Đánh vào sự thiếu hiểu biết và lòng tham, muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của các nạn nhân, đối tượng lừa đảo sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo, Telegram... để đưa ra các thông tin giả dối rồi chiếm đoạt tài sản của người dân.
Công an tỉnh Kon Tum cho biết, thời gian gần đây, các thủ đoạn lừa đảo trên không gian mạng như lừa đảo kinh doanh đa cấp, giả danh tin nhắn của ngân hàng, thông báo trúng thưởng, giả danh các cơ quan pháp luật thông báo vi phạm... nhằm chiếm đoạt tài sản của người dân vẫn xảy ra, nhưng đã xuất hiện thêm một thủ đoạn mới là giả danh chuyên gia chứng khoán để lừa đảo. Các nạn nhân ở đây đa số lần đầu được tiếp cận hoặc chưa từng biết đến chứng khoán.
Trung tá Đinh Quốc Tuấn chia sẻ về thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản giả gianh chuyên gia chứng khoán. (Ảnh: Công an tỉnh Kon Tum)
Dù các hành vi lừa đảo không mới, nhưng tại các tỉnh lẻ nhiều người vẫn mắc bẫy của các đối tượng lừa đảo. Loại tội phạm này thường sử dụng mạng xã hội facebook, zaLo, telegram… để đưa ra các thông tin đánh vào sự thiếu hiểu biết và lòng tham, muốn kiếm tiền dễ dàng, nhanh chóng của các nạn nhân.
Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Kon Tum đã tiếp nhận đơn trình báo 2 trường hợp bị tội phạm giả danh chuyên gia chứng khoán mời gọi đầu tư để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây tổng thiệt hại lên đến hơn một tỷ đồng.
Cụ thể, chị T. (trú tại tỉnh Kon Tum) thông qua mạng xã hội Facebook đã được một đối tượng tự xưng là chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư chứng khoán tư vấn, mời gọi tham gia.
Ban đầu, chị T. tham gia với số tiền nhỏ và tài khoản đã sinh lợi nhuận, chị đã rút được tiền gốc và lợi nhuận ra khỏi tài khoản. Sau đó, đối tượng này kêu gọi chị T. đầu tư thêm 80 triệu và được công ty hỗ trợ thêm 20 triệu vào tài khoản chứng khoán.
Sau một thời gian, đối tượng thông tin đến chị T. là đã đầu tư thành công và lợi nhuận đã lên đến 3,3 tỷ đồng. Bằng thủ đoạn này, đối tượng đã chiếm được lòng tin của chị T. để tiếp tục đưa ra các thông tin dụ dỗ chị đầu tư với số tiền lớn hơn.
Vì tin tưởng như lần đầu là sẽ rút được tiền và kiếm thêm lợi nhuận một cách dễ dàng nên chị T. đã nộp tiền nhiều lần vào các tài khoản theo chỉ định của đối tượng lừa đảo tổng cộng lên đến hơn 600 triệu đồng.
Qua thực tế đấu tranh với loại tội phạm này, Trung tá Đinh Quốc Tuấn - Phó Trưởng phòng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Kon Tum) cho biết, loại tội phạm này thường đánh vào tâm lý của nạn nhân là sẽ không phải mất nhiều công sức và chắc chắn sẽ được hưởng lợi nhuận một số tiền lớn.
Để dụ dỗ, ngay từ ban đầu, đối tượng sẽ cho bị hại được hưởng lợi nhuận một cách đơn giản để làm tin. Sau khi cho hưởng lợi nhuận, đối tượng tiếp tục dụ dỗ bị hại đầu tư thêm tiền để thu lại được nhiều lợi nhuận hơn.
Trung tá Đinh Quốc Tuấn khuyến cáo người dân tuyệt đối không nghe theo những lời dụ dỗ của các đối tượng. Khi lỡ đã bị lừa đảo thì bị hại hãy hỏi những người xung quanh, người thân tra cứu trên mạng internet để biết và ngừng ngay việc bị lừa đảo và trình báo cơ quan công an nơi gần nhất.
Để bản thân không trở thành miếng mồi béo bở của loại tội phạm này, người dân cần cảnh giác, không nên tin vào những lời dụ dỗ việc nhẹ, lại kiếm được nhiều tiền như lời giới thiệu của các đối tượng đưa ra. Qua đây cũng là lời cảnh tỉnh đến những người thiếu hiểu biết, tiếp nhận những thông tin chưa được kiểm chứng, vì lòng tham, muốn làm giàu nhanh chóng mà tiền mất tật mang.
Duy Khánh