Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam: 20 năm - một chặng đường phát triển

Sau 20 năm thành lập và hoạt động (2004 - 2024), Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP) và các đơn vị trực thuộc đã từng bước khẳng định vị thế, uy tín của mình trong công tác phối hợp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; xây dựng thương hiệu Việt Nam - tạo dựng niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Lãnh đạo Hiệp hội VATAP vinh danh Doanh nghiệp thương hiệu Vàng, logo, slogan ấn tượng 2023
Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh và TTK Hiệp hội VATAP Trần Hương Giang vinh danh Doanh nghiệp thương hiệu Vàng, logo, slogan ấn tượng 2023

Chung tay chống hàng giả - xây dựng thương hiệu doanh nghiệp 

Nhìn lại chặng đường 20 năm hoạt động, Chủ tịch Hiệp hội VATAP, Nguyễn Đăng Sinh chia sẻ:

“Thực trạng hiện nay, hàng giả, hàng nhái, xuất hiện ở hầu hết mọi ngành hàng, mặt hàng - từ những hàng hóa tiêu dùng thông thường, cho đến các loại thiết bị, máy móc công nghệ cao; hàng giả về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, đặc biệt đối với hàng thực phẩm, đồ uống, thuốc phòng và chữa bệnh cho người, cho động thực vật.

Nghiêm trọng hơn, tham gia hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, không chỉ có những cá nhân, hộ kinh doanh nhỏ lẻ, mà một số doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các đối tượng làm hàng giả từ nước ngoài, đưa vào Việt Nam tiêu thụ, đã làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng, gây thiệt hại không nhỏ đến nền kinh tế đất nước.

Quy mô của hoạt động sản xuất, buôn bán hàng giả, ngày càng lớn, từ những kênh phân phối hàng giả khép kín, chặt chẽ đến hình thành những đường dây xuyên quốc gia, thậm chí các đối tượng còn móc nối với các tổ chức, cá nhân ở nước ngoài; phương thức và thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả, ngày càng tinh vi, đa dạng và phức tạp.

Trong khi đó, công tác đấu tranh chống hàng giả, thời gian qua, tuy có tiến bộ, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế và hiệu quả chưa cao.

Song song đó, việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu, cần được coi là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp. Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, điều đó có nghĩa, các thương hiệu Việt đã - đang và sẽ phải cạnh tranh gay gắt với các thương hiệu nước ngoài, ngay trên chính thị trường Việt Nam. Do đó, đòi hỏi mỗi doanh nghiệp Việt cần phải có cái nhìn chiến lược về xây dựng và phát triển, bảo vệ thương hiệu của mình, ngay từ thị trường trong nước.

Bởi vậy, ngày 5/2/2004, Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) có Văn bản số 0446/BTM-QLTT gửi Bộ Nội vụ về việc đề nghị thành lập Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam.

Qua đó, Hiệp hội VATAP sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hội viên trước pháp luật; hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả trong công tác chống hàng giả; xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp tránh được vi phạm trong quá trình sản xuất, kinh doanh”.

8888888888
Lãnh đạo Hiệp hội VATAP vinh danh doanh nghiệp đạt thương hiệu vàng

Nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục 

Chủ tịch Hiệp hội VATAP Nguyễn Đăng Sinh nhấn mạnh: “Trải qua 20 năm thành lập và phát triển, Hiệp hội VATAP đã làm tốt vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, từng bước tạo dựng uy tín, niềm tin đối với cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, được các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng ghi nhận, biểu dương”.

Từ khi thành lập đến nay, Hiệp hội VATAP luôn xác định: Chống hàng giả, hàng nhái là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.  

Theo đó, thực hiện NQ số 41/2015/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, những năm qua qua, Hiệp hội VATAP đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, lực lượng quản lý thị trường, công an, biên phòng, hải quan, các hiệp hội, ngành hàng, tích cực tuyên truyền đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, qua đó đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần ổn định thị trường.

