Thời gian qua, Chính phủ cùng các bộ ban ngành đã quyết liệt triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường bất động sản, nhờ đó đã ghi nhận các tín hiệu tích cực. Trong đó, các giải pháp về hạ lãi suất cho vay, khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp được quan tâm hàng đầu.
Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2023
Các chuyên gia cho rằng, khi room tín dụng được mở lại một cách thoải mái, lãi suất cho vay ở mức hợp lý, dự báo thị trường bất động sản sẽ dần hồi phục, bước vào chu kỳ phát triển mới.
“Tảng băng” dần tan chảy
Trong những ngày cuối cùng của năm 2023, thị trường bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực. Dù chưa thực sự sôi động, nhưng đây được xem là “luồng sinh khí” mới để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo.
Cụ thể, theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS): Quý III/2023, thị trường đã ghi nhận gần 6.000 giao dịch bất động sản, gấp 1,5 lần quý II và hơn 2 lần so quý 1/2023. Trong đó, 80% lượng giao dịch là căn hộ, chung cư, phát triển bởi chủ đầu tư uy tín, đáp ứng nhu cầu ở thực và giá hợp lý. Con số này, phần nào cho thấy sự phục hồi tích cực của thị trường.
Lượng giao dịch trong 3 tháng vừa qua, tập trung ở phân khúc chung cư, nhà ở giá dưới 10 tỷ đồng, tại khu vực lõi trung tâm 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP. HCM. Phân khúc đất nền chưa có tín hiệu tích cực, nhưng đã có dấu hiệu vượt đáy ở loại hình đất đấu giá, khu vực xung quanh Hà Nội, mức giá quanh 2 tỷ đồng, có tỷ lệ hấp thụ 70 - 80% với mức giá đấu cao hơn khoảng 5% mức giá khởi điểm, có thể chuyển nhượng ngay với mức chênh lệch từ 30 - 50 triệu đồng/nền.
Theo nghiên cứu của VARS, thời gian trước, giao dịch thứ cấp chỉ xuất hiện chủ yếu ở phân khúc đất nền, nhà trong dân, tầm giá dưới 3 tỷ đồng thì gần đây, lực cầu được cải thiện với nhiều lựa chọn. Nguồn cung đa dạng hơn, được bổ sung từ các sản phẩm cắt lỗ của nhà đầu tư, từ tài sản đảm bảo là bất động sản - do ngân hàng phát mãi.
Các chuyên gia của VARS cho biết, đã có nhiều nhà đầu tư bắt đầu hành trình săn đất, ở những khu vực vùng ven các thành phố lớn, các địa phương phát triển mạnh về hạ tầng và có tốc độ đô thị hóa cao với mức giá tốt, còn nhiều dư địa tăng trưởng trong tương lai.
Bước sang quý IV/2023, hàng loạt dự án quy mô lớn với đủ loại hình, trải dài từ Bắc đến Nam, bắt đầu triển khai chiến dịch bán hàng, tạo nguồn cung, thúc đẩy giao dịch cho thị trường bất động sản. Đặc biệt, doanh nghiệp sở hữu các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng bán sản phẩm sau thời gian dài quan sát, chờ đợi - là dấu hiệu tích cực thể hiện tiến trình phục hồi khả quan của thị trường bất động sản.
Số liệu của VARS, tại khu vực phía bắc, phân khúc căn hộ sẽ được bổ sung nguồn cung mới từ một dự án mới là the Canopy Residences - thuộc Khu đô thị Vinhomes Smart City (Hà Nội) với quy mô khoảng 1.800 căn hộ; từ giai đoạn mở bán mới của Dự án The Moonlight 1 An Lạc, Rose Town Ngọc Hồi...
