Máy đo nồng độ oxy trong máu giá rẻ: Nhập nhèm nguồn gốc, mù mờ chất lượng

Trong thời điểm dịch bệnh, nhu cầu mua bán loại máy này tăng cao là điều thấy rõ nhưng có nên sử dụng hay không thì cần sự tư vấn của các bác sĩ, chuyên gia y tế. Nếu các máy không đạt chuẩn sẽ cho kết quả không chính xác, có thể gây ra tình trạng âm giả, hoặc dương giả dẫn đến hoang mang, lo lắng hoặc không phát hiện kịp thời hiện tượng giảm ô-xy.

Gõ cụm từ máy đo nồng độ oxy trong máu hoặc máy SpO2 thì ngay lập tức xuất hiện khoảng hơn 4.300.000 kết quả chỉ trong vòng 0,37 giây. Các sản phẩm này được chào bán thường xuyên trong các hội nhóm, "chợ mạng" kinh doanh vật tư y tế.

Trong thời điểm hiện nay, chỉ cần mặt hàng nào gắn với từ khoá COVID-19 đều "hái ra tiền" vì đánh đúng vào tâm lý lo lắng của người dân. Và máy đo nồng độ oxy trong máu SpO2 không phải là ngoại lệ. Loại máy này được quảng cáo là dự phòng cho những người chưa mắc COVID-19 và hữu ích cho cả những người đã mắc đang cách ly tại nhà.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại một số nhà thuốc, cửa hàng thiết bị y tế, lượng khách đặt mua loại máy này tăng đột biến. Nhân viên một nhà thuốc cạnh Bệnh viện Quân đội 103 (Hà Nội) cho hay, ngoài mua các loại thuốc hạ sốt, vitamin C, những ngày gần đây, người dân còn tìm mua các máy đo nồng độ ô-xy. Máy đo nồng độ ô-xy thương hiệu Microlife (Thụy Sỹ) có giá 800.000 đồng/chiếc nhưng nhà thuốc này đã hết hàng, khách muốn mua phải đặt trước và để lại số điện thoại. 

Theo nhân viên nhà thuốc này, đây là loại máy được các bác sĩ ở bệnh viện dùng để đo nồng độ ô-xy cho bệnh nhân, một máy có thể đo cho nhiều người. Máy còn đo được nhịp tim; nếu ai có dưới 50 nhịp/phút hoặc cao hơn 130 nhịp/phút, chỉ số ô-xy dưới 94% thì máy sẽ tự động cảnh báo. Trước đây, chỉ những người mắc bệnh lao phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính, tai biến mới có nhu cầu mua dùng, nay bỗng dưng có đông người mua. 

Máy đo nồng độ ô-xy trong máu (SpO2) được rao bán trên chợ mạngMáy đo nồng độ ô-xy trong máu (SpO2) được rao bán trên chợ mạng

Theo khảo sát của phóng viên, các sản phẩm đến từ Trung Quốc thường có giá từ 150.000 - 400.000 đồng. Trong khi đó, khảo sát trên các sàn thương mại điện tử, phóng viên "hoa mắt" khi xuất xứ và nhãn hiệu của mặt hàng này còn đa dạng hơn rất nhiều. Mức giá dao động từ hơn 200.000 đến 2.500.000 đồng. Ví dụ như Jziki (450.000 đồng), Beurer PO30 (2.400.000 đồng), Pulse (260.000 đồng), IMediCare (1.200.000 triệu đồng).

Một người bán hàng tại quầy thiết bị y tế trên đường Phương Mai (Hà Nội) giới thiệu 3 loại máy bán chạy là Fingertip là 700.000 đồng, máy Acurio là 1.400.000 đồng, máy Kaneko là 900.000 đồng.

Về việc giá máy chênh lệch nhau khá nhiều, người bán này giải thích là nhiều máy đắt do thương hiệu, hãng sản xuất và tiền nào của nấy, máy đắt tiền thì độ nhạy cũng cao hơn, chất lượng hơn so với những loại máy vài trăm nghìn đồng.

Thạc sĩ - bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân (Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM) cho biết, không phải máy đo nồng độ ô-xy trong máu (SpO2) nào cũng đạt chuẩn. Hàng nhập khẩu chính ngạch, có giấy tờ kiểm định thì chất lượng sẽ ổn định, còn hàng không rõ nguồn gốc thì không thể biết được chất lượng. Các máy không đạt chuẩn sẽ cho kết quả không chính xác, có thể gây ra tình trạng âm giả (giảm ô-xy trong máu nhưng không phát hiện được), hoặc dương giả (không giảm ô-xy trong máu nhưng máy báo giảm) dẫn đến hoang mang, lo lắng hoặc không phát hiện kịp thời hiện tượng giảm ô-xy. 

Theo bác sĩ Vũ Trần Thiên Quân, người dân không nên tự trang bị máy SpO2 bởi có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đo. Người đo phải nắm rõ thao tác để cho kết quả tốt nhất, chuẩn xác nhất. Người khỏe mạnh, bình thường không nên đo SpO2 vì chỉ trường hợp bệnh nặng mới giảm ô-xy trong máu và với tình trạng nặng đến mức giảm ô-xy trong máu thì không thể tự điều trị ở nhà mà cần được bác sĩ theo dõi. 

 Bảo Ngọc

Bài liên quan

Cùng chuyên mục