Hiệp hội thường xuyên bám sát các doanh nghiệp hội viên, nắm bắt thông tin, để đưa ra những giải pháp hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp có hàng hóa bị làm giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ, từ đó đề xuất, kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp kiểm tra, xử lý những vi phạm, bảo đảm quyền lợi chính đáng của doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Hiệp hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo như “Chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với nhóm mặt hàng dược phẩm, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng”, “Hàng giả, hàng nhái - thực trạng và giải pháp”, “Nâng cao quản lý thương mại điện tử”, “Chuyên đề về chuyển đổi số”…, nhằm tìm kiếm giải pháp công nghệ ứng dụng chuyển đổi số trong công tác chống làm giả.

Lãnh đạo Hiệp hội thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị như Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Ban An toàn thực phẩm TP. HCM, Hiệp hội Thực phẩm chức năng, Hiệp hội Xe máy Việt Nam, Hiệp hội Thang máy Việt Nam, Công ty Luật Phạm & liên doanh, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp…, tổ chức một số hội thảo tại Hà Nội và TP. HCM để trao đổi, đóng góp ý kiến, thảo luận về thực trạng và giải pháp đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ và nhận diện hàng thật, hàng giả cho các lực lượng chức năng.

Hiệp hội VATAP chủ động góp ý, tham mưu lãnh đạo các cơ quan có thẩm quyền: Tham gia xây dựng cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp, kiến nghị liên quan đến công tác giám định hàng giả, hàng hóa vi phạm sở hữu trí tuệ; kiến nghị những giải pháp về kinh phí phục vụ công tác chống hàng giả, kinh phí tiêu hủy hàng giả, tem chống hàng giả, làm giả mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp. 

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng, phát triển thương hiệu - thời đại 4.0 - 5.0, Hiệp hội VATAP xác định, cần phải ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại, phù hợp với điều kiện, nhu cầu của doanh nghiệp. Theo đó, Hiệp hội đã tiếp cận, xem xét, đánh giá nhiều nền tảng công nghệ, để tìm kiếm một công nghệ phù hợp, nhằm ứng dụng trong công tác chống hàng giả, hàng nhái, đáp ứng theo đúng Quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của Thông tư số 02/2024/TT-BKHCN ngày 28/3/2024, của Bộ Khoa học & Công nghệ.

Qua đó, Hiệp hội VATAP đã ra mắt phần mềm truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và chống giả (CheckVN Vatap). Phần mềm thể hiện quy trình xác thực chống hàng giả - một giải pháp minh bạch thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chống giả điện tử, do Trung tâm doanh nghiệp hội nhập và phát triển (IDE) - đơn vị thành viên trực thuộc VATAP xây dựng. Phần mềm chạy trên nền tảng Web, PC và quyét mã QR, trên thiết bị điện thoại Smartphone, đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Bằng độc quyền.

Phần mềm CheckVN Vatap - đem lại lợi ích cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh: Số hóa quy trình sản xuất, góp phần chuyển đổi số trong doanh nghiệp; quản lý chất lượng theo thời gian thực;  quản lý cấp cao và cấp trung dễ dàng nắm bắt các thông tin sản xuất từ tổng quan đến chi tiết.

Hệ thống truy xuất nguồn gốc và xác thực chống hàng giả CheckVN Vatap, được truy cập tại địa chỉ: https://vatap.checkvn.vn.

Đồng thời, hằng năm, theo định kỳ, Hiệp hội VATAP tổ chức: Lễ Kỷ niệm Ngày phòng chống hàng giả, hàng nhái (29/11); trao tặng danh hiệu “Thương hiệu Vàng - logo, slogan ấn tượng”; Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4)…

Những hoạt động ý nghĩa đó, được cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp tích cực hưởng ứng và đánh giá cao. 