Trong khi đó, phân khúc thấp tầng, liền kề, đón nhận thông tin mở bán của một số dự án như Aquarius Hưng Yên, Sapa City Clouds Lào Cai, Khu đô thị Danko Center tại Tuyên Quang... Tại TP. HCM và khu vực phụ cận, được bổ sung nguồn cung mới từ giai đoạn mở bán tiếp theo của Dự án Akari City, Glory Heights, Mastery Centre Point, The Global City, The Privia, Eco Village Saigon River, Fiato City tại Đồng Nai; Picity Sky Park, Bcons Polaris, The Emerald 68, Astral City... tại Bình Dương; Waterpoint Long An rục rịch “bơm” nguồn cung vào vùng phụ cận.
Các chuyên gia của VARS nhìn nhận, các dự án mới mở bán, đều được quan tâm, ghi nhận lượng giữ chỗ, đặt cọc ấn tượng với các chính sách bán hàng hấp dẫn.
Không chỉ ở các thị trường phía bắc hay nam, thị trường bất động sản miền Trung, sau khoảng thời gian dài im ắng, cũng đón nhận tín hiệu khả quan về nguồn cung và sức cầu ở phân khúc căn hộ, nhất là chung cư nhà ở xã hội.
Báo cáo thị trường bất động sản nhà ở Đà Nẵng và vùng phụ cận của Công ty CP DKRA Group: Trong quý III/2023, phân khúc căn hộ đón nhận một số tín hiệu tích cực hơn so quý II và cùng kỳ 2022. Cụ thể, đối với phân khúc căn hộ, ghi nhận 5 dự án tại Đà Nẵng được mở bán, cung cấp ra thị trường 406 căn, gấp 2,8 lần so quý II và gấp 4,5 lần so cùng kỳ 2022. Sức cầu chung toàn thị trường, ghi nhận sự phục hồi tích cực, tỷ lệ tiêu thụ trên nguồn cung mới đạt 57% (tương đương 232 căn, gấp 3,6 lần so quý II và gấp 5,4 lần so cùng kỳ 2022). Tuy nhiên, vẫn còn các dự án căn hộ tiếp tục dời lịch mở bán để hoàn thiện pháp lý theo quy định và chờ đợi những tín hiệu tích cực từ thị trường vào thời điểm cuối năm.
Nhận định về những tín hiệu của thị trường, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - VinaCapital, ông Michael Kokalari, mới đây nêu:
“Khối lượng giao dịch đất nền đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây, một số bất động sản cao cấp ở trung tâm TP. HCM, Hà Nội tăng giá mạnh đối với những căn hộ đã có giấy tờ sở hữu/quyền sở hữu rõ ràng. Thị trường bất động sản Việt Nam đang trên đà phục hồi”.
Thị trường bất động sản tại Việt Nam trải qua 1 năm đầy sóng gió, nhưng chuyên gia của VinaCapital tin tưởng rằng, giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã qua. Dù vậy, tâm lý nhà đầu tư và giao dịch trên thị trường sẽ chưa hồi phục hoàn toàn cho tới giữa năm 2024.
Ông Michael Kokalari nhìn nhận, việc giảm lãi suất thời gian qua - đã giúp thúc đẩy giao dịch tại một số sự kiện mở bán nổi bật gần đây, từ đó thu hút sự chú ý đáng kể và cải thiện tâm lý của các nhà đầu tư.
Giảm lãi suất sẽ là liều “dopping” thúc đẩy thị trường bất động sản
Kỳ vọng cho các NĐT
Theo các chuyên gia, việc thị trường bất động sản ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực - là kết quả đạt được khi triển khai cùng lúc nhiều giải pháp, trong đó nổi bật nhất là việc giảm lãi suất điều hành.
Cụ thể, tín dụng trong bất động sản - yếu tố quan trọng tác động đến thanh khoản của thị trường. Thời gian gần đây, việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất, mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường, đặc biệt trong vấn đề kích cầu thị trường và tạo đòn bẩy để thị trường bất động sản phát triển. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 4 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, với mức giảm từ 0,5 - 2%/năm.
