Giải bài toán ùn ứ nông sản khi nhiều địa phong tỏa vì dịch Covid-19

Trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng trên nhiều tỉnh gây nguy cơ ùn ứ thu hoạch, tiêu thụ nông sản như trước đây, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, Ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Dịch Covid-19 đã và lan rộng ra gần 20 địa phương. Một số địa phương đã thực hiện phong tỏa diện hẹp từng khu vực, cách ly xã hội diện rộng để chặn sự lây lan của dịch. Điển hình như Thái Bình đã thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày 7/5; Vĩnh Phúc cách ly xã hội toàn thành phố Vĩnh Yên 15 ngày, từ 7/5; Bắc Ninh đề xuất giãn cách xã hội toàn tỉnh từ ngày 8/5…

Các địa phương nói trên đều chung một đặc điểm là có nhiều đường giao thông huyết mạch chạy qua, án ngữ những con đường vận tải hàng hóa quan trọng về Hà Nội, nối liền tỉnh với các trung tâm kinh tế, thương mại của miền Bắc. Đó là, Quốc lộ 1A nối Hà Nội – Bắc Ninh – Lạng Sơn, đường cao tốc nối sân bay quốc tế Nội Bài – Bắc Ninh – Hạ Long; Quốc Lộ 2 và cao tốc Nội Bài Lào Cai; Quốc lộ 10 nối Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định – Ninh Bình…

Còn nhớ cách đây không lâu, dư luận đặc biệt quan tâm đến câu chuyện giải cứu nông sản ở Hải dương vào hồi tháng 2, tháng 3/2021. Khi ấy, việc thu mua, vận chuyển, tiêu thụ nông sản bị ách tắc khi các thương lái không thể vận chuyển nông sản do quy định phòng chống dịch tại nhiều địa phương giáp với Hải Dương.

Trên thực tế, hầu hết các chốt, trạm kiểm soát dịch bệnh COVID-19 tại cửa ngõ ra vào các tỉnh, thành phố lân cận đều hạn chế xe hàng hoá ra vào Hải Dương. Nhiều xe phải nằm chờ rất lâu, sau đó vẫn buộc phải “quay đầu”. Điều này dẫn đến thực tế là hàng hoá bị ách tắc, nông sản bị hư hỏng, phải vứt bỏ, vật nuôi, con giống bị quá hạn xuất chuồng nhưng không vận chuyển được thức ăn đến để tiếp tục nuôi sống đàn; nguyên vật liệu, vật tư phục vụ sản xuất không có để công nhân làm.

Đặc biệt, hàng xuất khẩu đến hạn phải giao hàng nhưng không chuyển được, gây thiệt hại rất lớn, tác động lâu dài đến sản xuất, kinh doanh và đời sống dân sinh. Vướng mắc trên do các địa phương thiếu cơ chế chung trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa, khiến các doanh nghiệp rất khó khăn khi phải đuổi theo yêu cầu của từng địa phương mà hàng hoá từ Hải Dương sẽ đi qua.

Chung tay giải cứu nông sản giúp bà con Hải DươngChung tay giải cứu nông sản giúp bà con Hải Dương

Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2020, dịch Covid-19 tác động mạnh đến ngành nông nghiệp, tạo ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, tiêu thụ nông sản. Cụ thể, việc tiếp cận gói tín dụng có lãi suất thấp còn khá khó khăn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã nông nghiệp.

Bên cạnh đó, thiếu hụt nguồn cung về nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vì hạn chế về vận chuyển; một số dự án đầu tư dây chuyền sản xuất bị đình trệ do phải chờ thiết bị ngoại nhập, tư vấn nước ngoài hỗ trợ kỹ thuật.

Để tháo gỡ những khó khăn, phòng ngừa tình trạng tồn kho nông sản, Bộ NN&PTNT vừa có đề xuất với các Bộ, các địa phương về một số giải pháp hỗ trợ nông dân trong tình hình mới.

Theo đó, Bộ NN&PTNT yêu cầu các đơn vị chức năng tại địa phương và người dân thực hiện nghiêm các chỉ đạo điều hành về lịch mùa vụ, tình hình diễn biến thời tiết và dịch bệnh,... để điều chỉnh hoạt động sản xuất phù hợp, đồng thời phối hợp với các bộ ngành, hiệp hội để nắm bắt tình hình về sản xuất, nguồn cung, tiêu thụ nông sản trong nước, đặc biệt là các sản phẩm trồng trọt đang vào vụ thu hoạch, sản phẩm gia súc, gia cầm.

Đặc biệt, trước tình hình dịch COVID-19 lan rộng trên nhiều tỉnh gây nguy cơ ùn ứ thu hoạch, tiêu thụ nông sản như trước đây, Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ phối hợp với các cơ quan Thương vụ, Ngoại giao, Ban quản lý các cửa khẩu kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc trong xuất khẩu nông sản đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các tỉnh, thành phố tạo điều kiện cho sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn ở những địa bàn bị phong tỏa, được lưu thông, tiêu thụ bình thường. Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các chuỗi siêu thị tăng cường thu mua hàng hóa nông sản cho bà con nông dân; tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn các thành phố lớn và triển khai các phương án đảm bảo cung cầu hàng hóa ứng phó với dịch Covid-19. 

Bộ NN&PTNT đề xuất Bộ Tài chính triển khai mạnh mẽ chính sách hỗ trợ giảm chi phí sản xuất cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của dịch như: miễn giảm tiền thuê đất cho các doanh nghiệp nông nghiệp; giá điện, nước đối với các nhà máy sản xuất, kho lạnh trữ hàng và cho phép hoãn thời gian thanh toán tiền điện.

Với Ngân hàng Nhà nước, Bộ NN&PTNT đề xuất ngân hàng nghiên cứu và xây dựng chính sách gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, phạt nợ quá hạn đối với các khoản vay đến hạn thanh toán, giảm chi phí giao dịch để tạo điều kiện doanh nghiệp tập trung vốn sản xuất; kích hoạt các gói tín dụng trả chậm và tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tiếp cận nguồn vốn này để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến...

 Thành Nam

Bài liên quan

Cùng chuyên mục