888888
Lãnh đạo Hiệp hội VATAP và lãnh đạo Hiệp hội Thang máy Việt Nam ký kết thỏa thuận hợp tác

Đồng hành cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng

Trải qua chặng đường dài hoạt động, đến nay, Hiệp hội VATAP đã thành lập và kiện toàn bộ máy hoạt động của 8 đơn vị trực thuộc:

Tạp chí Thương hiệu & Công luận (tiền thân là Báo Thương hiệu & Công luận); Viện Công nghệ chống làm giả; Viện Phát triển thương hiệu và chống hàng giả; Viện Nghiên cứu và phát triển thương hiệu xanh; Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam (ACT); Trung tâm Phát triển truyền thông và truyền hình chống hàng giả VATAP; Trung tâm Tư vấn pháp luật chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam; Trung tâm Tư vấn pháp luật chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu - Chi nhánh TP. HCM.

Những năm qua, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội VATAP luôn bám sát những nội dung chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và lãnh đạo Hiệp hội, để định hướng trong công tác hoạt động, đạt nhiều kết quả khả quan.

Trong đó, Tạp chí Thương hiệu & Công luận, Trung tâm Phát triển truyền thông và truyền hình chống hàng giả VATAP  (cơ quan ngôn luận của Hiệp hội) tích cực tuyên truyền, đăng tải nhiều tin, bài, phóng sự chuyên sâu, sát thực, kịp thời phản ánh những góc cạnh của đời sống xã hội, thực trạng và công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái của lực lượng chức năng; xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu doanh nghiệp.

Tạp chí Thương hiệu & Công luận đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tuyên truyền - là tiếng nói hữu hiệu của doanh nghiệp, doanh nhân và người tiêu dùng, được đông đảo bạn đọc cả nước và doanh nghiệp đánh giá cao.

Thương hiệu & Công luận cũng tổ chức nhiều sự kiện tôn vinh “Thương hiệu phát triển bền vững, sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao”.

Thông qua chương trình, hàng trăm doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh khác nhau, đã khẳng định uy tín, chiến lược phát triển bền vững, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, được vinh danh. Trong đó, nhiều doanh nghiệp có vị thế, khẳng định giá trị thương hiệu và tầm ảnh hưởng trên thị trường trong nước và quốc tế.

Qua đó, ghi nhận những thành quả xứng đáng của các doanh nghiệp, cũng như tạo thêm hành trang cho các đơn vị trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, khi Việt Nam bước vào sân chơi hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia thành công các hiệp định tự do thương mại.

Việc đánh giá và tôn vinh các thương hiệu Việt có uy tín chất lượng lâu năm trên thị trường - là hoạt động ý nghĩa, khẳng định chất lượng hàng hóa Việt Nam trong những năm qua có sự cải tiến vượt bậc, có sức cạnh tranh mạnh mẽ với hàng hóa nhập khẩu.

Những đóng góp của Thương hiệu & Công luận trong công tác tuyên truyền phòng chống hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, xây dựng và bảo vệ thương hiệu Việt Nam, đã được Bộ trưởng Bộ Công Thương tặng Bằng khen trong 2 năm liên tiếp (2016, 2017); Bộ Thông tin và Truyền thông tặng Bằng khen (2016) về thành tích trong công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; nhiều văn phòng đại diện và phóng viên, nhà báo của Thương hiệu & Công luận được một số tỉnh, thành phố, cơ quan chức năng tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác phối hợp tuyên truyền, xây dựng thương hiệu…

Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam (ACT) - là tổ chức nghiên cứu ứng dụng các thành tựu khoa học & công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chống hàng giả.  

Trung tâm ACT là đơn vị duy nhất được Hiệp hội VATAP cấp quyền và nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền, tiến hành thanh tra, kiểm tra đột xuất, hoặc định kỳ việc thực hiện quy trình áp dụng, ứng dụng công nghệ chống hàng giả trên sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp.  

