Sau 2 ngày “lao dốc”, giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay (16-6) đảo chiều tăng với mức tăng từ 50.000 đồng đến 600.000 đồng/ lượng. Với mức điều chỉnh này, vàng trong nước hiện đang mua vào trên 67 triệu đồng/ lượng và bán ra trên 68 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng trong nước
DOJI tiếp tục là cơ sở điều chỉnh giá vàng mạnh nhất với mức tăng 600.000 đồng ở chiều mua và 500.000 đồng ở chiều bán. Như vậy, vàng thương hiệu DOJI ở cả 2 khu vực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang mua vào và bán ra lần lượt mức 67,5 triệu đồng/ lượng và 68,3 triệu đồng/ lượng.
Giá vàng trong nước rạng sáng hôm nay đảo chiều tăng.
Tiếp theo là vàng Phú Quý SJC. Rạng sáng, giá vàng Phú Quý SJC đã tăng 100.000 đồng ở cả hai chiều lên 67,55 triệu đồng/lượng mua vào và 68,35 triệu đồng/lượng bán ra.
Giá vàng SJC đã được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn điều chỉnh tăng 50.000 đồng ở cả hai chiều. Với mức điều chỉnh này, giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang là 67,65 triệu đồng/lượng mua vào và 68,47 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP Hồ Chí Minh, vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự với khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Với giá vàng trong nước đảo chiều tăng và giá vàng thế giới niêm yết tại Kitco ở mức 1.834,1 USD/ounce (tương đương 51,6 triệu đồng/lượng nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được rút ngắn.
Giá vàng trong nước cập nhật 5 giờ 30 sáng 16-6.
Giá vàng thế giới
Được thúc đẩy bởi nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh nhiều bất ổn trên thị trường, giá vàng thế giới trong phiên giao dịch chiều tối ngày 15-6 (giờ Việt Nam) đảo chiều tăng. Thị trường kim loại quý sau đó vẫn giữ được mức tăng có được trước đó sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản và báo hiệu các đợt tăng lãi suất tích cực hơn nữa trong suốt thời gian còn lại của năm để đạt mục tiêu đưa lạm phát về mức 2%.
Giá vàng kỳ hạn tháng 8 rạng sáng hôm nay 16-6 (giờ Việt Nam) tăng 22,9 USD lên mức 1.836,5 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao ngay giao dịch lần cuối ở mức 1.834,1 USD/ ounce, tăng 23,1 USD so với ngày trước đó.
Trong tuyên bố của mình, Fed nhấn mạnh sự cần thiết của việc nâng mức lãi suất 75%, mức tăng lớn nhất kể từ năm 1994. Cơ quan này đồng thời cam kết mạnh mẽ hạ nhiệt lạm phát. Trước đó, thị trường trở nên “diều hâu” hơn trong phiên giao dịch thứ 2 và thứ 3 khi các nhà đầu tư xem xét dữ liệu lạm phát được công bố vào cuối tuần trước. Báo cáo cho thấy, lạm phát đã đạt mức cao nhất trong 40 năm ở mức 8,6%.
Phát biểu sau cuộc họp, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng việc tăng lãi suất liên tục sẽ là phù hợp. Tốc độ sẽ tiếp tục phụ thuộc vào dữ liệu sắp tới được công bố và triển vọng phát triển của nền kinh tế. Ông nhấn mạnh, mức tăng 50 điểm cơ bản hoặc 75 điểm cơ bản là rất có thể xảy ra tại cuộc họp tiếp theo.
Người đứng đầu Fed cũng lưu ý rằng, các quyết định về việc tăng lãi suất sẽ được đưa ra tại cuộc họp sắp tới, đặc biệt là sau khi lạm phát tiếp tục gây bất ngờ cho cơ quan ngày.
Thông điệp chính khác mà ông Powell chia sẻ là việc giảm lạm phát và đạt được cái gọi là "hạ cánh nhẹ nhàng" (không gây ra suy thoái) đang trở nên khó khăn hơn khi có nhiều yếu tố bên ngoài tác động, bao gồm giá cả hàng hóa, cuộc xung đột Nga - Ukraine và các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu.
Powell nói thêm rằng Fed đã kỳ vọng sẽ thấy được sự tiến triển về lạm phát nhưng dữ liệu của tháng 5 lại cho thấy điều ngược lại, điều này đã tác động đến quyết định tăng lãi suất cao hơn của ngân hàng trung ương so với mức tăng 50 điểm cơ bản đã nêu trước đó.
Trước đó, nhà phân tích kim loại quý Daniel Briesemann tại Commerzbank cho rằng, vàng có thể sẽ bù hết khoản lỗ gần đây nếu ngân hàng trung ương Mỹ giữ nguyên lập trường là tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản. Theo chuyên gia này, nếu Fed tăng lãi suất 'chỉ' 50 điểm cơ bản, điều này có thể được xem là đáng thất vọng. Trong trường hợp này, một số chuyển động được thấy trong vài ngày qua có thể bị đảo ngược, tức là lợi suất có thể giảm, đồng USD có thể suy yếu và vàng có thể tăng giá.
Các nhà phân tích hàng hóa đã cảnh báo rằng nếu Fed thực hiện đúng như kỳ vọng của thị trường là tăng 75 điểm cơ bản, giá kim loại quý có thể giảm xuống dưới 1.800 USD / ounce.
Tuy nhiên, thị trường kim loại quý đã phản ứng tương đối tích cực với đợt tăng lãi suất quá khổ của Fed khi giá vàng vẫn giữ được đà tăng có được trước đó.
Dự báo tiềm năng
Tình từ đầu năm đến nay, giá vàng thế giới đã giảm 0,75%. Mặc dù so với các loại tài sản khác như cổ phiếu và tiền điện tử, giá trị của kim loại màu vàng vẫn không bị mất nhiều, nhưng các nhà đầu tư vẫn băn khoăn khi nào giá vàng sẽ tăng.
Trả lời về vấn đề này, Chủ tịch Rob McEwen của McEwen Mining Corp cho rằng trong bối cảnh nhiều bất ổn, vàng vẫn là một tài sản trú ẩn an toàn quan trọng, điều mà nó đã làm trong hàng thiên niên kỷ qua. Ông dự đoán, giá kim loại quý sẽ chạm mức 5.000 USD/ounce trong hai đến ba năm tới.
Theo Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hóa Ole Hansen của Ngân hàng Saxo, nhìn vào bức tranh kỹ thuật của vàng, giá đang trên đà kiểm tra mức hỗ trợ 1.780 USD/ounce. Chuyên gia này cho rằng, nếu mức hỗ trợ 1.780 USD/ounce bị phá vỡ, giá vàng có thể tìm đến mốc 1.670 USD/ounce. Để đảo ngược bức tranh giảm giá, cần phải giữ giá kim loại quý trên mốc 1.880 USD/ounce.
Tuy nhiên, ông nhận thấy, kim loại quý vẫn được nhiều yếu tố hỗ trợ, bao gồm bất ổn trên thị trường tài chính và mối đe dọa lạm phát ngày càng tăng.
Trần Hoài (t/h)