Nghị quyết 02 - “Chìa khóa” phục hồi và phát triển kinh tế

Ngày 3/3, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Hội nghị triển khai Nghị quyết 02. Nhiều giải pháp đã được đề ra để Nghị quyết thực sự là lực đẩy cho quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Trong bối cảnh dịch bệnh, cải cách môi trường kinh doanh được đánh giá là trợ lực quan trọng nhất cho doanh nghiệp.

Nghị quyết 02 đặt mục tiêu cụ thể năm 2022 là cải thiện chất lượng, nâng cao thứ hạng các chỉ số môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, cùng với cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody's, S&P và Fitch. Trong đó, Chính phủ sẽ chú trọng vào các cải cách liên quan đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh.

Những điểm mới của Nghị quyết 02

"Nếu chúng ta cải cách ngành nghề đầu kinh doanh có điều kiện thì sẽ không còn điều kiện kèm theo, cũng như thủ tục hành chính kèm theo. Đây chính là cái gốc để chúng ta tạo ra sự thay đổi về môi trường kinh doanh. Thứ hai là chúng ta tập trung vào cải cách quyền tài sản. Khi quyền tài sản của người dân được đảm bảo thì tự do kinh doanh tốt hơn", TS. Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết.

"Để cải cách mạnh mẽ, chúng ta xác định từ chỉ tiêu từ các tổ chức quốc tế uy tín. Ví dụ như chỉ tiêu Doing Business, hiện nay ngân hàng thế giới không tiếp tục thực hiện nữa, nhưng chúng ta vẫn thực hiện các chỉ tiêu thành phần mà chúng ta thấy phù hợp để đưa vào Nghị quyết 02, vì chỉ tiêu này vẫn được doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đánh giá là phù hợp, phản ánh được các cải cách của chúng ta", Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông nhận định.

Tuy nhiên trên thực tế, các chuyên gia nhìn nhận, cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang có xu hướng chững lại. Trên bảng xếp hạng toàn cầu, một số chỉ tiêu không được cải thiện, thậm chí giảm bậc. Ví dụ như năm 2021, Việt Nam đứng thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo, giảm 2 bậc so với năm 2020. Chỉ số phát triển bền vững cũng tương tự, giảm 2 bậc. Vậy đâu là những thách thức cho việc cải cách môi trường kinh doanh trong thời gian tới?

Theo các chuyên gia, cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang có xu hướng chững lại. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)Theo các chuyên gia, cải cách môi trường kinh doanh tại Việt Nam đang có xu hướng chững lại

Thách thức trong cải cách môi trường kinh doanh

Trong khi một số nước trong khu vực không quy định về thông số photpho trong nước thải chế biến thủy sản, Việt Nam lại đang dự thảo nâng chỉ tiêu này lên. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, điều này đã làm tăng phí cho doanh nghiệp.

"Vấn đề hiện nay đưa chỉ tiêu ấy xuống, khó khăn nữa thì thực sự là không làm được. Chúng tôi không chỉ cần lộ trình, mà còn cần thông số phù hợp với khả năng của doanh nghiệp", ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), nói.

Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trong năm 2021, Việt Nam không có thay đổi nào được các tổ chức quốc tế ghi nhận, trong khi lại có những quy định thắt chặt hơn liên quan đến điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành.

Các chuyên gia cũng cho rằng, bên cạnh yếu tố dịch bệnh, Việt Nam cũng đã thực hiện cải cách trong một thời gian dài, giai đoạn đầu bao giờ cũng dễ dàng hơn, cho đến nay dư địa cải cách không còn nhiều, mức độ cũng sẽ khó hơn.

"Bởi các vấn đề hiện không còn nằm ở trong một bộ mà đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bộ ngành. Ví dụ như việc kiểm tra chuyên ngành không chỉ liên quan đến một ngành công thương hay ngành y tế, mà cần sự phối hợp", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhấn mạnh.

Trong khi một số nước trong khu vực không quy định về thông số photpho trong nước thải chế biến thủy sản, Việt Nam lại đang dự thảo nâng chỉ tiêu này lên. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)Trong khi một số nước trong khu vực không quy định về thông số photpho trong nước thải chế biến thủy sản, Việt Nam lại đang dự thảo nâng chỉ tiêu này lên

Bên cạnh đó, cạnh tranh quốc tế cũng khiến thách thức của Việt Nam lớn hơn, bởi các nền kinh tế trên thế giới cũng rất chú trọng cải cách, nhằm nâng cao vị thế trên toàn cầu. Đồng thời, đòi hỏi của nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng sẽ mạnh mẽ hơn để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.

Thay đổi tư duy - Điểm mấu chốt trong quá trình cải cách

Trước những thách thức trên, các chuyên gia cho rằng để cải thiện nhanh hơn môi trường đầu tư, kinh doanh, yếu tố then chốt nhất nằm ở việc thay đổi tư duy, từ phía các doanh nghiệp và cơ quan chức năng.

Sau nhiều năm thực hiện cải cách, thủ tục hành chính của ngành điện đã được cắt giảm từ 10 thủ tục xuống chỉ còn 2, là những thủ tục khó có thể thay đổi được. Kết quả này có được là nhờ tư duy quyết tâm thay đổi của chính doanh nghiệp.

"Chúng tôi tiến hành cải cách, thay đổi quy trình với một câu hỏi: Liệu thủ tục này có cần thiết hay không? Nếu không có thì sao? và chúng ta có thể có cách nào đấy để giảm thủ tục, giảm thời gian cho doanh nghiệp được không?", ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết.

Ở góc độ quản lý nhà nước, chuyên gia đề xuất Chính phủ và các bộ, ngành cần đưa ra một thông điệp rằng chúng ta sẽ mở cửa và sẽ mở cửa một cách dứt khoát, không có đứt gãy về chính sách, không có sự khác biệt giữa các địa phương.

"Nên có các giải pháp có thể ngắn hạn, nhưng giải quyết được ngay các vấn đề của doanh nghiệp. Chính phủ nên tập hợp giải quyết, không được tất cả thì cũng được một số vấn đề để tạo nên niềm tin rằng Chính phủ đang thực sự đồng hành với doanh nghiệp", Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nêu ý kiến.

"Lần này, tôi rất mong muốn thúc đẩy cải cách đồng đều, đồng đều được tất cả các bộ ngành, các khâu, vì doanh nghiệp không chỉ kinh doanh tại một địa phương, hay làm việc với một bộ, vì họ tiếp xúc với tất cả nên sự đồng đều là quan trọng nhất", ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định.

Nghị quyết 02 đặt ra những mục tiêu hết sức cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu thứ thuộc nhóm 50 nước đứng đầu về năng lực cạnh tranh 4.0; nằm trong top 40 quốc gia dẫn đầu về phát triển bền vững.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 24/26 Bộ, 49/63 địa phương đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 02. Thực tế đã chứng minh, sau mỗi cuộc khủng hoảng sẽ là những cải cách mạnh mẽ. Đây là chìa khóa quan trọng trong việc thúc đẩy phục hồi và gia tăng tốc độ tăng trưởng.

 Theo VTV

Cùng chuyên mục