Trung tâm ACT còn có nhiệm vụ giám định, giám sát, ứng dụng khoa học & công nghệ để phân biệt hàng thật, hàng giả, phục cho  hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, góp phần làm minh bạch thị trường, khẳng định thương hiệu của doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng…

88888
TBT Tạp chí Thương hiệu & Công luận Vũ Đức Thuận (bìa trái) trao tặng quà Tết cho bà con xã Hải Minh, huyện Hải Hậu, Nam Định (năm 2023)

Chia sẻ với cộng đồng xã hội

Hiệp hội VATAP thường xuyên phát động, kêu gọi các hội viên, tham gia công tác xã hội, chia sẻ, ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đối tượng chính sách, tàn tật, cơ nhỡ, yếu thế.

Chương trình “Nhịp cầu thương hiệu - kết nối thành công” - do Hiệp hội VATAP phát động, đã thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia. Chương trình được triển khai với mục đích nhằm hưởng ứng phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Theo đó, Hiệp hội tiến hành lựa chọn, khảo sát và vận động nguồn lực - thực hiện hỗ trợ xây dựng các công trình an sinh xã hội, tập trung tại địa bàn các xã miền núi, biên giới.

Sau khi xét duyệt hồ sơ, khảo sát, đánh giá tình hình thực tế, mức độ cần thiết, Hiệp hội đã lựa chọn và phát động hội viên quyên góp, ủng hộ kinh phí hàng trăm triệu đồng để xây dựng mới cây cầu giao thông dân sinh, tại thôn Khe Mạng, xã Phong Dụ Thượng, huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Chương trình đã được Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Phong Dụ Thượng và cộng đồng cảm kích, đánh giá cao.

Dự án không chỉ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm an toàn giao thông thông suốt cho bà con thôn Khe Mạng nói riêng và xã Phong Dụ Thượng nói chung, mà còn giúp bà con các dân tộc có điều kiện sử dụng các phương tiện cơ giới, vận tải đủ lớn trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện lưu thông hàng hóa, sản phẩm, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hưởng ứng đợt cao điểm quyên góp ủng hộ Quỹ phòng chống dịch Covid-19 của TP. Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) năm 2021, với tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình”, đại diện lãnh đạo Hiệp hội VATAP đã thực hiện quyên góp, ủng hộ TP. Hạ Long hàng chục nghìn bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 nhập khẩu vào Quỹ phòng chống Covid-19 của thành phố, góp phần chung tay, đồng hành cùng địa phương phòng chống dịch hiệu quả.

Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VATAP Phạm Xuân Vinh (thứ 3 bìa phải) trao tặng 20.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 tới lãnh đạo TP. Hạ Long (ngày 9/8/2021)
Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội VATAP Phạm Xuân Vinh (thứ 3 bìa phải) trao tặng 20.000 bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 tới lãnh đạo TP. Hạ Long (ngày 9/8/2021)

Ngày 25/1/2024, Tạp chí Thương hiệu & Công luận phối hợp với Hội đồng hương xã Hải Minh tại Hà Nội và UBND xã Hải Minh, huyện Hải Hậu (tỉnh Nam Định), tổ chức Chương trình “Trao 200 suất quà Tết”, mỗi suất quà trị giá hơn 500.000 đồng, bao gồm 300.000 đồng tiền mặt và quà Tết cho các gia đình hộ nghèo và hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của xã Hải Minh.

Sự kiện có ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc…

Trước đó, Thương hiệu & Công luận đã phối hợp thực hiện nhiều chương trình chia sẻ với cộng đồng, ủng hộ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách, tại một số địa phương, thể hiện tinh thần trách nhiệm, sẻ chia với cộng đồng xã hội…

Ngày 29/3/2004, Bộ Nội vụ ban hành QĐ số 22/2004/QĐ-BNV về việc cho phép thành lập Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP). Hiệp hội có nhiệm vụ: Tập hợp, đoàn kết các hội viên nhằm làm tốt công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; kiến nghị với Nhà nước về các chủ trương, chính sách, biện pháp liên quan đến công tác chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu; liên kết giữa các hội viên để hỗ trợ lẫn nhau, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu…

Nguyễn Kiên

Cùng chuyên mục