Ngân hàng chuyển đổi số quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, quy trình, chính sách

Chuyển đổi số ngân hàng ảnh hưởng trực tiếp đến khách hàng nên mục tiêu quan trọng nhất là để khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn, tiện dụng nhất.

Chia sẻ tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi" vừa diễn ra chiều 28/9, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Anh Dũng cho biết, 95% ngân hàng đã xây dựng chiến lược chuyển đổi số.

Các ngân hàng Việt Nam đã tích cực, chủ động trong việc nắm vững công nghệ 4.0, chẳng hạn như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn… để số hoá, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ trên hệ thống số.

Các vị khách mời tham dự Tọa đàm trực tuyến Các vị khách mời tham dự Tọa đàm trực tuyến "Ngành Ngân hàng tiên phong chuyển đổi số: Để toàn dân tham gia, toàn dân hưởng lợi". (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Ông Dũng cũng cho hay, trên nghĩa tích cực của chuyển đổi số, ngành Ngân hàng bước đầu đã đầu tư 15.000 tỷ đồng cho hoạt động này và đã thu được những thành quả rất tích cực.

Việt Nam là một trong những nước ứng dụng ngân hàng số hàng đầu khi tỉ lệ tăng trưởng 40% chỉ trong thời gian ngắn. Đại dịch đã rút ngắn chuyển đổi số ngành ngân hàng, cả ngân hàng và người dân đều được hưởng lợi vì điều này.

Quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, quy trình, chính sách

Tại tòa đàm, TS. Phạm Xuân Hòe - chuyên gia kinh tế - nhận định, NHNN và ngân hàng thương mại rất quan tâm đến chuyển đổi số và quan trọng nhất là chuyển đổi tư duy, chuyển đổi quy trình, chính sách. Hầu hết các ngân hàng đều có lãnh đạo cấp cao là những người xuất phát từ ngành công nghệ thông tin. Hiện tại, NHNN đã có một Phó Thống đốc phụ trách về công nghệ thông tin và từ dân IT ra.

“Tôi nghĩ rằng đó là những điều thuận lợi và khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của ngân hàng” - TS. Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh.

Ông bổ sung thêm các số liệu để chứng minh 95% các nghiệp vụ về thanh toán cũng như tiền gửi về cơ bản được thực hiện qua công nghệ số và có những khách hàng cá nhân gần như giao dịch 100% qua công nghệ số. Đó là lý do tại sao các tổ chức quốc tế đánh giá rằng Việt Nam là một nước đang phát triển nhưng đi đầu trong nhóm phát triển công nghệ số ngành ngân hàng.

5 thách thức lớn với chuyển đổi số ngân hàng

Dù vậy, các chuyên gia cũng thống nhất rằng, trong quá trình chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Theo Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Nguyễn Quốc Hùng, triển khai chương trình chuyển đổi số, NHNN và các ngân hàng thương mại phải đối mặt rất nhiều khó khăn về hành lang pháp lý. Bởi lẽ, NHNN cũng như các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã và đang phải triển khai trong bối cảnh hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện, đang sửa đổi, bổ sung, đơn cử như Luật Giao dịch điện tử năm 2005 đang được điều chỉnh.

Cùng quan điểm, ông Phạm Xuân Hòe nhấn mạnh, thách thức lớn nhất và có lẽ là hàng đầu của chuyển đổi số ngành Ngân hàng chính là hành lang pháp lý thiếu, không đồng bộ. Chẳng hạn, Luật Giao dịch điện tử đang được sửa đổi, bổ sung; Luật Kế toán hiện nay cũng đang có quy định gây “vướng” cho ngành Ngân hàng trong chuyển đổi số.

Vị chuyên gia kinh tế này cũng chỉ ra thêm 4 thách thức lớn khác gồm: vốn cho đầu tư CNTT, chuyển đổi số; vấn đề nhân sự, con người; việc đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin; cũng như mặt bằng nhận thức chung của đại bộ phận khách hàng về chuyển đổi số, sử dụng sản phẩm số còn hạn chế.

“Năm thách thức kể trên có thể sẽ gây cản trở và giảm tốc độ chuyển đổi số của ngành Ngân hàng” - ông Phạm Xuân Hòe nêu quan điểm.

Hồng Anh

Bài liên quan

Cùng chuyên mục