Mỡ bẩn – Sát thủ giấu mặt gây ung thư

Mới đây, lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện và bắt giữ 1.500 lít mỡ bẩn không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Theo đó, tại địa phận thôn Nà Thà, xã Yên Trạch, huyện Cao Lộc, lực lượng Quản lý thị trường Lạng Sơn chủ trì phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn và Công an tỉnh Lạng Sơn tiến hành kiểm tra xe ô tô tải BKS 12C-072.02 có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa vi phạm.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe đang có 7 thùng phuy nhựa màu xanh loại 200 lít/phuy và 7 can nhựa màu trắng loại 30 lít/can. Trong các thùng phuy và can nhựa có đựng cùng một loại hàng hóa là mỡ gà đã qua sơ chế thành mỡ nước. Đáng chú ý, toàn bộ số mỡ này khi đổ ra có màu đen, nổi váng bẩn. Tổng trọng lượng số mỡ nước trên là 1.500 lít với trị giá ước tính theo giá thị trường hiện nay là trên 100 triệu đồng.

Khi kiểm tra, lái xe là ông Chu Ngọc Hiếu, sinh năm 1987 có địa chỉ thường trú tại thôn Bắc Đông II, xã Gia Cát, huyện Cao Lộc không xuất trình được hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa đang vận chuyển trên xe. Khai thác thông tin bước đầu ông Hiếu khai nhận được thuê vận chuyển số hàng trên từ Lạng Sơn về Bắc Giang tiêu thụ.

Xác định vụ việc có dấu hiệu vi phạm, Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản, tạm giữ phương tiện và hàng hóa để tiếp tục điều tra, xác minh và xử lý theo quy định.

Trước đó, một số cơ quan báo chí đã từng lên tiếng phản ánh nhiều cửa hàng buôn bán thức ăn vì lợi nhuận nên mua mỡ từ những cơ sở sản xuất không có chất lượng, không hợp vệ sinh an toàn thực phẩm. Có một số nơi mỡ đóng chai hoặc tóp mỡ được làm từ mỡ động vật có thể bị ôi thiu, mỡ bán không được để qua ngày. Những nguồn mỡ này rất dễ gây bệnh cho người sử dụng.

Một số nơi hay thu gom những loại mỡ vụn, mỡ đã có mùi vào cuối ngày để về chế biến thành mỡ để chiên xào hoặc tóp mỡ. Giá của những loại mỡ này rất thấp, vì vậy nếu mang về cắt nhỏ, nấu lên thì phần mỡ thu được sẽ được bán với giá cao hơn, thu được lợi nhuận nhiều hơn. Do thu được lợi nhuận cao, không phải bỏ nhiều vốn và chế biến cũng không phức tạp nên nhiều người thường chế biến theo kiểu này.

Mỡ bẩn nếu chế biến không hợp vệ sinh, dụng cụ chế biến đơn giản không đảm bảo sẽ dễ dàng làm các vi khuẩn xâm nhập, người ăn phải mỡ không hợp vệ sinh sẽ buồn nôn, đau bụng. Ngoài ra, trường hợp nếu mỡ đã bị ôi thiu thì lượng độc tố khi nung lên vẫn còn, điều này sẽ gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Những độc tố này tích tụ lâu ngày có thể dẫn đến ung thư.

Trong các thùng phuy và can nhựa có đựng cùng một loại hàng hóa là mỡ gà đã qua sơ chế thành mỡ nước.Trong các thùng phuy và can nhựa có đựng cùng một loại hàng hóa là mỡ gà đã qua sơ chế thành mỡ nước

Ths Lê Thanh Long - chuyên gia công nghệ thực phẩm của Đại học Nông lâm Huế (Đại học Huế), cho biết: Việc chế biến mỡ lỏng và tóp mỡ từ mỡ lợn bẩn bằng phương pháp đun nóng thông thường (nhiệt độ khoảng 180-2000C) không thể loại trừ các chất gây độc và độc tố từ quá trình biến đổi trước đó. Đặc biệt, quá trình đun nóng ở nhiệt độ cao lại tiếp tục làm sản sinh độc tố cho sản phẩm.

“Với cách chế biến thủ công, lại sử dụng nguyên liệu mỡ để lâu ngày có màu sắc biến đổi, ôi thối, sản phẩm mỡ tạo ra sẽ không bao giờ đạt tiêu chuẩn chất lượng dùng cho thực phẩm theo quy định và gây độc cho người sử dụng là điều chắc chắn”- Ths Long khẳng định.

Theo phân tích của ông Long, dầu ăn thực vật mà chúng ta sử dụng hàng ngày được sản xuất ở quy mô công nghiệp. Để đảm bảo các chỉ tiêu về chất lượng (như màu sắc, mùi vị, chỉ số axit, chỉ số peroxit theo tiêu chuẩn), dầu thô sau khi ép, trích ly phải qua tinh luyện loại bỏ tạp chất, tẩy màu, khử mùi và có bổ sung chất chống ôi hóa cho phép. Còn nguyên liệu mỡ động vật để lâu ngày trong các bao, túi nylon trong điều kiện bảo quản kém chắc chắn sẽ bị biến đổi ôi hóa đáng kể. Tình trạng này khiến mỡ hình thành các hợp chất gây độc cho con người, như andehyt, oxy axit…

Vì vậy, theo ông Long, việc các cơ sở chế biến mỡ để mỡ trong thời gian một năm rồi mới bán như có chủ cơ sở tuyên bố thì mỡ này hết sức độc hại. “Những hợp chất andehyt, oxy axit… khi xâm nhập vào cơ thể qua thức ăn gây ảnh hưởng đến hệ thống men tiêu hóa, làm khó tiêu và tác động đến hệ thần kinh, tim mạch… Ngoài ra không loại trừ khả năng vi khuẩn gây bệnh và vi nấm sinh độc tố tồn tại trong nguyên liệu mỡ, gây ngộ độc cấp tính, tổn hại đến đến gan, thận, gây ung thư rất cao, nếu thường xuyên sử dụng sản phẩm làm ra từ nguyên liệu này”- ông Long cảnh báo.

Theo phân tích của một số chuyên gia thực phẩm khác, thông thường, mỡ lợn, bò khi nấu chảy thành nước chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị cô đặc. Vì vậy, để giữ cho mỡ không bị đông, các cơ sở chế biến thường sử dụng hóa chất chống kết đông và một số chất phụ gia khác để bảo quản. Nguồn phụ gia trôi nổi này khi xâm nhập cơ thể sẽ gây tác hại khó lường.

Hải Nam

Bài liên quan

Cùng chuyên mục