Mới đây, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông đã thông tin về 5 thủ đoạn lừa đảo trực tuyến và khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác.
Bằng thủ đoạn sử dụng những mô hình kinh doanh trực tuyến qua ứng dụng hay website, quảng cáo lãi suất cao, an toàn và linh hoạt để thu hút nạn nhân.
Lừa đảo khi mua vé xem phim, tham gia sự kiện qua mạng
Mới đây, Trung tâm Chiếu phim quốc gia ghi nhận có tình trạng khán giả bị lừa khi mua lại vé phim ‘Đào, Phở và Piano’ tại các hội, nhóm trên mạng xã hội.
Cụ thể, nhiều người dùng vì không thể mua vé tại quầy cũng như trên trang web chính thống, đã nhẹ dạ cả tin mua lại của những đối tượng “giao bán lại vé” để rồi bị chiếm đoạt tài sản.
Sau sự việc sập trang web vì quá tải truy cập, cùng với tình trạng lừa đảo bán vé trên mạng xã hội kể trên, Trung tâm Chiếu phim quốc gia đưa ra thông báo chính thức: “Vé phim ‘Đào, Phở và Piano’ hiện chỉ bán trực tiếp tại quầy vé, không bán online’.
Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin - Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) khuyến cáo khán giả không mua vé xem phim do người khác bán lại trên Internet để tránh trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo. Cơ quan này cũng nhận định, hiện tượng phe vé, bán lại vé giá cao, giả mạo trang web chính thống... và sau đó chiếm đoạt tiền của người dân có nhu cầu tham gia các sự kiện nổi tiếng đã trở thành vấn nạn. Vì thế, người dân nên lựa chọn những địa chỉ, website uy tín và được xác minh rõ ràng; hoặc giao dịch trực tiếp để tránh tình trạng bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Tái diễn hình thức lừa đảo cộng tác viên online ‘việc nhẹ lương cao’
Dù đã có rất nhiều cảnh báo của cơ quan chức năng, song thời gian qua vẫn có nhiều người dân bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các sàn thương mại điện tử.
Đánh vào “lòng tham” của nạn nhân, các đối tượng lừa đảo luôn đưa ra mức thu nhập hấp dẫn. Khi thanh toán các đơn hàng đầu có giá trị nhỏ, nạn nhân được hưởng hoa hồng.
Dẫn dụ nạn nhân đến các đơn hàng giá trị cao, các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền. Đã có rất nhiều nạn nhân sập bẫy lừa này, số tiền bị các đối tượng lên đến hàng tỷ đồng.
Người dân không cung cấp thông tin cá nhân như chứng minh nhân dân, căn cước công dân, mã OTP, số thẻ ngân hàng,... cho bất kỳ ai hoặc trên bất kỳ trang web lạ nào. Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm.
Giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo
Lực lượng Công an mới đây đã bắt giữ 32 nghi can thuộc đường dây giả danh công an, kiểm sát viên gọi điện lừa đảo, chiếm đoạt hơn 200 tỷ đồng của nhiều nạn nhân. Các thành viên trong đường dây lừa đảo hoạt động qua công ty của nước ngoài, được tổ chức thành 3 tuyến D1, D2 và D3.
Trong đó, D1 là nhóm giả danh cơ quan chức năng gọi điện đến nạn nhân thông báo số điện thoại của nạn nhân sẽ bị khóa SIM, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa vì nạn nhân đang liên quan đến các tổ chức lừa đảo hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.
Khi nạn nhân tin tưởng, cuộc gọi của nạn nhân được chuyển cho nhóm D2 tự xưng là cán bộ Cục Cảnh sát, Bộ Công an hoặc kiểm sát viên của Viện Kiểm sát. Nhóm D2 thông báo với nạn nhân giấy tờ tùy thân của họ đang bị tội phạm lợi dụng để phạm tội và yêu cầu phối hợp điều tra, đồng thời đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản. Sau khi biết nạn nhân dính bẫy, nhóm này yêu cầu nạn nhân khai báo thông tin về tài sản để "cơ quan chức năng" xác minh.
Sau khi nạn nhân cung cấp thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu…, những thông tin này sẽ chuyển cho D3 (đối tượng cầm đầu đường dây), yêu cầu nạn nhân ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP; rút sổ tiết kiệm để chuyển tiền vào ngân hàng của đối tượng nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng điện tử của nạn nhân.
Lừa đảo đầu tư tài chính lời cao qua mạng xã hội
Vừa qua, Công an Thừa Thiên Huế nhận được thông tin tố giác tội phạm liên quan đến thủ đoạn lừa đảo đầu tư tài chính qua mạng xã hội.
Ban đầu, đối tượng tư vấn, hướng dẫn nhiệt tình, đầu tư số tiền nhỏ, người đầu tư dễ dàng rút về số tiền thưởng. Đó chính là "mồi câu", dẫn dụ người chơi đầu tư số tiền lớn hơn và không thể rút tiền trên ứng dụng hoặc website. Tiếp đó, các đối tượng yêu cầu người chơi muốn rút tiền thì phải đóng các khoản tiền để xác minh. Với tâm lý muốn lấy lại số tiền đã đóng, nhiều bị hại đã chuyển cho đối tượng hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Để phòng việc tái diễn tình trạng trên, người dân tuyệt đối không tham gia đầu tư vào các trang web, ứng dụng không rõ ràng, không được cấp phép bởi Nhà nước Việt Nam. Người dân cần cảnh giác với các lời mời chào đầu tư có lãi suất cao bất thường; tìm hiểu kỹ về phía chủ quản, công ty quản trị trước khi đầu tư. Đồng thời, tự trang bị kiến thức về tài chính.
Quảng cáo thiết kế, thi công nhà gỗ chiếm đọat tài sản
Đối tượng Đ.V.C (Hà Nam) vừa bị bắt giữ vì hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Đối tượng C. đã sử dụng mạng xã hội Facebook có tài khoản "Nhà gỗ Bảo Lâm" và "Nét đẹp Cổ truyền", liên tục chạy quảng cáo giới thiệu khả năng thi công, xây dựng nhà gỗ.
Khi có khách hàng “cắn câu”, đối tượng yêu cầu họ chuyển tiền đặt cọc và sau đó hủy kết bạn, chặn liên lạc để chiếm đoạt tài sản.
Bằng thủ đoạn này, từ năm 2023 đến đầu năm nay, đối tượng C. đã lừa chiếm đoạt tài sản của các bị hại ở các tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới 2,5 tỷ đồng.
Để phòng tránh các “bẫy” lừa đảo nêu trên, Cục An toàn thông tin đề nghị người dân đề cao cảnh giác trước tất cả các cuộc gọi lạ có dấu hiệu đáng ngờ; không làm theo yêu cầu và hướng dẫn của đối tượng; đặc biệt là không cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, chứng minh nhân dân, mã OTP, số tài khoản ngân hàng...
Ngoài việc nâng cao cảnh giác, Cục An toàn thông tin còn đề nghị người dân tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn lừa đảo mới phát sinh trên các nền tảng mạng xã hội thời gian qua để tránh tiền mất, tật mang và kéo theo đó à nhiều hệ lụy xã hội.
Hải Minh