Theo đại diện Cục Quản lý Giá, Chính phủ và Bộ Tài chính sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu...
Kiểm soát chặt giá cả khi điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1/7.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2023 của Bộ Tài chính, trả lời câu hỏi của báo chí liên quan đến giải pháp kiểm soát, điều hành giá khi ngày 1/7 sẽ thực hiện tăng lương cơ sở, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, điều hành quản lý giá là hoạt động thường xuyên, liên tục. Ban chỉ đạo điều hành giá cũng như Bộ Tài chính đã thường xuyên họp để đưa ra các kịch bản điều hành. Bộ Tài chính cũng đã chủ trì xây dựng các báo cáo về điều hành giá, đưa ra các kế hoạch, tình huống sẽ triển khai trong quá trình điều hành như tăng lương cơ sở và một số vấn đề khác.
Về giải pháp về điều hành giá, theo đại diện Cục Quản lý Giá, Chính phủ và Bộ Tài chính đã tập trung vào các nhóm giải pháp như bám sát diễn biến thị trường giá cả, đảm bảo kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu mà Quốc hội đưa ra, đặc biệt chú ý đến mặt hàng chiến lược là xăng dầu, tập trung chú ý nắm bắt tình hình; theo dõi chặt chẽ hoạt động kê khai thông báo giá, tránh việc găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
Làm rõ hơn về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh, trong các giải pháp để kiểm soát lạm phát, giữ mặt bằng giá ổn định và hướng tới mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra thì cần chú ý tới giải pháp quan trọng đó là truyền thông để giải quyết vấn đề tâm lý khi thời điểm tăng lương 1/7 đã cận kề, để cả xã hội và người tiêu dùng ổn định tâm lý. Bởi chính sách tăng lương cơ sở nằm trong chính sách được xác định trước, nên để không ảnh hưởng tâm lý, Thứ trưởng mong muốn các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để giảm bớt những ảnh hưởng tâm lý, qua đó sẽ phát huy tác dụng, giá cả ổn định, hướng tới những mục tiêu đề ra.
Duy Khánh