòng hơn 392,5 tỷ đồng cho khoản đầu tư vào cổ phiếu và tạm lỗ 240 tỷ đồng.

Đáng chú ý, Manulife không còn nắm giữ 1.505 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp như hồi đầu năm.

Ngoài cổ phiếu, Manulife cũng đang nắm gần 67.560 tỷ đồng trái phiếu, tăng 11% so với đầu năm. Trong đó, doanh nghiệp này chi ra 56.130 tỷ đồng để mua trái phiếu Chính phủ hoặc được Chính phủ bảo lãnh. Số tiền còn lại là hơn 11.429 tỷ đồng được Manulife đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính quyền địa phương, hơn 589 tỷ đồng các khoản tiền gửi ngân hàng dài hạn (bao gồm các trái phiếu có thời hạn từ 03 năm đến 30 năm và được hưởng lãi suất từ 2,10%/năm đến 11,80%/năm.

Các khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của Manulife. (Nguồn: BCTC 6 tháng năm 2023 tại Manulife)Các khoản đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu của Manulife. Nguồn: BCTC bán niên năm 2023 tại Manulife.

Như vậy, tính đến hết ngày 30/06/2023, Manulife có hơn 11.429 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính quyền địa phương dài hạn và hơn 56.333 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh.

Tính đến ngày 30/06/2023, Manulife đưa vào kênh trái phiếu với tổng số tiền là hơn 67.763 tỷ đồng, chiếm 60,7% tổng tài sản.

Đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng vào trái phiếu, báo cáo của Manulife cho biết đến 30/06/2023, công ty vẫn treo khoản “phải thu lãi trái phiếu” hơn 1.479 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp công bố thông tin chậm trả lãi, gốc trái phiếu, những khách hàng của các công ty bảo hiểm luôn có tâm lý lo lắng về những khoản đầu tư của doanh nghiệp. Câu chuyện quay trở lại với việc các doanh nghiệp bảo hiểm đang “ôm” trái phiếu những doanh nghiệp nào?

Lỗ lũy kế gần 3.600 tỷ đồng, Manulife đang kinh doanh ra sao?

Kết thúc nửa đầu năm 2023, các khoản đầu tư dài hạn của Manulife ghi nhận 11.429 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính quyền địa phương, tăng 1.237 tỷ đồng so với con số 10.191 tỷ đồng hồi đầu năm 2023.

Trước đó, tại Nghị quyết kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV yêu cầu Chính phủ phối hợp với cơ quan hữu quan khẩn trương xử lý các bất cập trong tư vấn đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, môi giới, bán chéo bảo hiểm nhân thọ khi xét duyệt hồ sơ vay vốn; thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ, tập trung vào loại hình bảo hiểm liên kết đầu tư. Trong số này, thanh tra toàn diện thị trường bảo hiểm nhân thọ là nội dung được dư luận quan tâm, đặc biệt sau những ồn ào của thị trường bảo hiểm trong thời gian qua.

Như vậy, chưa rõ việc đầu tư vào trái phiếu có ảnh hưởng đến tình hình hoạt động của Manulife hay không. Thế nhưng, tại BCTC 06 tháng đầu năm 2023, Công ty này đã rơi vào tình trạng âm dòng tiền dù doanh thu và lợi nhuận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước.

Tính đến ngày 30/06/2023, Manulife ghi nhận doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt 11.090 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ năm 2022. Trong nửa năm qua, tổng chi phí hoạt động kinh doanh bảo hiểm của Manulife tăng27,3% lên 9.787 tỷ đồng. Trong đó, chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng mạnh 45% lên 8.837 tỷ đồng, chi phí hoa hồng bảo hiểm giảm 43% xuống còn 911 tỷ đồng. Doanh thu hoạt động tài chính đạt hơn 2.543 tỷ đồng, tăng 6%. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên 1.447 tỷ đồng.

Ảnh: Chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng mạnh, hủy bỏ hợp đồng tăng hơn 282% so với cùng kỳ năm trước.Chi bồi thường và trả tiền bảo hiểm tăng mạnh, hủy bỏ hợp đồng tăng hơn 282% so với cùng kỳ năm trước. (Nguồn: BCTC bán niên năm 2023 tại Manulife)

Đáng chú ý, trong mục chi bồi thường bảo hiểm gốc và trả tiền bảo hiểm, doanh nghiệp đưa ra số tiền hơn 1.511 tỷ đồng cho phần "hủy bỏ hợp đồng", tăng hơn 282% so với cùng kỳ năm trước, đồng thời cao hơn nhiều so với các khoản như: bảo tức, quyền lợi tiền mặt và lãi phân bổ cho chủ hợp đồng, bồi thường nằm viện và chi phí thuốc men, bồi thường tử vong, đáo hạn hợp đồng...

Sau khi trừ đi các loại chi phí, Manulife báo lãi sau thuế gần 1.950 tỷ đồng, giảm gần 29% so với nửa đầu năm 2022. Với mức lãi này, lỗ lũy kế của Manulife Việt Nam giảm từ 5.525 tỷ đồng đầu năm nay xuống còn 3.577 tỷ đồng. Trước đó, năm 2021, Manulife Việt Nam cũng đã từng lỗ lũy kế 7.960 tỷ đồng.

ẢNH: 1

Nguồn: BCTC bán niên năm 2023 tại Manulife.Nguồn: BCTC bán niên năm 2023 tại Manulife.

Xét về dòng tiền, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Manulife âm hơn 1.676 tỷ đồng, năm trước công ty cũng ghi nhận dòng tiền âm hơn 7.784 tỷ đồng. Nguyên nhân đến từ việc lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư âm tới hơn 2.319 tỷ đồng.

Trước đó, nhiều trường hợp khách hàng phản ánh gửi tiền tiết kiệm nhưng bị nhân viên Ngân hàng SCB tư vấn lập lờ chuyển sang mua hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Tâm An đầu tư của Manulife.

Sau khiếu nại của người dân, Manulife đã gửi thư mời, trao đổi với khách hàng gửi đơn khiếu nại trước ngày 30/04. Đến tháng Sáu, Manulife đã huỷ bỏ hợp đồng, chi trả cho khách hàng khoảng 800 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, hiện nay còn khoảng gần 1.000 hợp đồng của khách hàng gửi tiết kiệm tại SCB bị chuyển thành hợp đồng bảo hiểm nhân thọ Tâm An đầu tư của Manulife. Gần đây, trong văn bản trả lời 98 khách hàng gửi đơn khiếu nại vào tháng 5, Manulife cho biết sẽ cân nhắc xử lý những khiếu nại này.

Sau "khủng hoảng" từ năm 2022 tới nay, thị trường bảo hiểm đang sụt giảm. Trong 9 tháng năm 2023, tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 113.400 tỷ đồng, giảm 10,7% so với cùng kỳ năm 2022. Chi trả quyền lợi bảo hiểm đã tăng 30,2%, đạt 57.100 tỷ đồng.

Bộ Tài chính đang thanh tra Manulife

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Tài chính mới đây, trả lời câu hỏi của báo chí về việc thanh tra doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, ông Doãn Thanh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: Bộ Tài chính đang thanh tra Manulife và một doanh nghiệp khác.

Từ nay tới cuối năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thanh tra 06 doanh nghiệp bảo hiểm theo kế hoạch.

Thương hiệu và Công luận tiếp tục chuyển tới bạn đọc các thông tin khác về hoạt động của Manulife.

Thanh Hải (Theo THCL)

Cùng chuyên mục