Bộ Khoa học và Công nghệ: Siết chặt quản lý chất lượng hàng hóa, khắc phục lỗ hổng pháp lý

06:18 08/07/2025

Trước thực trạng hàng giả, hàng kém chất lượng phức tạp, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã công bố hai đạo luật mới quan trọng. Những luật này được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ mạnh mẽ, khắc phục triệt để lỗ hổng pháp lý, nâng cao hiệu lực quản lý và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tạo dựng kỷ cương thị trường.

Chuyển đổi mô hình quản lý theo rủi ro, rạch ròi trách nhiệm

Chiều 7/7, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức họp báo giới thiệu năm luật do Bộ chủ trì soạn thảo, vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Trong đó, Bộ đặc biệt nhấn mạnh vai trò của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia khẳng định việc hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật này là một giải pháp căn cơ. Nó tạo ra công cụ pháp lý đủ mạnh để ngăn chặn sản phẩm không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng và doanh nghiệp chân chính, đồng thời giữ vững kỷ cương thị trường. Ông nhấn mạnh, việc quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ dựa trên nguyên tắc cơ bản là sản phẩm đó có phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn hay không. Hai đạo luật mới này được xem là bước đi kịp thời và cần thiết, bổ sung nhiều quy định quan trọng, mang tính đột phá nhằm khắc phục các lỗ hổng pháp lý hiện hành.

Một trong những điểm đột phá nổi bật trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa là sự chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro. Thay vì phân loại sản phẩm, hàng hóa theo nhóm hành chính (nhóm 1, nhóm 2) như trước đây, luật mới sẽ phân loại dựa trên ba mức độ rủi ro: thấp, trung bình và cao. Ông Hà Minh Hiệp chỉ rõ điểm yếu của quy định cũ: "Trước đây, chúng ta quản lý theo phân loại hàng hoá nhóm 1, nhóm 2, dẫn đến thực tế có những sản phẩm rủi ro cao nhưng doanh nghiệp tự công bố. Đây là điều rất nguy hiểm".

Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia trao đổi tại họp báo. Ảnh:
Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quốc gia trao đổi tại họp báo. Ảnh: TG

Với luật mới, các loại hàng hóa có mức độ rủi ro cao chắc chắn phải được bên thứ ba đánh giá độc lập, không còn quyền để doanh nghiệp tự công bố. Đối với nhóm hàng hóa rủi ro trung bình đến thấp, doanh nghiệp có thể tự đánh giá và chịu trách nhiệm, sử dụng kết quả chứng nhận của bên thứ ba hoặc tự thử nghiệm để đánh giá. "Lần này chúng ta rạch ròi, các sản phẩm rủi ro cao bắt buộc phải quản lý rất chặt," ông Hiệp khẳng định. Đồng thời, luật cũng bổ sung các công cụ phòng ngừa sớm như truy xuất nguồn gốc, hậu kiểm theo rủi ro, và công khai thông tin hợp chuẩn/hợp quy. Những hàng hóa rủi ro cao sẽ bắt buộc phải truy xuất nguồn gốc, cho phép cơ quan quản lý tập trung kiểm tra vào các sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ cao thay vì kiểm tra dàn trải như hiện nay.

Một vấn đề tồn tại lâu nay là tình trạng một sản phẩm bị nhiều Bộ cùng quản lý, dẫn đến chồng chéo và thiếu rõ ràng trong phân công trách nhiệm. Để giải quyết điều này, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sửa đổi đã xác lập rõ cơ chế phân công, phân cấp quản lý, trách nhiệm giữa các bộ, ngành và địa phương. Nguyên tắc cốt lõi được quy định rõ là: mỗi sản phẩm chỉ do một bộ ngành quản lý. "Như vậy, Bộ nào quản lý thì chịu trách nhiệm đến cùng", ông Hà Minh Hiệp nhấn mạnh. Cùng với đó, Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật cũng quy định mỗi quy chuẩn chỉ có một bộ quản lý. Cơ chế phân công rõ ràng này được kỳ vọng sẽ tăng hiệu lực, hiệu quả quản lý cũng như thực thi pháp luật, tránh tình trạng né tránh trách nhiệm khi xảy ra sai phạm.

Tăng cường trách nhiệm doanh nghiệp và giám sát xã hội

Bên cạnh việc phân định rõ ràng trách nhiệm quản lý, hai luật mới cũng tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp trong toàn bộ chuỗi cung ứng. Trách nhiệm này bao gồm từ việc công bố tiêu chuẩn, truy xuất nguồn gốc, minh bạch thông tin đến thu hồi sản phẩm và bồi thường thiệt hại. Các hành vi gian lận chất lượng, quảng cáo sai sự thật, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, đặc biệt là trên sàn thương mại điện tử và môi trường số, đều bị nghiêm cấm và sẽ bị xử lý nghiêm khắc.

Đồng thời, Bộ Khoa học & Công nghệ cũng đẩy mạnh xây dựng và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn đo lường chất lượng, kết nối chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành, địa phương, hải quan, cảnh báo quốc tế và phản ánh từ người tiêu dùng. Cơ chế này sẽ cho phép phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý nhanh chóng các trường hợp hàng hóa không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Vai trò giám sát xã hội cũng được tăng cường thông qua sự tham gia của các tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức xã hội bảo vệ người tiêu dùng. Các tổ chức này sẽ tham gia vào việc khảo sát, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa lưu thông trên thị trường, đưa ra kiến nghị và phối hợp kiểm tra.

Với những thay đổi mạnh mẽ này, hai đạo luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn và chất lượng sản phẩm, hàng hóa không chỉ khắc phục các khoảng trống pháp lý mà còn tạo dựng một hệ sinh thái pháp luật hiện đại, minh bạch, hiệu quả, dựa trên nền tảng công nghệ số và hội nhập quốc tế. Ông Hà Minh Hiệp cho biết thêm, mô hình quản lý rủi ro theo cấp độ, thay thế cho phân nhóm cũ, hiện đã được các quốc gia ASEAN áp dụng phổ biến. Việc Việt Nam tiếp cận cách làm này không chỉ nâng cao năng lực quản lý chất lượng mà còn tăng tính tương thích trong thương mại khu vực và toàn cầu, mở đường cho một thị trường lành mạnh và bền vững hơn.

Thành Nam (t/h)

  • Cùng chuyên mục

Khẩn cấp rà soát thị trường sau vụ dầu gió Con Ó giả: Bệnh viện và nhà thuốc cần siết chặt nguồn gốc sản phẩm

Sau khi Công an TP. HCM triệt phá đường dây sản xuất, mua bán hàng giả với số lượng lớn, bao gồm cả sản phẩm dầu gió Con Ó nhãn hiệu “Eagle Brand Medicated Oil”, kem dưỡng ẩm Thái Lan, dầu Ông già Thái Lan và dầu lăn Hàn Quốc, ngày 8/7, Sở Y tế đã gửi văn bản tới UBND 168 phường, xã, đặc khu, cùng tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh và kinh doanh dược trên địa bàn, yêu cầu chủ động rà soát và báo cáo về các sản phẩm kinh doanh có dấu hiệu là hàng giả.

Bảo vệ người tiêu dùng - 06:10 09/07/2025

Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 2 cấp

Theo quy định mới, công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 2 cấp: Cấp tỉnh và cấp trung ương. 

Bảo vệ người tiêu dùng - 06:17 07/07/2025

Ra mắt Ban chấp hành FBA nhiệm kỳ 2025-2030: Kết nối tinh hoa ẩm thực TP.HCM

Hiệp hội Ẩm thực TP.HCM (FBA) đã tổ chức cuộc họp Ban chấp hành định kỳ với chủ đề trọng tâm: “Chuẩn hóa để vươn mình”, nhằm kiện toàn cơ cấu tổ chức, thống nhất quy chế hoạt động và hoạch định chiến lược phát triển dài hạn cho Hiệp hội trong giai đoạn (2025–2030).

Bảo vệ người tiêu dùng - 21:40 04/07/2025

Phấn đấu đến 2030 làm chủ được công nghệ sản xuất 15 loại vắc xin cho tiêm chủng

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1018/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1286/QĐ-TTg ngày 25/10/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo đảm nguồn cung ứng vắc xin cho tiêm chủng đến năm 2030.

Bảo vệ người tiêu dùng - 06:06 28/05/2025

Vi phạm trong lĩnh vực môi trường, Thép Vicasa bị phạt 335 triệu đồng

UBND tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định xử phạt hành chính 335 triệu đồng đối với CTCP Thép Vicasa - VNSteel (mã VCA) do vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp này buộc phải di dời toàn bộ cơ sở sản xuất khỏi Khu công nghiệp Biên Hòa 1 trước ngày 1/12/2025.

Bảo vệ người tiêu dùng - 07:35 26/05/2025

Tạm giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng

Mới đây, dưới sự giám sát của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, các tổ công tác thuộc Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố Đà Nẵng đã tiến hành kiểm tra nhiều cửa hàng thời trang có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng.

Bảo vệ người tiêu dùng - 08:30 22/05/2025

Phạt 80 triệu đồng và đình chỉ 1 tháng với 2 cơ sở sản xuất giò chả sử dụng hàn the

Lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị kiểm tra và phát hiện 2 cơ sở có hành vi sử dụng hàn the trong sản xuất giò chả. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, đề nghị xử phạt 80 triệu đồng và đình chỉ hoạt động chế biến chả của cơ sở vi phạm trong thời gian 1 tháng.

Bảo vệ người tiêu dùng - 06:19 21/05/2025

Đột kích kho lạnh chứa gần 6,5 tấn thực phẩm không có hóa đơn, nguồn gốc tại Ninh Bình

Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Ninh Bình cho biết đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ để xử lý vụ việc liên quan đến việc kinh doanh, buôn bán gần 6,5 tấn thực phẩm đông lạnh không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Bảo vệ người tiêu dùng - 08:36 20/05/2025

Phát hiện xưởng may nhái hàng loạt nhãn hiệu thời trang xa xỉ

Lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Ninh Bình vừa phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh tiến hành kiểm tra và phát hiện một cơ sở sản xuất hàng loạt sản phẩm may mặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu thời trang quốc tế nổi tiếng.

Bảo vệ người tiêu dùng - 14:26 18/05/2025

Ngăn thuốc giả vào thị trường bằng quản lý kê đơn và bán thuốc theo đơn

Việc quản lý kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn cần được triển khai quyết liệt hơn nữa để thuốc giả không có cơ hội len vào thị trường, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân. 

Bảo vệ người tiêu dùng - 11:31 12/05/2025