Kiên quyết đấu tranh, xử lý sai phạm trong bán hàng online, livestream

Sự phát triển nhanh chóng của hoạt động thương mại điện tử đã đặt ra những thách thức đối với công tác quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ,…

Nhiều vụ việc bị phát giác

Theo thống kê từ Bộ Công Thương, đơn vị này đã tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thường xuyên theo dõi, giám sát, phát hiện, xử lý các vi phạm thông qua bán hàng online, livestream. Năm 2023, Bộ Công Thương đã yêu cầu các sàn TMĐT, website tiến hành rà soát, ngăn chặn và gỡ bỏ/khóa 6.254 gian hàng với 23.359 sản phẩm vi phạm. Lực lượng Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) đã kiểm tra 834 vụ, xử lý 764 vụ, phạt tiền 12 tỷ đồng.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công an, Bộ Y tế và các lực lượng chức năng rà soát, xử lý hàng trăm website/ứng dụng vi phạm mỗi năm, chuyển cơ quan Công an xử lý nhiều vụ việc, ngăn chặn nguy cơ gây thiệt hại quy mô lớn cho người dân.

Nhiều vụ việc bán hàng giả/hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên mạng xã hội nổi cộm, đã bị triệt phá như: Ansan Cosmetics - TP.HCM (Thu giữ 7.678 đơn vị sản phẩm); TS Việt Nam - Hà Nội (Thu giữ 14.000 sản phẩm với với tổng trị giá ước tính trên 11 tỷ đồng); Menshop79 - Hà Nội (2.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, v.v… giá trị hơn 20 tỷ đồng); 145 Hoàng Diệu - Lào Cai (Thu giữ 237 mặt hàng với 158.014 sản phẩm); Vụ bản - Nam Định (Thu giữ gần 30.000 sản phẩm nhái nhãn hiệu Hermès), Chuyển cơ quan điều tra vụ việc Mailystyle ở Hà Đông, Hà Nội (Thu giữ hơn 126.000 sản phẩm không hóa đơn, chứng từ trị giá trên 20 tỷ đồng),...

Ngoài việc phát hiện và ngăn chặn, xử lý vi phạm, ngành Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Y Tế, Bộ Thông tin và Truyền thông… đăng tải các thông tin, bài viết cảnh báo, như các thông tin: “Cảnh báo giả mạo Bộ Công Thương về việc Phê duyệt dự án tham gia kiếm tiền online”; “Cảnh báo giả mạo Bộ Công Thương về việc Phê duyệt dự án tham gia nhận quà online; Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới về "Tuyển mẫu nhí chụp ảnh làm đại diện thương hiệu"...

Chuyển cơ quan điều tra đối với những vi phạm

Khẳng định tại buổi chất vấn của các đại biểu trước Quốc hội vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: “Trường hợp chứng minh được vi phạm của người bán online, livestream... thì ngành chức năng chắc chắn sẽ xóa vĩnh viễn các trang kinh doanh và yêu cầu chủ phòng livestream chịu trách nhiệm trước pháp luật. Việc này sẽ giúp từng bước giảm vi phạm pháp luật trong bán hàng online. Các trường hợp vi phạm, hoàn toàn có thể chuyển hồ sơ đến các cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật”.Bộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng DiênBộ trưởng Bộ Công Thương - Nguyễn Hồng Diên

Theo Bộ trưởng, đây là lĩnh vực mới, không chỉ bằng Việt Nam và với tất cả các quốc gia trên thế giới. Hiện, tốc độ phát triển thương mại điện tử bình quân của Việt Nam đạt khoảng 20 - 25% một năm, quy mô thương mại 21 tỷ USD.

Trong tương lai chắc chắn thương mại điện tử sẽ phát triển hơn nữa vì vậy cần sửa đổi, bổ sung các cơ chế cho phù hợp. Bộ trưởng cho rằng cần tăng vai trò quản lý Nhà nước của địa phương trong xem xét xử lý ban đầu những xung đột lợi ích giữa người mua và người bán trong trường hợp này.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ là cơ quan chủ trì, phối hợp với các bộ ngành có liên quan, sử dụng lực lượng quản lý thị trường để kiểm tra, làm rõ các hành vi sai phạm, nhất là tìm các địa điểm tập kết hàng hoá, thường xuyên giao dịch để kịp thời xử lý những sai phạm (nếu có), đặc biệt là chống thất thu thuế. Các hoạt động bán hàng qua livestream, bán hàng qua thương mại điện tử biến hoá rất khôn lường nên các quy định pháp luật phải tiếp tục rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp các bộ ngành chức năng tham mưu Chính phủ xem xét ban hành nghị định về quản lý hải quan đối với hoạt động xuất nhập khẩu  qua thương mại điện tử. Theo đó, tách bạch giữa luồng hóa thông thường với hàng hóa thương mại điện tử để tăng cường quản lý người bán nước ngoài qua kênh này.

Bên cạnh đó, tham mưu Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định miễn thuế giá trị gia tăng với hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ, tránh tình trạng nhập khẩu qua thương mại điện tử cạnh tranh với hàng trong nước mà không bị áp thuế.

Cùng với đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập; Đẩy mạnh cuộc vận động người Việt ưu tiên dùng hàng Việt, nhất là trên thương mại điện tử; Đồng thời, tăng cường kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, xuất xứ, tránh hàng giả, hàng kém chất lượng nhập qua môi trường điện tử.

                                                                                                                                  Thiên Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục