Mục tiêu của “Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam” là hình thành được cơ sở hạ tầng để tổ chức được một hội chợ ảo có tối thiểu 1.000 gian hàng các sản phẩm thuộc các nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, quà tặng và trang trí gia đình trước năm 2025.
Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam: Mở rộng thị trường cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) đã tổ chức giới thiệu về “Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam”. Đây là hội chợ ảo đầu tiên trên thế giới về lĩnh vực trang trí và quà tặng áp dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là công nghệ thực tế ảo tăng cường và trí tuệ nhân tạo.
Hiện tại chưa có hội chợ ảo nào ở Việt Nam được xây dựng. Sau khi nghiên cứu các hội chợ ảo hiện tại trên thế giới, để đảm bảo tận dụng được hết các chức năng ưu việt của các hội chợ đang có trên thế giới, đồng thời, tạo ra những chức năng mới tăng tính hấp dẫn cho hội chợ ảo của ngành quà tặng và trang trí gia đình, Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được sự hỗ trợ của Chương trình quốc gia về xúc tiến thương mại đã quyết định xây dựng “Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam”.
Mục tiêu đạt được của “Không gian hội chợ ảo Lifestyle Việt Nam” là hình thành được cơ sở hạ tầng để tổ chức được một hội chợ ảo có tối thiểu 1.000 gian hàng các sản phẩm thuộc các nhóm ngành thủ công mỹ nghệ, quà tặng và trang trí gia đình trước năm 2025. Mục tiêu trước mắt là hoàn thành được gian hàng trực tuyến của 200 đơn vị xuất khẩu trong năm 2020 và hoàn thành được gian hàng trực tuyến của 500 đơn vị xuất khẩu trong năm 2021.
Hội chợ sẽ xây dựng không gian các nhóm ngành hàng tiêu biểu của Việt Nam, với 9 nhóm ngành hàng chính gồm: Hàng thủ công mỹ nghệ và trang trí nội thất; hàng phụ kiện sân vườn; hàng dệt gia dụng; hàng trang trí bàn ăn và vật dụng nhà bếp; hàng trang sức và phụ kiện cá nhân; hàng giày da và túi xách; hàng hương thơm và mỹ phẩm tự nhiên; hàng đồ chơi và hàng quà tặng du lịch và sản phẩm của các dân tộc thiểu số.
Không gian mỗi nhóm thể hiện yếu tố văn hóa Việt Nam nhưng cũng hòa nhập với xu thế không gian kiến trúc hội chợ hiện đại của thế giới. Do các hội chợ ảo trên thế giới chưa chú trọng việc đầu tư vào xây dựng không gian hội chợ đảm bảo tính thẩm mỹ nên Vietcraft sẽ đầu tư kỹ vào vấn đề này để tạo sự khác biệt và khẳng định vị trí của Lifestyle Vietnam trên thị trường hội chợ quốc tế.
Bên cạnh đó, dàn dựng gian hàng cho từng doanh nghiệp. Các thông tin cơ bản tại mỗi gian hàng gồm tên doanh nghiệp, nhóm ngành hàng, trang web, người liên hệ, thị trường mục tiêu, năng lực sản xuất, ảnh sản phẩm đại diện…Thông tin doanh nghiệp có thể được tìm kiếm đơn giản ở các trang cũng như được truy cập ngay tại mỗi gian hàng ở hội chợ ảo.
Các doanh nghiệp tham gia hội chợ ảo sẽ được hỗ trợ xây dựng catalogue điện tử sản phẩm ở dạng Flip (bên cạnh các sản phẩm đã được số hóa) nhằm giúp khách hàng có nhiều thông tin hơn về các dòng sản phẩm của doanh nghiệp. Vietcraft cũng từng bước hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu để xây dựng catalogue điện tử sử dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường để tăng cường tính tương tác giữa nhà trưng bày và khách mua hàng.
Đồng thời, việc số hóa các sản phẩm là một xu hướng tất yếu của tiếp thị online nhằm tận dụng tối đa các ứng dụng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Các sản phẩm đặc trưng nhất của doanh nghiệp sẽ được lựa chọn để scan 3 chiều và lập trình để số hóa các sản phẩm này (vector hóa). Các sản phẩm có thể được nhìn ở nhiều góc độ khác nhau tùy theo ý muốn của người sử dụng khi áp dụng công nghệ thực tế ảo tăng cường cho các sản phẩm đã được số hóa. Khách hàng có thể nâng, hạ, xoay các sản phẩm để có thể hiểu được rõ nhất hình dáng của sản phẩm, được trải nghiệm sản phẩm trong môi trường thực tế ảo.
Câu chuyện của sản phẩm sẽ được xây dựng ở dạng text và audio. Về lâu dài các ngôn ngữ khác nhau sẽ được xây dựng cho trang web, tuy nhiên trong giai đoạn năm 2020 thì 2 ngôn ngữ tiếng Việt và Anh sẽ được hoàn thành. Câu chuyện sản phẩm và lời bình sẽ được phối hợp soạn thảo giữa doanh nghiệp và Vietcraft trên cơ sở đề cao sự khác biệt, lợi ích của việc sử dụng sản phẩm.
Cũng như khi đi hội chợ thực tế, bất kỳ khách hàng nào cũng luôn quan tâm đến giá thành sản phẩm. Chức năng chào hàng/báo giá sẽ được thiết lập cho từng sản phẩm đã được số hóa và gắn chức năng thực tế ảo tăng cường. Khách hàng cũng có thể đặt hàng trực tiếp hoặc thương thảo dựa trên các biểu mẫu đã được lập sẵn.
Ngoài ra, thiết kế môi trường liên lạc trực tuyến; xây dựng chatbot; xây dựng chức năng gửi email thông minh; xây dựng chức năng truy xuất tính hợp chuẩn của doanh nghiệp nhằm giúp cho nhà nhập khẩu có thể sàng lọc nhanh các doanh nghiệp tham gia hội chợ đáp ứng được các tiêu chí hợp chuẩn trên thế giới như ISO, SA, BSCI, ETI…
QUỲNH NGA