Theo đó, các ngân hàng thương mại cũng đã điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi giảm lãi suất cho vay từ 0,5 - 3%/năm, tùy thuộc vào đối tượng khách hàng và các khoản vay mới.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã và đang áp dụng các biện pháp giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cũng như nền kinh tế trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh. Những chính sách này, đã tạo ra mức lãi suất khá hấp dẫn đối với người vay.
Trong bối cảnh thị trường gần như “đóng băng” - nhu cầu vay vốn của nhà đầu tư, doanh nghiệp tăng lên, các ngân hàng đang từng bước hỗ trợ và kích cầu vốn. Qua đó, nhiều ngân hàng cũng triển khai gói tín dụng đặc biệt dành cho khách hàng cá nhân, nhằm hỗ trợ vay mua nhà, tiêu dung, kèm theo mức lãi suất ưu đãi. Hiện nay, mặt bằng cho vay đã rời xa mốc 10%/năm, đây có thể xem là mức lãi suất thấp nhất trong 2 năm trở lại đây.
Các chuyên gia nhận định, thông tin về việc giảm lãi suất cho vay và điều kiện vay linh hoạt hơn - đang tạo ra kỳ vọng tích cực cho các nhà đầu tư bất động sản. Đặc biệt, việc mức lãi suất về dưới 10%, có thể thúc đẩy nhu cầu vay mua nhà tăng mạnh, bởi nhu cầu vay mua nhà luôn tồn tại trong thị trường. Điều đó, có thể khích lệ các nhà đầu tư tham gia vào thị trường, đồng thời hỗ trợ sự phục hồi của thị trường bất động sản.
Đánh giá về thị trường, Chủ tịch VARS Nguyễn Văn Đính cho biết: “Việc giảm lãi suất cho vay, đang giúp giảm tải áp lực tài chính cho nhà đầu tư. Đồng thời, việc giảm lãi suất huy động, cũng tạo điều kiện thuận lợi cho dòng tiền đầu tư chuyển từ ngân hàng vào các kênh đầu tư hấp dẫn hơn, trong đó có lĩnh vực bất động sản.
Mặc dù thị trường địa ốc có thể chưa phục hồi ngay lập tức, nhưng khả năng sẽ thoát khỏi tình trạng ảm đạm trước đó. Việc giải quyết các vướng mắc về pháp lý và nguồn vốn - sẽ là động lực quan trọng để khôi phục niềm tin của chủ đầu tư và nhà đầu tư, đồng thời tạo ra những cơ hội mới trên thị trường địa ốc.
Dự báo, các dấu hiệu tích cực trên thị trường, có thể là tín hiệu cho sự chuyển mình tích cực của ngành bất động sản trong thời gian tới, đặc biệt là ở những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển, hoàn thiện pháp lý và đầu tư một cách bài bản”.
Việc các ngân hàng thương mại hạ lãi suất - mang lại tín hiệu tích cực cho thị trường bất động sản
Để thị trường phát triển…
Bàn về giải pháp thúc đẩy thị trường - “phá rào cản” tín dụng cho người mua nhà, tại Hội nghị bất động sản Việt Nam - VRES 2023 diễn ra mới đây, các chuyên gia đã đề xuất Nhà nước có chương trình tín dụng bất động sản khép kín, tập trung vào phân khúc nhà ở trung cấp trở xuống, nhằm hài hòa lợi ích của các bên.
Cụ thể, chủ đầu tư dự án sẽ thực hiện yêu cầu hoàn thiện pháp lý dự án, cùng với sự hỗ trợ của các bên; cam kết giảm giá sản phẩm bất động sản căn hộ một cách rõ ràng, minh bạch. Bởi nếu bán được hàng, doanh nghiệp sẽ có lợi nhuận bình quân gộp 30 - 40%. Chi phí lãi vay quan trọng, nhưng không phải là yếu tố chi phí quá lớn cho một dự án, nếu được triển khai đúng tiến độ; ưu tiên áp dụng phân khúc trung cấp – thấp cấp (ví dụ từ phân khúc có giá bán 70 triệu đồng/m2 trở xuống).
Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân đưa ra giải pháp, các ngân hàng thương mại cần xem xét giảm lãi suất cho vay ở mức đáng kể đối với người mua nhà đáp ứng điều kiện cụ thể (dựa trên kê khai thu nhập chịu thuế, chứng minh thu nhập...) nhằm hạn chế đầu cơ. Đồng thời, ngân hàng thương mại giải ngân tín dụng cho người mua nhà đến trực tiếp cho chủ đầu tư dự án, như thực tế nhiều dự án hiện nay đã làm. Tuy nhiên, việc cấp tín dụng sẽ được thực hiện một cách chọn lọc cho chủ đầu tư, tùy theo rủi ro tín dụng được ngân hàng đánh giá và thẩm định.
Đặc biệt, mới đây nhất (17/12), để thúc đẩy việc cho vay tín dụng đối với các doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 1376/CĐ-TTg chỉ đạo gửi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các ngân hàng thương mại để doanh nghiệp, dự án bất động sản và người mua nhà tiếp cận được nguồn vốn tín dụng thuận lợi hơn, kịp thời tháo gỡ khó khăn về vốn, dòng tiền...
Rõ ràng, việc “nới” dần những nút thắt tín dụng, sẽ góp phần giải quyết vấn đề của thị trường (trong đó có việc mất cân đối cung - cầu theo phân khúc), giảm rủi ro bất ổn cho hệ thống tài chính, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cao trở lại và đảm bảo những cân đối lớn vĩ mô.
Để khơi thông tài chính bất động sản, tại một tọa đàm diễn ra mới đây, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, chúng ta nên tập trung toàn bộ nguồn lực tài chính vào làm nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Đây là thị trường có dòng tiền rất tốt, nhu cầu rất cao, nhưng hiện tại, chúng ta chưa làm được.
Qua khảo sát 5 dự án nhà ở xã hội tại Hà Nội, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận thấy rằng, có những khó khăn sau:
Thứ nhất, nhà ở xã hội không phải nộp thuế sử dụng đất, đất đó lại là đất công, không thế chấp được tại ngân hàng để vay nên các ngân hàng không mặn mà;
Thứ hai, toàn bộ cơ chế đấu thầu nên thông thoáng hơn, doanh nghiệp nào có năng lực, thì nên chỉ định xây dựng để thực hiện nhanh chóng.
Thứ ba, bỏ bớt quy định lợi nhuận không vượt quá 10% để các doanh nghiệp xây dựng nhà ở cao cấp, trung cấp, thấp cấp được bình đẳng như nhau.
Thứ tư, về tài trợ cho người mua nhà, cần tài trợ trực tiếp qua ngân sách, không nên qua ngân hàng; hoặc có thể dùng ngân hàng để tài trợ như cách Singapore làm, ví dụ như mua 1 nhà ở xã hội thì người mua được vay vốn ngân hàng và chỉ chịu lãi suất 2,5%/năm, phần vượt quá lãi suất thì chính phủ bù…
TS Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh: “Cuộc khủng hoảng bất động sản hiện nay là thiếu cung dư cầu, cơ quan quản lý không tạo ra môi trường cân bằng”.
Chuyên gia tái khẳng định quan điểm đó là chúng ta cần tập trung toàn bộ nguồn lực (pháp lý, hành chính, ngân hàng, ngân sách) để giải quyết nhà ở xã hội, từ đó hạ mặt bằng giá của toàn bộ thị trường, qua đó mới tái cấu trúc được hệ thống này.
Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường - VinaCapital, ông Michael Kokalari: Sự tăng trưởng nhẹ trong mức tín dụng dành cho các chủ đầu tư bất động sản gần đây, sẽ giúp họ tăng cường hoạt động phát triển. Số liệu tăng trưởng tín dụng mới nhất của Việt Nam cho thấy nhu cầu vay mua nhà còn yếu, nhưng điều này có thể thay đổi khi lãi suất giảm trong những tháng gần đây…
Hải Minh