Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chè Phú Thọ

Để tìm đầu ra bền vững cho cây chè, ngành Công Thương tỉnh Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều hoạt động xúc tiến tiêu thụ sản phẩm này.

Sản phẩm chè của Phú Thọ được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) được cấp Giấy chứng nhận nhãn hiệu vào tháng 11/2020, đã góp phần nâng cao uy tín, giá trị kinh tế, sức cạnh tranh.

Phú Thọ có 137.000 ha trồng chè, sản lượng 180.000 tấn, lớn thứ 4 cả nước. Cây chè được trồng tập trung chủ yếu tại các huyện Thanh Sơn, Cẩm Khê, Tân Sơn, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Yên Lập, Phù Ninh...

Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chè Phú Thọ.Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm chè Phú Thọ.

Năm 2022, tỉnh đạt 60.000 tấn chè thành phẩm, trong đó 70% là chè đen, 30% chè xanh và các loại chè khác. Trên địa bàn tỉnh hiện có 57 nhà máy chế biến chè, trong đó 21 doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, ngoài ra còn nhiều cơ sở sản xuất quy mô nhỏ. Trên địa bàn tỉnh có 3 nhãn hiệu tập thể: Chè xanh Phú Hộ (huyện Phù Ninh), Chè xanh Yên Kỳ (huyện Hạ Hòa), chè Long Cốc (huyện Tân Sơn).Sản phẩm chè của Phú Thọ đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Đức, Mỹ, Hà Lan… Tuy nhiên, năm 2022, do ảnh hưởng từ xung đột địa chính trị, xuất khẩu chè của Phú Thọ cũng gặp khó khăn.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 2/2023, ông Đặng Việt Phương- Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ cho biết: Tháng 4 và 5/2022, chè xuất khẩu đi Nga bị đình trệ hoàn toàn, thậm chí có container hàng đã đến cảng chuẩn bị vận chuyển phải quay về do ảnh hưởng từ xung đột Nga - Ukraine. Sau khi hoạt động vận chuyển được mở lại, doanh nghiệp lại gặp trục trặc về thanh toán.

Trước những khó khăn trên, để gỡ khó đầu ra cho cây chè, năm 2023, Phú Thọ xác định đưa chè và chuối xuất khẩu sang một số thị trường, trong đó mục tiêu lớn nhất là Bangladesh, do thị trường Bangladesh có 160 triệu dân, nhu cầu tiêu dùng rất lớn.

Trong những năm gần đây, cây chè đã trở thành cây trồng quan trọng góp phần phát triển kinh tế xã hội và xây dựng nông thôn mới ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất chè, xây dựng ngành chè thành ngành hàng chủ lực có giá trị gia tăng cao của tỉnh, ngày 10/8/2022, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 3092/KH-UBND ngày 10/8/2022 về phát triển chè trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025.

Theo đó, đến năm 2025, ổn định diện tích chè toàn tỉnh khoảng 15,7 nghìn ha, năng suất chè búp tươi bình quân đạt 125 tạ/ha, sản lượng đạt 195 nghìn tấn, tăng 5,3% (10 nghìn tấn) so với năm 2021; Chú trọng áp dụng biện pháp kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất trong sản xuất, chế biến chè.

Phấn đấu diện tích chè ứng dụng IPM đạt 90%; diện tích chè được áp dụng quy trình sản xuất tốt, an toàn (GlobalGAP, RA, VietGAP, hữu cơ,...) chiếm trên 40% (khoảng 6 nghìn ha, trong đó chứng nhận mới 2,6 nghìn ha đạt tiêu chuẩn VietGAP); Đa dạng hóa sản phẩm chè, phấn đấu tỷ lệ chè xanh và các sản phẩm chè chế biến sâu (Ô long, thảo dược, matcha,... ) đạt trên 40% trong cơ cấu chế biến; phấn đấu giá trị sản phẩm bình quân chè xanh đạt khoảng 135 triệu đồng/1ha; tỷ lệ sản phẩm được sản xuất dưới các hình thức hợp tác, liên kết đạt 40%; Phấn đấu 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, truy suất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu…

Để hoàn thành mục tiêu trên, trong những năm tới, tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hình thức tổ chức sản xuất; Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hóa trong sản xuất; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường; Quản lý, phát triển thương hiệu, nhãn hiệu chè; Đảm bảo an toàn thực phẩm...

Duy Khánh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục