Người tiêu dùng thông qua truy xuất nguồn gốc có thể trực tiếp tìm hiểu, thu thập thông tin về sản phẩm họ đã mua một cách đầy đủ và chi tiết nhất. Qua đó, hạn chế mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu như thực phẩm, dược phẩm hay đồ may mặc...
Theo thống kê, tháng 4/2024, Cục QLTT thành phố Đà Nẵng đã tổ chức kiểm tra 208 vụ việc - tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023, xử phạt 188 vụ - tăng 51,6% so với cùng kỳ năm 2023 với số tiền xử phạt vi phạm hành chính 1.369.500.000 đồng, tăng 149,34% so với cùng kỳ năm 2023. Qua kiểm tra đã xử phạt gần 300 hành vi vi phạm về hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm trong lĩnh vực thương mại điện tử, y tế, tiêu chuẩn, vi phạm về giá, không đăng ký thành lập hộ kinh doanh, không viết hoặc gắn tên chi nhánh tại trụ sở chi nhánh,… và các hành vi vi phạm khác trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
Tại Quảng Ninh, Cục QLTT đã kiểm tra hộ kinh doanh T.T.T tại chợ Trung tâm, thành phố Móng Cái. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh đang bày bán gần 4.000 sản phẩm thực phẩm gồm: xúc xích ăn liền, bánh kẹo, bim bim … có dấu hiệu nhập lậu. Chủ hộ kinh doanh khai nhận toàn bộ số hàng hoá trên không có hoá đơn, chứng từ, giấy tờ hợp pháp kèm theo, được mua trôi nổi trên thị trường. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hoá trên lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Qua kiểm tra phát hiện tại địa điểm kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, Cục QLTT phát hiện một cơ sở không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp phải đăng ký và đang kinh doanh 300 chiếc xe đạp thể thao người lớn hiệu MINGU. Toàn bộ số hàng hóa vi phạm trên trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hoá; không có thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá; số xe đạp trên có tổng trị giá 300.000.000 đồng.
Trên đây chỉ là một số vụ việc gần đây mà cơ quan chức năng đã tiến hành ra quân, kiểm tra, xử lý. Tình trạng trên đặt ra vấn đề đáng báo động về tình trạng hàng giả, hàng nhái với chất lượng không đảm bảo, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng là "cơn ác mộng" của hàng triệu người tiêu dùng. Mặc dù cơ quan chức năng và doanh nghiệp đã tìm nhiều cách để ngăn chặn hàng kém chất lượng nhưng vẫn xuất hiện ở mọi góc ngách, từ ngõ chợ đến siêu thị và len lỏi vào cuộc sống của người dân.Truy xuất nguồn gốc sản phẩm mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp
Theo xu thế phát triển của thị trường, bên cạnh những đòi hỏi ngày càng cao nơi doanh nghiệp về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng đã dần ý thức được việc tự bảo vệ lợi ích và sức khỏe của bản thân. Đó cũng là lúc việc truy xuất nguồn gốc, nhất là những mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe như thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng... trở thành tiêu chuẩn bắt buộc.
Người tiêu dùng thông qua truy xuất nguồn gốc có thể trực tiếp xác định được một đơn vị sản phẩm, từ đó xác định thuộc về lô/mẻ sản phẩm nào (What) đang diễn ra ở đâu (Where), tại thời điểm nào (When), ai đang thực hiện (Who) và lý do sự kiện đó diễn ra (Why). Sự kiện này sẽ gắn với trách nhiệm của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng, nền tảng tiêu chuẩn chất lượng áp dụng và quan trọng nhất là đáp ứng quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng nhu cầu, quyền lợi của người tiêu dùng.
Về phía doanh nghiệp, truy xuất nguồn gốc giúp kiểm soát rủi ro phát sinh khi theo dõi, xác minh toàn bộ đường đi của hàng hóa. Đây không chỉ là bước để các doanh nghiệp tạo sự tin tưởng nơi khách hàng mà còn là “bức tường” bảo vệ uy tín của sản phẩm và doanh nghiệp, qua đó giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Đối với cơ quan quản lý nhà nước thì đây chính là công cụ hữu ích phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thị trường hàng hóa.
Bên cạnh đó, truy xuất nguồn gốc hàng hóa cũng góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại. Đối với xuất khẩu hàng hóa, nếu không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc thì sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh. Khi áp dụng truy xuất nguồn gốc vào hàng hóa xuất khẩu, tức là đã tiến thêm một bước trong việc hội nhập sâu vào chuỗi giá trị chung. Còn đối với hàng hóa nhập khẩu, thông qua việc truy xuất có thể kiểm soát chất lượng của các mặt hàng nhập khẩu tốt hơn, tạo được niềm tin cho người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng giữa hàng nhập khẩu và hàng sản xuất trong nước.
Xét theo TCVN 12850:2019 “Truy xuất nguồn gốc - Yêu cầu chung đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc”, hệ thống truy xuất nguồn gốc phải bảo đảm các nguyên tắc sau:
Nguyên tắc “một bước trước - một bước sau”: Để bảo đảm khả năng giám sát, nhận diện được công đoạn sản xuất, kinh doanh trước và công đoạn sản xuất, kinh doanh tiếp theo trong quá trình sản xuất, kinh doanh đối với một sản phẩm.
Nguyên tắc “sẵn có của phần tử dữ liệu chính”: Các phần tử dữ liệu chính phải được thu thập, lưu trữ và cập nhật kịp thời trong báo cáo thông tin chi tiết về các sự kiện quan trọng trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng.
Nguyên tắc “minh bạch”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải đạt yêu cầu về tính minh bạch tối thiểu bằng cách sử dụng dữ liệu tĩnh về khách hàng, bên cung ứng, sản phẩm và các điều kiện sản xuất.
Nguyên tắc “có sự tham gia đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc”: Hệ thống truy xuất nguồn gốc phải có sự tham gia của đầy đủ các bên truy xuất nguồn gốc của tổ chức.
Tháng 1/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Ðề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc (Ðề án 100). Một trong 5 nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra là thiết lập, xây dựng, vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia (Cổng thông tin).
Với mỗi doanh nghiệp, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt kinh tế, chính trị mà nó còn là cách các doanh nghiệp đang chung tay góp sức bảo vệ lợi ích cộng đồng, đẩy lùi hàng giả hàng nhái ra khỏi thị trường Việt Nam. Đây cũng chính là thông điệp quan trọng vô cùng có ý nghĩa đối với toàn xã hội.
Thiên Anh