Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên khai mạc Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài

Sáng 22/08 tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự và phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, đón 400 kiều bào từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

ội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại Hà NộiHội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức tại Hà Nội

Với chủ đề "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước", Hội nghị và Diễn đàn diễn ra từ ngày 21-24/8 tại Hà Nội. Trước khi bắt đầu phiên toàn thể Hội nghị, các đại biểu đã dành một phút mặc niệm, tưởng nhớ cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc của Đảng, Nhà nước ta.

Phát biểu tại phiên khai mạc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh cả dân tộc ta đang nỗ lực và tăng tốc nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, phấn đấu đưa nước ta trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Để hiện thực hóa những mục tiêu đó, không thể thiếu sự đóng góp quan trọng của cộng đồng hơn 6 triệu đồng bào ta ở nước ngoài.

Chính vì vậy, Hội nghị năm nay lựa chọn chủ đề "Người Việt Nam ở nước ngoài chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước" với nhiều điểm mới và kỳ vọng. Lần đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng cho biết, đây là chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Australia và New Zealand tháng 3 năm nay, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Thủ tướng đối với công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ trưởng kỳ vọng Hội nghị lần thứ 4 lấy trọng tâm là Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài năm 2024 sẽ là một "Hội nghị Diên Hồng", tập trung trí tuệ tập thể, gia tăng đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào đối với sự phát triển của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới đã được tổ chức 3 lần vào các năm 2009, 2012, 2016 với sự tham dự trực tiếp của hơn 2.000 đại biểu kiều bào từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ cùng đại diện lãnh đạo của nhiều cơ quan Trung ương và địa phương trong cả nước.

Ở hầu hết các địa bàn có người Việt sinh sống đều đã thành lập tổ chức hội đoàn. Các hội doanh nhân, hội chuyên gia, trí thức người Việt thường xuyên có các hoạt động kết nối với trong nước, tạo thành một mạng lưới rộng khắp, liên kết người Việt cả ở trong và ngoài nước.

Kiều bào ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong xã hội sở tại. Một số người gốc Việt đã tham gia sâu vào hệ thống chính trị sở tại ở các cấp; nhiều doanh nhân người Việt nằm trong danh sách các tỷ phú của thế giới; nhiều chuyên gia, trí thức, văn nghệ sĩ kiều bào được vinh danh tại các giải thưởng quốc tế. Đồng thời, kiều bào cũng là một trong những cầu nối, đóng góp ngày càng chủ động, tích cực vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa sở tại và quê hương đất nước.

Đặc biệt, kiều bào trở thành nguồn lực quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Trong vòng hơn 30 năm qua, tổng lượng kiều hối chuyển về trong nước đạt hơn 200 tỷ USD, tương đương với lượng giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cùng kỳ. Tính đến hết năm 2023, kiều bào đã đầu tư 421 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng số vốn đăng ký 1,72 tỷ USD; cùng với đó là hàng ngàn doanh nghiệp có vốn đầu tư của người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Theo Ban Tổ chức, Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ tư và Diễn đàn Trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức nhằm tiếp tục đẩy mạnh triển khai các văn bản Đại hội Đảng lần thứ XIII, Nghị quyết 36, Chỉ thị 45 và Kết luận 12 của Bộ Chính trị về công tác Người Việt Nam ở nước ngoài; đánh giá kết quả triển khai 20 năm thực hiện Nghị quyết 36, phục vụ việc tổng kết Nghị quyết cũng như xây dựng đường lối của Đảng về Người Việt Nam ở nước ngoài cho Đại hội Đảng lần thứ XIV.

Cùng với đó, tăng cường thông tin, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với Người Việt Nam ở nước ngoài; tạo diễn đàn để các cơ quan trong nước nắm được tình hình, nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc của Người Việt Nam ở nước ngoài, từ đó đẩy mạnh công tác chăm lo, hỗ trợ kiều bào.

Đặc biệt, Diễn đàn năm nay tập trung trao đổi xu thế phát triển của thế giới và khu vực (chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, đổi mới sáng tạo...), thách thức và cơ hội đối với Việt Nam; phát huy nguồn lực của Người Việt Nam ở nước ngoài trong công cuộc phát triển đất nước; mở rộng Mạng lưới Đổi mới sáng tạo quốc gia...

Được tổ chức trong năm kỷ niệm 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác người Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị nhận được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo kiều bào.

Phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác về người Việt Nam ở nước ngoài. Đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách (như Như Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị, Chỉ thị số 45-CT/TW ngày 19/5/2015 của Bộ Chính trị, Kết luận số 12-KL/TW ngày 12/8/2021 của Bộ Chính trị), mang lại những kết quả thiết thực; phát huy được tiềm năng, trí tuệ của đồng bào để kết hợp với nguồn lực trong nước tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn đồng hành cùng dân tộc. Trong suốt chiều dài lịch sử cách đây hàng trăm năm từ khi con cháu hoàng tộc dòng họ Lý sang Cao Ly (nay là Triều Tiên và Hàn Quốc) đến nay, đều có dấu ấn đóng góp của đồng bào ta vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong chặng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã được sự giúp đỡ của đồng bào ta tại Trung Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia, Pháp, Mỹ…

Đặc biệt, từ khi thành lập Đảng và thành lập nước, sự nghiệp cách mạng của đất nước và Nhân dân ta đã luôn nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt tình và đóng góp quý báu của bà con đồng bào khắp năm châu bốn biển. Nhiều bà con, trí thức, doanh nhân đồng bào đã nghe theo tiếng gọi Tổ quốc và Bác Hồ, phát huy trí tuệ, công sức cho sự nghiệp kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như Giáo sư Trần Đại Nghĩa, Giáo sư Lương Định Của, Giáo sư Trần Hữu Tước… Trong những năm đầu Đổi mới, đóng góp của bà con đồng bào cả về nguồn lực vật chất lẫn tri thức, kinh nghiệm quản lý… góp phần giúp đất nước vượt qua khó khăn để có được thế và lực như ngày nay.

Người xưa đã dạy: "Hiền tài là nguyên khí của quốc gia". Nói đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nhắc tới những người con đất Việt xa Tổ quốc nhưng luôn nuôi dưỡng, phát huy tinh thần yêu nước, tự tôn dân tộc, hướng về cội nguồn, những con người đóng góp tinh thần, vật chất, kể cả hy sinh xương máu cho đất nước trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Trên cơ sở những quan điểm xuyên suốt nêu trên, Thủ tướng đã chia sẻ 3 thông điệp đối với bà con đồng bào, cùng với 3 định hướng, 3 trọng tâm trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài:

Về "3 thông điệp" đối với bà con đồng bào ta ở nước ngoài:

Thứ nhất, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực quý giá của cộng đồng dân tộc Việt Nam, đây là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Năm 2025 kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập nước, 50 năm Ngày thống nhất đất nước sẽ là dịp thúc đẩy, phát huy tinh thần đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, hướng tới tương lai.

Thứ hai, đất nước kỳ vọng vào cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây là nguồn sức mạnh to lớn của dân tộc. Thành công của đồng bào cũng chính là thành công của đất nước – Đất nước tự hào về đồng bào ta ở nước ngoài.

Thứ ba, đất nước trân quý tình cảm, thấu hiểu khi nghe tâm tư nguyện vọng và đánh giá cao những ý kiến đóng góp quý báu của bà con người Việt Nam ở nước ngoài dành cho quê hương. Chúng ta luôn nỗ lực để "nghe cho thấu, thấy cho rõ, hiểu cho hết" tâm tư, nguyện vọng của bà con

Về "3 định hướng":

Thứ nhất, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài phải thể hiện đầy đủ và phát huy tốt truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Tất cả các chính sách đều phải quán triệt tinh thần này.

Thứ hai, cần phát huy nguồn lực to lớn, tinh thần yêu nước của đồng bào ta ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước; đồng thời thể hiện mạnh mẽ, tích cực, hiệu quả hơn tình cảm, tin tưởng và trách nhiệm của Đảng, Nhà nước ta trong việc chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ ba, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần phải mang tính đồng bộ, toàn diện, bao trùm và xác định rõ là trách nhiệm của cả thống chính trị và của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp việc xây dựng cơ chế, chính sách với công tác vận động, hỗ trợ cộng đồng.

Về "3 trọng tâm":

Thứ nhất, mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài ổn định cuộc sống, yên tâm làm ăn, hội nhập tốt và phát triển mạnh trong xã hội nước sở tại; xây dựng cộng đồng lớn mạnh và gắn kết; chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng.

Thứ hai, nội dung trọng tâm là tiếp tục phát huy, đồng thời tìm ra động lực mới gắn kết cộng đồng với nhau và giữa cộng đồng với quê hương, đất nước.

Thứ ba, nhiệm vụ trọng tâm là không ngừng đổi mới phương thức hỗ trợ và vận động cộng đồng Người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp xây dựng đất nước, phát huy tiềm năng, thế mạnh của người Việt Nam ở nước ngoài.

Tóm lại, trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, phương, của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Phát huy tối đa sức mạnh của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới. 

Xây dựng và phát triển cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là cầu nối quan trọng, nguồn lực, động lực thúc đẩy tiến trình hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để đất nước ta bắt kịp, tiến cùng và vượt lên trong thế giới ngày nay.

Thanh Lam 

 

Bài liên quan

Cùng chuyên mục