Dịch COVID-19 khiến các giao dịch truyền thống giảm, ngược lại tốc độ tăng trưởng của các giao dịch thương mại điện tử bứt phá. Hoạt động mua bán trên MXH ngày càng bùng nổ kéo theo việc các đối tượng chụp ảnh sản phẩm, dùng địa chỉ bán hàng không rõ ràng, phát hình trực tiếp (livestream) và đăng bài quảng cáo về mỹ phẩm không đúng sự thật.
Với lợi thế kinh doanh trên mạng, thoát được nhiều quy định và bị kiểm tra bởi cơ quan chức năng, mỹ phẩm giả tiếp tục "khuynh đảo" các chợ mạng, bao gồm cả các sàn thương mại điện tử uy tín.
Theo báo cáo từ L’Oréal Việt Nam, ước tính có hơn 60.000 cửa hàng bán mỹ phẩm, nước hoa liên quan đến mỹ phẩm không thể xác minh nguồn gốc, thành phần trên mạng. Trong đó có 31.000 trường hợp liên quan đến các nhãn hàng cao cấp của Lancôme, YSL, shu uemura và Kiehl’s... trộn lẫn hàng thật và hàng giả để bán tùy theo mức độ hiểu biết của người mua hàng.
Nhiều trường hợp giả mỹ phẩm cao cấp kèm chương trình khuyến mãi lớn hay với mức giá chỉ bằng 30% – 50 % giá chính hãng bán trên các sàn thương mại điện tử hay các trang Facebook, người bán quảng cáo là "xả kho", "hàng xách tay từ gia đình gởi về", "hàng mua giảm giá từ nước ngoài có hóa đơn mua hàng"... với cam kết bán hàng chính hãng 100%, xách tay, giá rẻ hơn hàng thật khá nhiều và chỉ giao dịch qua mạng. Khi khách có nhu cầu mua hàng trực tiếp tại cửa hàng, các đối tượng thường vòng vo và tìm cách né tránh.
Việc mua bán mỹ phẩm hiện nay trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Chỉ cần trên công cụ tìm kiếm google, người dân có thể dễ dàng tìm thấy nhiều trang web, facebook cá nhân quảng cáo bán mỹ phẩm với nhãn hiệu nổi tiếng trên thế giới của Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… hoặc sản phẩm gia truyền.
Để tạo lòng tin cho khách hàng, một số trang mạng đăng cả số điện thoại, địa chỉ văn phòng, nhưng hầu hết là địa chỉ ảo. Bởi, các shop ảo này có thể tránh được sự quản lý của các cơ quan chức năng và nếu xảy ra sự cố thì người dân không biết đâu mà tìm.
Các trang bán mỹ phẩm online với những lời quảng cáo “có cánh” và đăng kèm ảnh của những khách hàng đã sử dụng để “tô vẽ” về công dụng làm trắng da và trị nám triệt để. Phần lớn các mặt hàng này đều sản xuất trong nước, không có thương hiệu, không có kiểm định của cơ sở y tế. Tuy mập mờ về nguồn gốc và thành phần nhưng giá phải chăng, phù hợp thu nhập của dân văn phòng, sinh viên, chỉ vài chục nghìn đến 100-200 nghìn/sản phẩm.
Lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ số lượng lớn mỹ phẩm giả. Ảnh: Cục QLTT Hà Nội
Chị Lê Thanh Hà ở quận Cầu Giấy cho biết, do đặt lòng tin vào những lời tư vấn của chủ shop ảo nên đăc đặt mua sản phẩm dưỡng trắng da của hãng Chloe của Pháp. 3 ngày đầu, chi Hà bôi da trắng sáng hẳn, các vết thâm nám cũng mờ rõ rệt. Tuy nhiên, sau đó phải dừng sử dụng vì da bắt đầu sần sùi, nổi mụn và mẩn ngứa.
Chị Lê Thanh Hà chia sẻ: “Tôi đặt mua kem dưỡng trắng da chloe. Bôi lên mặt chỉ 1 giờ sau mặt đã nổi mẩn ngứa, đỏ rát rồi mặt bị sưng. 5 ngày sau mới hết sưng và mặt bị bong một lớp da. Tôi cũng không thể phân biệt được kem thật, kem giả và cũng không biết người bán ở đâu để họ chịu trách nhiệm cho mình”.
Cũng giống như chị Thành Hà, chị Nguyễn Minh ở Hà Đông (Hà Nội) cho biết, thấy trên trang Facebook của một shop bán đồ mỹ phẩm có lượng người theo dõi lớn rao bán nước hoa Chanel 50ml giá gần 500.000 đồng với lời chào bán rất hấp dẫn: “Sale sốc tri ân khách hàng nhân sinh nhật 2 năm của shop”, chị Minh đã đặt mua một lọ. Sau khi nhận hàng và dùng thử chị Minh mới “ngã ngửa”, nước hoa toàn mùi hóa chất, không hề giống với mùi lọ nước hoa cùng loại chị đang dùng.
“Thấy giá bán quá chênh nhau, trong khi giá gốc mấy triệu mà shop bán chưa đến 500.000 đồng thì tôi cũng hơi hoài nghi, nhưng nghĩ là “tri ân” khách hàng nhân sinh nhật nên tôi mới mua. Sau khi xịt thử 1 lần thì tôi bỏ đi luôn”, chị Minh cho hay.
Thực tế, thời gian qua, lực lượng QLTT trên cả nước đã bắt giữ nhiều mặt hàng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí có cả những loại mỹ phẩm sử dụng công nghệ “xô chậu”, pha chế thủ công bằng nhiều loại hóa chất trôi nổi.
Cụ thể, mới đây, Đội QLTT số 11 thuộc Cục quản lý thị trường Hà Nội phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế, Công an huyện Thanh Oai ập vào cơ sở sản xuất tại thôn Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai (Hà Nội) và phát hiện nhiều công nhân đang sang chiết, dán nhãn các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu nước ngoài.
Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện số lượng lớn vỏ hộp, tem nhãn thể hiện nguồn gốc xuất xứ sản phẩm ở Hàn Quốc, Pháp...Đáng chú ý, các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công tại cơ sở bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi khác nhau và được đựng trong các xô, chậu.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công Thương cho biết, trong những năm gần đây quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội, các ứng dụng trực tuyến... ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
Thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ sản xuất, đóng gói mỹ phẩm giả trong nước (tự pha chế nguyên liệu, đóng gói, dán nhãn,…), mỹ phẩm nhập lậu. Mỹ phẩm giả có nguồn gốc nước ngoài cũng có xu hướng gia tăng. Có những cơ sở vi phạm có đầy đủ các dụng cụ, máy móc pha chế, đóng gói, dán nhãn để sản xuất hàng giả.
Thiên Trường