Trước khi mua các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ nguồn gốc xuất xứ, chế độ bảo hành… hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, phản hồi của những người tiêu dùng khác…
Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng trước khi dịch bệnh Covid-19 xuất hiện, các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 chỉ bày bán tại các cửa hàng thiết bị y tế chuyên dụng dành cho người mắc bệnh lý tim mạch, phổi, hô hấp, nhưng hiện nay, do nhu cầu sử dụng trong điều trị và theo dõi bệnh nhân nhiễm Covid -19, đặc biệt, khi trở nặng thường có biểu hiện suy hô hấp, máy đo SpO2 là công cụ phát hiện tình trạng thiếu oxy trong máu để sớm có hướng xử lý cho bệnh nhân.
Nắm bắt nhu cầu, các loại máy này được nhiều tổ chức, cá nhân cung cấp, bày bán theo nhiều phương thức khác nhau. Thời gian vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) ghi nhận một số thông tin từ người tiêu dùng phản ánh về giá cả, chất lượng các loại máy đo nồng độ oxy trong máu không như mong muốn.
Để bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý, chỉ số SpO2 chỉ là một trong những phương tiện giúp nhận biết sớm trường hợp F0 có dấu hiệu chuyển nặng. Chỉ số SpO2 cần được đo nhiều lần để theo dõi và không chỉ dựa vào SpO2 để chẩn đoán bệnh hoặc loại trừ Covid-19. Người tiêu dùng cần theo dõi sát triệu chứng khác, khi có bất thường cần báo nhân viên y tế ngay.
Rất nhiều loại máy đo nồng độ oxy trong máu được kinh doanh tràn lan trên các trang thương mại điện tử
Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần lựa chọn loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 phù hợp mục đích sử dụng. Mỗi hãng, mỗi dòng máy sẽ có cấu tạo, chất liệu đầu dò khác nhau dẫn tới độ chính xác, độ bền cũng khác nhau. Các loại máy dùng ở bệnh viện được kiểm định kĩ thuật và độ chính xác cao so với máy cá nhân tự mua ở nhà thuốc. Các thiết bị điện tử có tích hợp đo SpO2 như đồng hồ thông minh, thiết bị theo dõi luyện tập thể dục thể thao thường không kiểm định y khoa, không dùng được trong các mục đích y khoa như chẩn đoán và theo dõi bệnh.
Trước khi mua, người tiêu dùng cần tìm hiểu kĩ nguồn gốc xuất xứ các loại máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2. Theo đó, người tiêu dùng có thể chụp tem sản phẩm, khảo sát trên mạng để tìm hiểu thông tin sản phẩm bao gồm: nhà sản xuất, hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm, phản hồi của những người tiêu dùng khác…
Thông thường nếu nhà sản xuất uy tín thì trên website doanh nghiệp sẽ công bố áp dụng tiêu chuẩn ISO 13485 cho sản phẩm đó. “Người tiêu dùng nên lựa chọn máy theo các nhãn hàng uy tín, có thông tin đầy đủ về đơn vị sản xuất, đơn vị bán, chế độ bảo hành rõ ràng, giá thành được niêm yết công khai và mua tại cơ sở kinh doanh được cấp phép”, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.
Trước đó, theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tung ra quảng cáo bán thiết bị hỗ trợ trong việc điều trị tại nhà như máy thở, các loại thuốc, các loại đo nồng độ oxy trong máu SpO2… với giá rất thấp chỉ vài chục ngàn đến vài triệu, mô tả là có thể dùng để đo chỉ số oxy trong máu tại nhà, thậm chí được quảng cáo là có thể phát hiện virus SARS-CoV-2.
Các loại máy này thường nhái các thương hiệu uy tín như Eveny, Omroni hoặc tên chung chung là Oximeter, thường cho kết quả không chính xác. Theo phản ánh, các máy này có điểm chung là thiết kế nhỏ, dạng kẹp đầu ngón tay, dùng pin AAA, màn hình hiển thị hai thông số chính là SpO2, nhịp tim, cùng nút bấm để khởi động. Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chỉ rõ, những thiết bị này có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém, mối nối không liền mạch, có thể dùng tay để gỡ phần máy. Cơ quan này cho biết thêm, qua tham vấn ý kiến các bên liên quan, hầu hết thiết bị đo SpO2 với giá dưới 300.000 đồng đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng và bị đánh giá rất thấp. Người sử dụng mặt hàng kém chất lượng này tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi tin theo những chỉ số báo trên máy không chính xác.
Nguyễn Hương