Cảnh giác với tiền ảo ''rác''

Các sàn đa cấp tiền ảo dưới hình thức sàn giao dịch nhị phân, sàn giao dịch điện tử mua hàng hoàn tiền… đang tích cực hút máu nhà đầu tư trước khi “trùm sò” ôm tiền biến mất.

Gần đây, tại Việt Nam hoạt động giao dịch tiền ảo sôi động trở lại. Đáng lo ngại là trên thị trường xuất hiện thêm hàng chục đồng tiền ảo mới như ETM, BKC, GEM, Win… Mỗi đồng tiền ảo lại gắn với một hệ sinh thái. Các loại tiền này là đều được quảng cáo có lợi nhuận siêu “khủng”.

Công thức chung của các loại tiền ảo này là lợi nhuận siêu hấp dẫn, hoa hồng 7-9 tầng do một công ty mới thành lập phát hành (hầu hết có trụ sở ở nước ngoài nhưng trang web bằng tiếng Việt và người truy cập hầu hết đến từ Việt Nam)...

Cảnh giác với các loại tiền ảo ''rác''.Cảnh giác với các loại tiền ảo ''rác''.

Điều đáng bàn là phương thức đầu tư của các loại tiền ảo mới này dựa trên các loại tiền ảo đã có trước đây, điển hình là Bitcoin. Nhà đầu tư phải mua Bitcoin sau đó nạp vào tài khoản công ty phát hành để đổi lấy các loại tiền ảo kể trên. Việc này có thể hiểu là, các công ty trên dụ nhà đầu tư đổi tiền thật sang tiền ảo đã được khẳng định giá trị, sau đó lấy tiền ảo “xịn” này đổi sang tiền ảo “rác”. Kết thúc, các đối tượng sẽ ẵm trọn tiền ảo “xịn” rồi đánh sập sàn hoặc đưa giá trị tiền ảo “rác” tụt dốc, thậm chí đưa về 0% giá trị.

Tại Việt Nam, tiền ảo không được công nhận là phương tiện thanh toán hay hàng hóa hợp pháp. Nếu chấp nhận để nhà đầu tư mua tiền ảo bằng tiền đồng, hành vi trên có thể bị khép vào tội lừa đảo. Nhưng nếu lấy tiền ảo để mua tiền ảo thì sẽ không đủ căn cứ pháp lý để xử phạt. Đây là lỗ hổng lớn khiến gần đây các sàn giao dịch tiền ảo "rác" công khai kêu gọi nhà đầu tư.

Không thể thống kê chính xác được bao nhiêu tiền đã được rót vào thị trường ngầm tiền ảo, do chợ tiền ảo chỉ diễn ra trên mạng. Tiền mặt mua Bitcoin thông qua tài khoản ngân hàng nhưng là giữa cá nhân với cá nhân, trong khi giao dịch giữa Bitcoin và tiền rác lại diễn ra qua các ví tiền ảo, không qua tài khoản ngân hàng, nên càng khó giảm sát.

Nhìn vào số lượng hàng chục ngàn người tham gia mỗi sàn đa cấp tiền ảo trên mạng xã hội, có thể thấy, lượng tiền chảy vào kênh này rất lớn. Những vụ sập sàn tiền ảo rác thời gian qua phần nào làm lộ sáng dòng tiền đen ngầm chảy này. Đơn cử, khi tiền ảo iFan sụp đổ (năm 2018), nhiều người choáng váng khi biết số tiền mà các nhà đầu tư bị bốc hơi lên tới 15.000 tỷ đồng. Như vậy, tại Việt Nam, các “nhà cái” tiền ảo rác có thể đã chiếm đoạt hàng trăm ngàn tỷ đồng của các nhà đầu tư.

Tháng 5/2020, Bộ Tài chính đã thành lập Tổ công tác nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo. Nhưng từ việc nghiên cứu đến quản lý được các loại giao dịch này còn liên quan đến nhiều bộ, ngành khác và cần thêm thời gian.

Thực tế, những vụ sập sàn tiền ảo rác thời gian qua cho thấy, loại hình đầu tư này là vô cùng rủi ro. Vì vậy, người dân cần tỉnh táo để tránh rơi vào bẫy tiền ảo, nay còn thêm biến tướng là tiền ảo “rác”.

NGUYÊN BÌNH`

Cùng chuyên mục