Ông Chris Milliken, Phó Chủ tịch Britcham thông tin: "Tại các siêu thị ở Anh có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam, như: Tiêu, điều, cà phê, thủy sản... Riêng mặt hàng hạt điều Việt Nam chiếm tới 90% lượng điều tại Anh".
Đây là thông tin được ông Chris Milliken, Phó Chủ tịch Phòng thương mại Anh tại Việt Nam (Britcham) đưa ra tại Hội thảo "Khai thác các tiềm năng thị trường Vương quốc Anh, tận dụng lợi thế của UKVFTA", do Vụ Thị trường Châu Âu-châu Mỹ, do Bộ Công Thương tổ chức ngày 23/06.
Cùng với việc Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Anh (UKVFTA) có hiệu lực, kim ngạch thương mại hai nước năm 2021 ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Cụ thể, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Anh năm 2021 đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, tăng 16,4%, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD, tăng 23,6%.
Trong 05 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Anh đạt 2,68 tỷ USD, tương đương mức kim ngạch cùng kỳ của 2021.
Đánh giá về tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Anh, bà Nguyễn Khánh Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Châu Âu-Châu Mỹ cho biết: Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng đang có tiềm năng xuất khẩu lớn sang thị trường Anh.
Với việc chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi siêu thị của Anh.
Đặc biệt, nhờ được giảm thuế nhập khẩu vào Anh về 0% sau ngày 01/01/2021 nên nhiều hàng hóa của Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn nhiều so với sản phẩm cùng loại của các nước xuất khẩu khác sang Anh.
Thông tin thêm về tiềm năng của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh, ông Chris Milliken, Phó Chủ tịch Britcham cho hay, Anh nằm trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy hải sản của Việt Nam, top 3 thị trường xuất khẩu gỗ.
"Tại các siêu thị ở Anh có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam, như: Tiêu, điều, cà phê, thủy sản... Riêng mặt hàng hạt điều Việt Nam chiếm tới 90% lượng điều tại Anh", ông Chris Milliken cho biết.
Mặc dù việc chuyển dịch chuỗi cung ứng khiến Việt Nam có tiềm năng trở thành đối tác cung ứng các sản phẩm thực phẩm, nông sản lớn vào các chuỗi siêu thị của Anh, nhưng theo bà Nguyễn Khánh Ngọc, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn còn vướng trong các khâu tìm kiếm đối tác, nắm bắt được các nhu cầu, tiêu chuẩn chất lượng và thủ tục xuất khẩu cần có sang thị trường Anh. Đặc biệt, doanh nghiệp Việt vẫn có nguy cơ gặp các rủi ro về về hợp đồng, thanh toán.
Để gia tăng thị phần hàng hóa Việt Nam tại thị trường Anh, bà Khánh Ngọc cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng Anh, nắm rõ thủ tục xuất khẩu vào Anh. Cùng với đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm bằng cách đầu tư vào công nghệ bảo quản và vận chuyển, nhất là mặt hàng nông sản; cần chú ý đăng ký và bảo hộ thương hiệu tại Anh.
Các doanh nghiệp cũng cần tích cực xây dựng và phát triển mạng lưới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Anh để kết nối giới thiệu đối tác cho doanh nghiệp Việt Nam; chủ động tiếp cận với các tập đoàn phân phối lớn của Anh để trở thành đơn vị cung cấp hàng hóa vào các chuỗi phân phối này.
Để hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh, bà Bùi Thị Thanh An, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương khẳng định: Bộ Công Thương luôn đồng hành với doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình xuất khẩu hàng hóa.
Hiện nay, Chính phủ đã có các chương trình thương hiệu quốc gia, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá thương hiệu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống. Cục cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong các khâu tìm kiếm, kết nối với đối tác, cũng như những lưu ý để có thể tiến tới xuất đơn hàng thành công sang thị trường Anh nói riêng và thị trường quốc tế nói chung.
PVT (t/h)
Theo Thuonghieucongluan.com.vn