Một số điểm mới trong quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/01/2024.

Một số điểm mới trong quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốcMột số điểm mới trong quy định ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc

Một số điểm mới được cập nhật, bổ sung, sửa đổi tại Thông tư số 23. Cụ thể, bổ sung khoản 3 và khoản 4 vào sau khoản 2 Điều 3 như sau:

Nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng của thuốc phóng xạ không bắt buộc phải kèm theo bao bì thương phẩm mà có thể được cung cấp tới cơ sở điều trị kèm theo hồ sơ giao nhận thuốc hoặc được dán, gán trên bao bì được sử dụng với mục đích để lưu giữ, vận chuyển, bảo quản thuốc.

Thuốc nhập khẩu đã được cấp giấy đăng ký lưu hành trong trường hợp cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tờ hướng dẫn sử dụng thuốc có thể gắn trên bao bì ngoài.

Cùng với đó, sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 5. Cụ thể, đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc nhập khẩu vào Việt Nam mà nhãn gốc chưa thể hiện đầy đủ các nội dung so với nhãn đã được Bộ Y tế phê duyệt, cơ sở nhập khẩu được thực hiện việc bổ sung nhãn phụ bằng tiếng Việt sau khi thông quan. Nhãn phụ bổ sung phải bảo đảm phù hợp với nhãn thuốc đã được Bộ Y tế phê duyệt và phải thực hiện trước khi đưa thuốc ra lưu hành trên thị trường và phải giữ nguyên nhãn gốc.

Bên cạnh đó, Thông tư 23 cũng sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 5. Các trường hợp sau đây được bổ sung hoặc thay thế tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt sau khi thông quan.

Đối với thuốc nhập khẩu đã có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam mà trong bao bì thương phẩm đã có tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt nhưng chưa thực hiện cập nhật nội dung tờ hướng dẫn sử dụng thuốc theo yêu cầu của Bộ Y tế, trừ trường hợp thuốc không yêu cầu phải có tờ hướng dẫn sử dụng thuốc quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều 13 Thông tư này;

Đối với thuốc nhập khẩu chưa có giấy đăng ký lưu hành tại Việt Nam mà bao bì thương phẩm chưa có tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt, trừ trường hợp thuốc không yêu cầu phải có tờ hướng dẫn sử dụng thuốc quy định tại các điểm a, b, c, d và d khoản 1 Điều 13 Thông tư này;

Đối vưới thuốc nhập khẩu đã được Bộ Y tế cấp giấy đăng ký lưu hành trong trường hợp cấp bách cho quốc phòng, an ninh, phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa mà bao bì thương phẩm chưa có tờ hướng dẫn sử dụng thuốc bằng tiếng Việt.

Ngoài ra, Thông tư 23 cũng bổ sung điểm g vào sau điểm e khoản 2 Điều 35 như sau: Bổ sung mã vạch (Bar code), mã QR, mã DataMatrix Code (DMC) hoặc loại mã phù hợp trên nhãn thuốc để thực hiện truy xuất hướng dẫn sử dụng điện tử của thuốc và thực hiện ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử theo lộ trình của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Thuốc, nguyên liệu làm thuốc là hàng hóa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 111/2021 ngày 09/12/2021. Ngoài việc chấp hành đúng quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa được quy định tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP, Nghị định số 111/2021/NĐ-CP, việc ghi nhãn thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn được hướng dẫn, điều chỉnh bởi Thông tư số 23/2023/TT-BYT sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 01/2018/TT-BYT. Hành vi vi phạm về quy định ghi nhãn hàng hóa sẽ bị xử lý theo Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 126/2021/NĐ-CP.

Mai Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục