Là cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia và có sứ mệnh dẫn dắt, Chính phủ số phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.
“4 có” và “4 không”
Giới chuyên gia nhận định, thời gian qua, quá trình chuyển đổi số ở Việt Nam đã được thể hiện một cách rõ nét trong nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Với 3 trụ cột chính là phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới tiên phong xây dựng và ban hành Chương trình chuyển đổi số quốc gia nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới và bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Trong đó, là cấu thành quan trọng của chuyển đổi số quốc gia và có sứ mệnh dẫn dắt, Chính phủ số phải đi trước, đi đầu và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là lần đầu Việt Nam ban hành chiến lược về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, với tầm nhìn đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu theo xếp hạng của Liên hợp quốc.
Chiến lược xác định 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm quốc gia (hoàn thiện môi trường pháp lý; phát triển hạ tầng số; phát triển các nền tảng số và hệ thống quy mô quốc gia; phát triển dữ liệu số quốc gia; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia; bảo đảm an toàn, an ninh mạng quốc gia).
Trong đó, nhấn mạnh, phát triển các dịch vụ công trực tuyến dựa trên nhu cầu người dân và theo các sự kiện trong cuộc đời, người dân chỉ cung cấp thông tin một lần. Chiến lược nêu rõ: Định hướng mở là để người dân, doanh nghiệp và tổ chức khác tham gia một cách phù hợp vào hoạt động của cơ quan nhà nước, tương tác với cơ quan nhà nước để cùng tăng cường minh bạch, nâng cao chất lượng dịch vụ, cùng giải quyết vấn đề và cùng tạo ra giá trị cho xã hội.
Chính phủ số bản chất là Chính phủ điện tử, bổ sung những thay đổi về cách tiếp cận, cách triển khai mới nhờ vào sự phát triển của công nghệ số. Hiểu một cách đơn giản, Chính phủ điện tử là “bốn không”; tức là có khả năng họp không gặp mặt; xử lý văn bản không giấy tờ; giải quyết thủ tục hành chính không tiếp xúc; và thanh toán không dùng tiền mặt.
Chính phủ số, cùng với các nội hàm của Chính phủ điện tử, thêm “bốn có”. Đó là có toàn bộ hành động an toàn trên môi trường số; có khả năng cung cấp dịch vụ mới nhanh chóng; có khả năng sử dụng nguồn lực tối ưu; và có khả năng kiến tạo phát triển, dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, giải quyết hiệu quả những vấn đề lớn trong phát triển và quản lý kinh tế - xã hội.
Chính phủ số đóng vai trò sứ mệnh và tạo không gian phát triển cho kinh tế số, xã hội số
Giải quyết nhiều “điểm nghẽn”
Về định hướng phát triển hệ thống dịch vụ công trực tuyến thúc đẩy hình thành Chính phủ số, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đánh giá, Hệ thống thông tin điện tử giải quyết thủ tục hành chính đã cơ bản hình thành theo hướng đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương, làm cơ sở hỗ trợ, thúc đẩy việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trong đó, Cổng Dịch vụ công quốc gia hiện đóng vai trò trung tâm.
Kể từ khi vận hành vào tháng 12/2019, Cổng đã đạt nhiều kết quả được người dân, doanh nghiệp ghi nhận như: đã có hơn một triệu tài khoản đăng ký thành công; cung cấp hơn 3.100 dịch vụ; thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt với các khoản phí, lệ phí, bảo hiểm, thuế, vi phạm hành chính… với số tiền 258 tỷ đồng.
Cùng với đó, Cổng cũng có hơn 70 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đây là nguồn dữ liệu quan trọng để cho các bộ, ngành, địa phương giám sát, đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, cùng với những nỗ lực hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách... vẫn còn nhiều hạn chế như hệ thống nền tảng kết nối liên thông, tích hợp chia sẻ dữ liệu triển khai chậm, chưa công bố tiến độ, các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu điện tử tại các bộ, ngành, địa phương chưa hoàn thiện. Việc ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự kết nối, liên thông, gửi, nhận văn bản điện tử.
Bên cạnh đó, dịch vụ công trực tuyến được thiết kế riêng lẻ, rời rạc, chưa thân thiện, chưa lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Các thông tin, dữ liệu trực tuyến từ các bộ, ngành, địa phương phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng còn thiếu, hầu hết thông tin được tổng hợp bằng phương thức thủ công...
Ngoài ra, một thách thức lớn khác là hiện nay mức chi đầu tư cho chuyển đổi số tại Việt Nam còn thấp, chỉ chiếm từ 0,3 - 0,5% so với GDP. Trong khi mức đầu tư trung bình trên thế giới phải gấp ít nhất 3 lần như thế. Điều này nếu không cải thiện sẽ tạo rào cản lớn cho chuyển đối số quốc gia...
Thanh Tùng (VietQ)