Giá dầu thế giới sáng 15/8 (theo giờ Việt Nam) đã biến động, theo chiều đi xuống. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm 0,53% (tương đương giảm 0,44 USD/thùng), xuống còn 82,73 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 0,46% (tương đương giảm 0,40 USD/thùng), xuống còn 86,41 USD/thùng.
Ảnh minh họa
Saudi Arabia tự nguyện cắt giảm thêm 1 triệu thùng/ngày kể từ tháng 7 và gia hạn tới tháng 9. Bên cạnh đó, Nga cũng tự nguyện giảm xuất khẩu thêm 300.000 thùng/ngày trong tháng 9. Trước đó, Nga đã tuyên bố sẽ cắt giảm xuất khẩu 500.000 thùng/ngày trong tháng 8 nên tổng cắt giảm xuất khẩu tháng 9 của Nga sẽ lên tới 800.000 thùng/ngày.
Việc cắt giảm sản lượng dầu từ hai cường quốc xuất khẩu dầu này chính là lý khiến lượng hàng tồn kho giảm mạnh trong khoảng thời gian còn lại năm 2023 và đẩy giá dầu lên cao hơn.
Theo các nhà phân tích, giá dầu tuần này có thể biến động trong phạm vi hẹp do khả năng phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc kết hợp chỉ số đồng USD tăng mạnh hơn. Trong khi đó, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (nhóm OPEC+) đã phát tín hiệu sẵn sàng làm bất cứ điều gì cần thiết để thắt chặt nguồn cung và ổn định thị trường.
Ngoài ra, giá bán dầu thô kỳ hạn tháng 9 cho thị trường châu Á đã tăng thêm 0,6 USD/thùng so với tháng trước, nâng mức chêch lệch so với giá dầu tiêu chuẩn của Oman/Dubai lên đến 2,85 USD/thùng.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 15/8 được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h00 ngày 11/8 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Theo đó, giá các mặt hàng xăng tăng nhẹ và giá các mặt hàng dầu tăng mạnh, gần 2.000 đồng/lít/kg.
Cụ thể, xăng E5 RON 92 tăng 31 đồng/lít, lên 22.822 đồng/lít; xăng RON 95 tăng 30 đồng/lít, lên 23.993 đồng/lít.
Về giá dầu, dầu diesel tăng 1.813 đồng/lít lên 22.425 đồng/lít; dầu hỏa tăng 1.619 đồng/lít lên 21.889 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 1.137 đồng/kg lên 17.668 đồng/kg.
Việt Anh (T/h)