Đề xuất kiểm tra chất lượng hàng hóa trên trang thương mại điện tử

Cơ quan có thẩm quyền sẽ kiểm tra, so sánh tính thống nhất của thông tin trên các trang mạng bán hàng với thực tế thật của hàng hóa.

Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến đối với dự thảo Thông tư quy định kiểm tra Nhà nước về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường thay thế Thông tư 26 và Thông tư 12.

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), thực tiễn thi hành Thông tư số 26/2012/TT-BKHCN và Thông tư số 12/2017/TT-BKHCN đã bộc lộ một số nội dung quy định còn thiếu tính khả thi hoặc chưa được quy định; một số vấn đề còn chưa được rõ ràng, có những điểm còn thiếu tính thống nhất gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường của các cơ quan quản lý.

Ngoài ra, một vấn đề nổi cộm nhất trong tình hình dịch bệnh vừa qua đó là xu thế áp dụng công nghệ 4.0 trong kinh doanh phát triển mạnh mẽ. Việc bán hàng qua mạng không cần có kho chứa/lưu hàng hóa, nguồn hàng có thể được lấy từ nhiều nơi, gây khó khăn cho công tác kiểm tra, giám sát đối tượng. Vì vậy, khâu kiểm tra chất lượng và ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa được kinh doanh, bán hàng theo hình thức TMĐT cần được nghiên cứu, bổ sung các quy định, chế tài.

Nhằm thực hiện các yêu cầu thực tiễn cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp, giúp cơ quan nhà nước quản lý chặt chẽ, tăng cường kiểm soát hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất bổ sung quy định về hàng hóa lưu thông bao gồm cả hàng hoá trong hoạt động kinh doanh TMĐT.

Theo đó, khi kiểm tra các mặt hàng kinh doanh trên các trang TMĐT, người có thẩm quyền sẽ so sánh tính thống nhất của thông tin trên các trang mạng bán hàng với thực tế của hàng hoá.

Trước khi kiểm tra, cơ quan chủ trì sẽ xác minh (tên, địa chỉ,…) tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm, hàng hoá.

Tùy thuộc vào mức độ, phạm vi ảnh hưởng và hậu quả của việc vi phạm, cơ quan chức năng có trách nhiệm thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng tên, địa chỉ nơi bán hàng, tên trang TMĐT đăng ký bán hàng, tên hàng hóa và sự không phù hợp của hàng hóa.

2 phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường

Theo dự thảo, phương thức kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường được phân làm 2 loại.

Thứ nhất, kiểm tra theo kế hoạch hằng năm được người có thẩm quyền phê duyệt. Việc kiểm tra theo kế hoạch này không cần báo trước cho chủ sở hữu hàng hóa.

Căn cứ xây dựng kế hoạch hàng năm về kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường: Mục tiêu, kế hoạch theo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá; kết quả khảo sát, kiểm tra chất lượng hàng hóa trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường; thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về hàng hóa không bảo đảm chất lượng; thông tin cảnh báo của tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức nước ngoài hoặc quốc tế về chất lượng hàng hóa.

Xây dựng kế hoạch kiểm tra hàng năm bảo đảm các nội dung sau: đối tượng hàng hóa kiểm tra; địa bàn kiểm tra; tên đơn vị, tổ chức, cá nhân được kiểm tra (nếu có); thời gian kiểm tra (theo tháng); kinh phí tổ chức thực hiện kiểm tra; tổ chức thực hiện.

Thứ hai, kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa trên thị trường.

Căn cứ để quyết định kiểm tra đột xuất về chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường: Theo yêu cầu quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Khiếu nại, tố cáo về chất lượng hàng hóa; Thông tin, cảnh báo của tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài về hàng hóa không bảo đảm chất lượng có nguy cơ đe dọa an toàn của người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường; Kết quả khảo sát chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường phát hiện hàng hóa có dấu hiệu không bảo đảm chất lượng.

Hồng Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục