Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện có gần 1.500 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, nhưng mới chỉ có vài chục cơ sở đủ điều kiện vệ sinh thú y, được cấp giấy chứng nhận của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ngoài số cơ sở đủ điều kiện nêu trên, còn lại hầu hết là các lò mổ quy mô nhỏ, cơ sở, điểm giết mổ động vật tự phát trong các chợ truyền thống, trong khu dân cư và các cơ sở kinh doanh thịt tươi sống...
Có thể nói, hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhất là trong các khu dân cư và các chợ truyền thống, còn nhiều bất cập, nguy cơ không đảm bảo an toàn thực phẩm và ô nhiễm môi trường rất cao. Còn khá nhiều hộ dân giết mổ gia súc, gia cầm bằng những cách đơn giản, mất vệ sinh như để trên nền gạch, láng xi măng, dụng cụ chế biến không được đánh rửa sạch sẽ, để lưu cữu, hoen gỉ, nước và rác thải xả xuống cống, rãnh, gây ô nhiễm môi trường sống.
Hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đều tự phát, làm tại gia đình hoặc nơi kinh doanh, buôn bán và trong các khu dân cư, từ đó đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải, rác thải và cả ô nhiễm không khí do khói bụi, mùi thui, đốt các loại thịt dê, trâu, bò, chó... Cùng với đó là thực phẩm sau giết mổ không được bảo quản, để nơi khô thoáng, có tấm che đậy, dẫn đến nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Trước tình hình đó, đòi hỏi sự quản lý, giám sát chặt chẽ của các ngành, đơn vị liên quan. Đồng thời, cần nâng cao ý thức của người giết mổ nhằm hạn chế thấp nhất những vi phạm về an toàn thực phẩm và môi trường.
Một số cơ sở giết mổ động vật đã có ý thức trong việc thực hiện an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường
Phó chủ tịch UBND xã Gia Trấn (huyện Gia Viễn) Vũ Văn Thảo cho biết:
Toàn xã hiện có gần 20 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, trong đó có gần chục hộ giết mổ và kinh doanh thịt dê bám mặt đường, Quốc lộ 1A. Trong số đó, một số gia đình giết mổ thịt dê thương phẩm có quy mô từ vài con đến gần chục con/ngày, trong dịp lễ, Tết, ngày nghỉ sẽ nhiều hơn. Thời gian qua, chính quyền địa phương, ngành chức năng đã tăng cường các hoạt động kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở người dân nâng cao ý thức trách nhiệm trong quá trình giết mổ gia súc, gia cầm tại khu dân cư.
Tuy nhiên, theo ông Thảo, việc quản lý các hộ giết mổ động vật trên địa bàn xã vẫn đang gặp khó khăn. Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm xã và các đơn vị liên quan không có thẩm quyền và chức năng cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Mặt khác, cũng không có thẩm quyền xử phạt các vi phạm lớn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Do đó, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo xã thường là kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở và yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện các quy định về Luật An toàn thực phẩm.
Hiện nay, do trên địa bàn tỉnh chưa xây dựng được các khu giết mổ tập trung nên hoạt động giết mổ động vật trong khu dân cư vẫn diễn ra và thường không đủ các điều kiện vệ sinh thú y. Thực tế đó, đòi hỏi ngành chức năng cần tích cực và kiên quyết hơn nữa, chủ động kiểm tra, xử phạt nghiêm các cơ sở giết mổ không đủ điều kiện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, yêu cầu các hộ hoạt động giết mổ ký cam kết thực hiện theo quy định, từ đó sẽ góp phần đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo an toàn thực phẩm...
Thủy Hương