Trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, tỉnh Hà Tĩnh đón hơn 200 nghìn lượt khách du lịch đến tham quan, du lịch và vui chơi giải trí. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt khoảng 60 tỷ đồng
Với nền nhiệt dao động từ 30-32 độ C, trời nắng nhẹ nên kỳ nghỉ Lễ 2/9 thuận lợi để người dân đi du lịch, nhất là tắm biển (Ảnh: Thanh Lam)
Hà Tĩnh là một tỉnh thuộc vùng kinh tế và cũng là vùng du lịch Bắc Trung Bộ, nối hai đầu đất nước, với đường bờ biển dài 137 km, nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng với những thắng cảnh thiên nhiên nổi tiếng, hấp dẫn điển hình như: biển Thiên Cầm, chùa Hương Tích, núi Hồng Lĩnh, Hồ Kẻ gỗ,...
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử văn hóa với nhiều di tích nổi tiếng, lưu giữ lại nhiều giá trị di sản văn hóa tiêu biểu như: Núi Hồng - Sông Lam tự thân là một giá trị văn hóa vật thể. Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế Hà Tĩnh nói chung và đẩy mạnh quảng bá, nâng cao hình ảnh tỉnh Hà Tĩnh đến với nhiều du khách trong và ngoài nước.
Nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, mưa nhiều, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng của khí hậu chuyển tiếp giữa miền Bắc và miền Nam. Hàng năm, Hà Tĩnh có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Với tính chất khí hậu có 2 mùa rõ rệt đã tạo điều kiện cho Hà Tĩnh phát triển du lịch biển, du lịch tham quan nghỉ mát vào mùa hè tuy nhiên cũng gây ra nhiều thiệt hại nặng nề khi mùa mưa về.
Với lợi thế có đường bờ biển dài 137 km, có nhiều cửa sông lớn với khoảng 267 loài cá, thuộc 90 họ, trong đó có 60 loài có giá trị kinh tế cao, 20 loài tôm, nhuyễn thể như sò, mực... Và với trữ lượng khoảng 85,8 nghìn tấn cá, 3,5 nghìn tấn mực và 600 tấn tôm... Từ đó, giúp đẩy mạnh phát triển du lịch biển đi theo đó là có thể phát triển bộ môn thể thao khác như lặn biển, hay xây dựng các khu vui chơi giải trí trên bờ biển... Tất cả đó đánh giá được tiềm năng to lớn, hứa hẹn cho phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh hiện nay.
Hà Tĩnh còn có nhiều làng văn nghệ nổi tiếng trong vùng như: làng hát ca trù Cổ Đạm, chèo Kiều Xuân Liên, hò ví dặm Đan Du... Nhiều làng nghề phong lưu, có nhiều lễ hội, hương ước, phong tục như: Kim Chùy, Hội Thống, Đan Trường, Kim Đôi, Phù Lưu Thượng...
Có thể nói Hà Tĩnh là cái nôi văn hóa dân gian, sản sinh ra làn điệu Dân ca ví, dặm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Chính sự giao thoa hài hòa, đan xen giữa văn hóa dân gian và văn hóa hiện đại khiến Hà Tĩnh có sức hút du lịch rất lớn.
Du khách tham quan hồ Kẻ Gỗ - Hà Tĩnh (Ảnh: Thanh Lam)
Những năm gần đây, du lịch Hà Tĩnh có những bước phát triển mạnh mẽ. Kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch được đảm bảo. Về cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch biển, bên cạnh các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước, đã thu hút được nhiều dự án đầu tư có quy mô lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước tại Xuân Thành, Thiên Cầm và vùng Nam Kỳ Anh. Cơ sở hạ tầng phục vụ các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư, hệ thống giao thông kết nối các khu, điểm du lịch biển, du lịch văn hóa lịch sử và tâm linh, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng được hoàn thiện, thu hút đông đảo du khách.
Trong dịp nghĩ lễ 2/9 năm nay, để công tác đón khách du lịch diễn ra an toàn, thân thiện, trước kỳ nghỉ lễ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh đã thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị quản lý khu, điểm du lịch thực hiện nghiêm các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, tập trung đầu tư tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và chuẩn bị nhân lực phục vụ tốt khách du lịch. Các cơ sở lưu trú thực hiện nghiêm các quy định về giá, niêm yết giá và ứng xử văn hóa, văn minh với du khách.
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp nên hoạt động du lịch tại Hà Tĩnh diễn ra an toàn; công tác giao thông, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, văn minh du lịch được đảm bảo, tạo ấn tượng đẹp cho du khách.
Anh Nguyễn Văn Minh - khách du lịch đến từ Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Bố mẹ anh là người ở Hà Tĩnh, nhưng anh sinh ra và lớn lên tại Thành phố Hồ Chí Minh nên mỗi khi có dịp lễ tết, anh luôn mong muốn được trở về quê hương. Tham quan hồ Kẻ Gỗ anh bày tỏ sự ngưỡng mộ và tự hào đối với thế hệ trước, khi điều kiện vật chất kĩ thuật chưa phát triển đã có thể xây dựng nên hồ nước ngọt lớn nhất của vùng đất Hà Tĩnh lúc bấy giờ.
"Chắc hẳn mỗi người con Hà Tĩnh nói riêng và khách du lịch nói chung đều đã từng một lần nghe qua ca khúc "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ" do nhạc sĩ Nguyễn Văn Tí sáng tác nói về quá trình xây hồ, ca ngợi về những người thủy lợi xây dựng hồ Kẻ Gỗ và vẻ đẹp thơ mộng của hồ trong một lần nhạc sĩ đi thực tế tại nơi đây", anh Minh chia sẻ thêm.
Biển Thiên Cầm thu hút khoảng 30.000 lượt khách du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng (Ảnh: Thanh Lam)
Chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh – khách du lịch đến từ Hà Nội cho biết, chị đã nhiều lần nghe đến địa danh biển Thiên Cầm – Hà Tĩnh nhưng chưa có dịp đến thăm. Do dịp lễ 2/9 năm nay có thời gian nghỉ dài ngày nên gia đình quyết định đến đây du lịch, thăm quan nghỉ dưỡng 3 ngày 2 đêm. Cảm nhận của chị khi đến đây là không khí trong lành, dễ chịu, có nhiều di tích lịch sử và địa điểm vui chơi giải trí; người dân thân thiện, nhiều món ăn độc đáo được chế biến từ hải sản tươi ngon của địa phương mà giá cả phải chăng. Chị đặc biệt ấn tượng với tên gọi Thiên Cầm và được người dân ở đây giải thích rằng vì bãi biển này nằm giữa núi Thiên Cầm và núi Đầu Voi, có dáng dấp như một cánh cung trải dài gần 3km nên được gọi là Thiên Cầm hay “cung đàn biển” miền Trung.
Báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, trong dịp lễ 2/9 (từ 31/8 đến 3/9/2024) năm nay, các khu, điểm du lịch trên toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thu hút khoảng 220.242 lượt khách tham quan, nghỉ dưỡng, tăng 265% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, 220.242 lượt du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch Hà Tĩnh dịp Lễ 2/9 (từ 31/8 - 3/9/2024), có 29.309 lượt khách lưu trú (tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023), khách quốc tế đạt 553 lượt; công suất sử dụng phòng đạt khoảng 70%. Tổng doanh thu dịch vụ du lịch ước đạt khoảng 60 tỷ đồng. Một số địa phương thu hút lượng du khách lớn như: TX Kỳ Anh (78.000 lượt), Nghi Xuân (gần 55.000 lượt), Cẩm Xuyên (30.000 lượt), Thạch Hà (trên 19.000 lượt), Can Lộc (10.650 lượt)...
Ngoài ra, nhiều khu, điểm du lịch có lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng đông như: KDL Xuân Thành (Nghi Xuân) trên 35.000 lượt, KDL Thiên Cầm (Cẩm Xuyên) 30.000 lượt, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc) 10.000 lượt...
Đại diện BQL Khu du lịch Thiên Cầm (thị trấn Thiên Cầm, huyện Cẩm Xuyên) thông tin, kỳ nghỉ Lễ 2/9, thời tiết thuận lợi đã giúp biển Thiên Cầm thu hút khoảng 30.000 lượt khách du lịch về tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có 10.000 lượt khách lưu trú. Tất cả khách sạn, nhà nghỉ và khu lưu trú tại khu du lịch luôn trong tình trạng cháy phòng.
Trong thời gian tới, với những điều kiện tự nhiên thuận lợi, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, có sức cạnh tranh; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường Hà Tĩnh sẽ sớm trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.
Nguyễn Thị Lam