Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu/tháng

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan có thẩm quyền sẽ tính toán, đề xuất thời điểm để cải cách tiền lương.

Chiều 17/10, tại Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo.Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì buổi họp báo.

Trả lời câu hỏi của báo chí tại cuộc họp về việc tăng lương cơ sở và cải cách tiền lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai cho biết vừa qua, Trung ương đã cho ý kiến về việc điều chỉnh tăng lương cơ sở.

Chính phủ đang trình Quốc hội điều chỉnh tăng mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên 1,8 triệu đồng/tháng (hiện là 1,49 triệu đồng), tăng khoảng 20,8%; mức tăng chi lương hưu, trợ cấp BHXH với đối tượng do ngân sách Nhà nước chi trả khoảng 12,5%...

Việc thực hiện điều chỉnh này dự kiến thực hiện từ 1/7/2023. Riêng điều chỉnh tăng phụ cấp nghề với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở dự kiến thực hiện từ 1/1/2023.

Theo ông Mai, việc tăng lương cơ sở dựa trên nhiều yếu tố. Trong đó có tính toán theo thang bảng lương, phụ cấp nghề, các quy định khác tại Nghị định 38/2019 của Chính phủ. Cụ thể, phải tính các mức, khoản sinh hoạt phí, khoản trích theo chỉ tiêu lạm phát các năm.

“Việc thực hiện tăng lương cơ sở là nỗ lực rất lớn, được đề xuất và tính toán các điều kiện cần thiết để tăng. Sau khi tăng lương cơ sở, các cơ quan chức năng sẽ tính toán, đề xuất thời điểm thực hiện cải cách tiền lương” - ông Mai thông tin.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội nhấn mạnh đây là vấn đề rất lớn, trong đó có thách thức liên quan đến nguồn lực để thực hiện cải cách tiền lương, đặc biệt trong bối cảnh đất nước vừa trải qua hơn 2 năm chống chọi với dịch Covid-19 và mới bắt đầu phục hồi kinh tế.

Trả lời thêm nội dung này, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhắc lại việc Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII đã xác định lộ trình cải cách tiền lương.

“Tuy nhiên, 2 năm qua chúng ta chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch Covid-19. Do đó, cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị cũng phải chia sẻ với Đảng, Nhà nước vì chưa có nguồn tăng lương, dành nguồn lực đó cho công tác phòng chống dịch” - theo lời ông Cường.

Hiện nay, ông Cường cho biết, kinh tế đã có sự phục hồi, tăng trưởng cũng đã có dấu hiệu khả quan. Vì vậy, chúng ta tính tăng lương cơ sở trước, sau đó sẽ có lộ trình để thực hiện cải cách tiền lương.

“Tuy nhiên việc này còn phụ thuộc vào ngân sách, nguồn lực quốc gia. Chúng ta phải cân đối kỹ lưỡng giữa đầu tư cho phát triển và đầu tư cho con người” - ông Cường cho biết.

Việt Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục