Ngoài giảm 50% thuế thu nhập cá nhân, các loại hình kinh doanh trong chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống, báo chí…lần đầu được đề xuất giảm thuế.
Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết ban hành một số giải pháp miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Theo dự kiến nội dung chương trình, tại phiên họp thứ 2 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (khai mạc ngày 17/8) chưa có nội dung này. Trước đó, vấn đề này cũng được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ.
Cụ thể, năm 2021, dự kiến khoản hỗ trợ như gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất, miễn giảm thuế, phí, lệ phí lên tới 118 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng cũng được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bộ Tài chính cũng đề xuất giảm 50% các loại thuế phải nộp với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; giảm thuế VAT với một số lĩnh vực chịu ảnh hưởng của dịch COVID; miễn tiền chậm nộp với người nộp thuế gặp khó khăn, giảm tiền thuê đất phải nộp.
Theo tính toán, tổng giá trị ước tính của gói này hơn 20 nghìn tỷ đồng. Gói hỗ trợ này sẽ được trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội để thông qua nghị quyết trong phiên họp gần nhất.
Dự thảo Nghị quyết đưa ra 4 chính sách, trong đó có đề xuất tiếp tục giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020.
Đặc biệt có đến 3 nhóm chính sách lần đầu tiên được đề xuất, gồm:
Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn;
Ảnh minh họa
Giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...;
Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (2 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.
Theo dự tính, việc thực hiện các chính sách đề xuất tại dự thảo Nghị quyết có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 20 nghìn tỷ đồng.
Tính chung các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất được thực hiện từ đầu năm 2021 trong hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân là trên 138 nghìn tỷ đồng.
Trong lĩnh vực tín dụng, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ vừa qua, đại diện NHNN cho biết, đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tuỳ mức độ khó khăn. Ước tính gói giảm lãi suất của 16 nhà băng này khoảng 20.300 tỷ đồng từ nay đến cuối năm 2021.
Ngoài ra, 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước cũng cam kết giảm lãi suất cho các doanh nghiệp tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, mỗi nhà băng 1.000 tỷ đồng.
Luân Dũng