Gần 70 triệu cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu cử

Gần 70 triệu cử tri trên cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội khoá XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Về đại biểu Quốc hội khóa XV, trong danh sách 866 ứng cử viên, sẽ có 500 người được chọn. Trong đó, Trung ương có 203 ứng viên, còn địa phương có 663 ứng viên. 

Về đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh, trong danh sách 6.201 ứng cử viên, sẽ có 3.737 đại biểu được chọn. Ở cấp huyện, từ 37.463 ứng cử viên, cử tri sẽ bầu ra 22.953 đại biểu. Ở cấp xã, 246.510 người sẽ được bầu ra từ danh sách ứng viên gồm 405.110 người.

Theo ông Bùi Văn Cường,Tổng Thư ký Quốc hội, Chánh văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia, thống kê trên toàn quốc có tổng cộng 69.198.594 cử tri với 84.767 khu vực bỏ phiếu. Đến ngày 3/5, các Tổ bầu cử đã hoàn thành việc niêm yết danh sách người ứng cử theo đơn vị bầu cử và tiểu sử tóm tắt của người ứng cử, bảo đảm chính xác, rõ ràng, đúng tiến độ theo luật định.

Tại Hà Nội, hơn 5 triệu cử tri thực hiện quyền bầu cử từ 7h00 sáng ngày 23/5. Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử để bầu 29 đại biểu Quốc hội, 30 đơn vị bầu cử để bầu 95 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố; 269 đơn vị bầu cử để bầu 1.054 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện và 3.056 đơn vị bầu cử để bầu 10.807 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã, thị trấn.

Trong khi đó, Tp.HCM có hơn 5,5 triệu cử tri. Thành phố có 10 đơn vị bầu cử để bầu 50 đại biểu Quốc hội, 32 đơn vị bầu cử để bầu 105 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bỏ phiếu bầu cử tại khu vực bỏ phiếu số 4, phường Nguyễn Du, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội

Kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp lần này diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, công tác chuẩn bị bầu cử đã được thực hiện kỹ càng với nhiều kịch bản khác nhau nhằm ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, gây rối, gây mất an ninh trật tự có thể xảy ra. 

 Liên quan đến công tác chuẩn bị bầu cử, bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác đại biểu, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Tiểu Ban Thường trực Tiểu Ban Nhân sự khẳng định, mọi công tác chuẩn bị từ nhân sự, tuyên truyền, lên kịch bản phòng chống dịch, đến nhiệm vụ về an ninh, trật tự đã được triển khai bài bản, khoa học, chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. “Các địa phương đều thể hiện sự quyết tâm rất cao. Mặc dù trong quy định của Luật Bầu cử có cho phép hoãn ngày bầu cử, nhưng tất cả các địa phương đều đồng lòng là đã sẵn sàng, không đề nghị hoãn bầu cử ở bất kỳ đơn vị nào”, bà Thanh cho hay.

Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, điểm mới về nhân sự lần này là sự phối hợp rất chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Đặc biệt là sự phối hợp của Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Công an trong việc rà soát, xác minh hồ sơ, tiểu sử của nhân sự để phục vụ cho việc lựa chọn các ứng cử viên vào danh sách chính thức để cử tri cả nước lựa chọn những người tiêu biểu nhất, xứng đáng nhất đại diện cho mình tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.

Về các công việc khác, Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã rà soát tất cả các lĩnh vực như công tác tuyên truyền, thành lập các tổ chức bầu cử, cho đến việc niêm yết danh sách ứng cử viên và danh sách cử tri cũng như các tình huống có thể xảy ra trong cuộc bầu cử năm nay có sự biến động khác với các lần trước về phòng chống dịch. Hội đồng Bầu cử Quốc gia đã hướng dẫn rất cụ thể cho các địa phương và cũng đồng tình cho 16 tỉnh, thành phô tiến hành bỏ phiếu sớm ở một số điểm, cũng như một số lực lượng như quân đội và công an để tập trung phục vụ cho cuộc bầu cử ngày 23/5.

Thiên Trường

Bài liên quan

Cùng chuyên mục