Nhật Bản - đối tác kinh tế chủ chốt của Việt Nam

Mối quan hệ khăng khít về thương mại và đầu tư đã góp phần củng cố quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Việt Nam và Nhật Bản.

Đối với người Việt Nam, các mặt hàng từ Nhật Bản như hàng điện tử, phương tiện giao thông các loại, mỹ phẩm, đồ gia dụng… đã là một phần quen thuộc của cuộc sống hàng ngày.

Trong khi đó, các loại hàng hóa Việt Nam, từ hàng dệt may tới thủy sản, nông sản cũng đang được người tiêu dùng Nhật Bản đón nhận tích cực. Điều này cho thấy vai trò và tiềm năng to lớn của hoạt động thương mại giữa hai nước.

Các con số cũng là minh chứng cho sự gắn bó mật thiết về kinh tế giữa Nhật Bản và Việt Nam. “Vương quốc Mặt Trời mọc” là nhà tài trợ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất, nhà đầu tư lớn thứ ba, đối tác du lịch lớn thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, theo Báo điện tử Chính phủ.

Câu chuyện quả vải Việt Nam

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 42,7 tỷ USD, đạt mức tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 20,1 tỷ USD, trong khi kim ngạch nhập khẩu đạt 22,6 tỷ USD, lần lượt tăng 4,4% và 11,3% so với năm trước đó.

Trong lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, nhóm hàng chế biến, chế tạo có tỷ trọng lớn nhất khi đạt giá trị 15,6 tỷ USD (tương đương với gần 78% tổng kim ngạch xuất khẩu).

Dù giảm 8,3% so với năm 2020, hàng dệt may vẫn nắm vị trí dẫn đầu trong số các sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với giá trị đạt 3,2 tỷ USD. Theo sau đó là một số mặt hàng chế biến - chế tạo như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (2,6 tỷ USD), phương tiện vận tải và phụ tùng (2,5 tỷ USD), gỗ và sản phẩm gỗ (1,4 tỷ USD)…

Quả vải Việt Nam trên kệ hàng siêu thị Nhật Bản. Ảnh: Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản.Quả vải Việt Nam trên kệ hàng siêu thị Nhật Bản

Thủy sản là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng khác của Việt Nam sang Nhật Bản. Mặt hàng này đạt giá trị 1,33 tỷ USD trong năm 2021, chiếm hơn 70% tổng giá trị xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tới đất nước Mặt Trời mọc.

Ngoài ra, một số mặt hàng nông sản khác của Việt Nam dù mới được xuất khẩu sang Nhật Bản nhưng đã được người tiêu dùng đón nhận và yêu thích như thanh long, xoài, vải.

Ví dụ tiêu biểu về việc nông sản Việt Nam tìm được chỗ đứng trên thị trường Nhật Bản là quả vải thiều. Từ tháng 12/2019, giới chức Nhật Bản đã chấp nhận nhập khẩu vải tươi từ Việt Nam, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp.

Đây là thành quả nỗ lực 5 năm của giới chức nông nghiệp hai nước để đảm bảo trái vải Việt Nam đáp ứng đủ tiêu chuẩn của thị trường “khó tính” như Nhật Bản.

Ngay trong mùa vải năm 2020, chuỗi siêu thị AEON đã đưa trái vải đến với người tiêu dùng Nhật Bản qua hệ thống bán lẻ của mình. Tới năm 2021, bất chấp đại dịch Covid-19, trái vải Việt Nam vẫn có thể “tìm đường” tới Nhật Bản nhờ sự phối hợp của các bộ ngành.

Cũng trong năm 2021, vải thiều Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang chính thức được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản. Đây được coi là tấm “giấy thông hành”, giúp con đường tới Nhật Bản của sản phẩm Việt Nam thêm rộng mở.

Nhà đầu tư hàng đầu

Ởchiều ngược lại, nhóm hàng được Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất từ Nhật Bản là hàng chế biến, chế tạo, trong đó các mặt hàng chủ chốt là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (6,2 tỷ USD), máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (4,4 tỷ USD), phế liệu sắt thép (1,1 tỷ USD)… Việt Nam cũng nhập 1,73 tỷ USD sắt thép các loại từ Nhật Bản trong năm 2021.

Trong ba tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản đã đạt 11,2 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này cho thấy mối quan hệ thương mại giữa hai nước vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới.

Quan hệ đầu tư giữa hai nước cũng đang phát triển mạnh mẽ. Tính đến ngày 20/3, Nhật Bản có 4.828 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 64,4 tỷ USD.

Trong khi đó, xét riêng năm 2021, số vốn đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam đạt 3,9 tỷ USD, chiếm 12,5% tổng vốn đầu tư và tăng 64,6% so với năm 2020. Con số này chỉ đứng sau Singapore và Hàn Quốc.

Theo khảo sát của Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tháng 1/2022, có đến 55,3% doanh nghiệp được hỏi mong muốn mở rộng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp có xu hướng thu hẹp hoạt động và rút khỏi Việt Nam chỉ lần lượt là 1,9% và 0,3%.

Nhật Bản luôn là nhà tài trợ ODA lớn nhất của Việt Nam kể từ khi viện trợ ODA được nối lại năm 1992. Tính đến hết năm 2019, số vốn mà Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam đạt 2.578 tỷ yên - tương đương khoảng 23,76 tỷ USD - chiếm gần một phần tư tổng số ODA mà quốc tế dành cho Việt Nam.

Nguồn vốn này đã giúp Việt Nam xây dựng nhiều công trình quan trọng với đất nước như nhà máy nhiệt điện Phú Mỹ, Phả Lại, cầu Nhật Tân, hầm đường bộ Hải Vân…

 Việt Hà (Zingnews.vn)

Bài liên quan

Cùng chuyên mục