Ngày 17/01/2024, Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì hội nghị.
Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nổi lên trong năm 2023 là các hoạt động: Mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua các tỉnh, thành phố biên giới vào các tỉnh, thành phố nội địa và từ nước ngoài qua đường hàng không vào Việt Nam; mua bán, vận chuyển trái phép pháo nổ qua biên giới các tỉnh Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ; mua bán, vận chuyển trái phép thuốc lá, đường cát Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang…; mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, sản phẩm động vật hoang dã tại các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh…; mua bán, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ qua biên giới tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, An Giang…; khai thác, mua bán, buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản tại các tỉnh, thành phố Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiền Giang, An Giang…; mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên các vùng biển Nam Trung Bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, kinh doanh xăng, dầu không bảo đảm chất lượng tại các tỉnh, thành phố; lợi dụng hoạt động vận chuyển hàng hóa gửi kho ngoại quan, vận chuyển hàng hóa quá cảnh qua các tỉnh, thành phố đi nước ngoài để rút ruột, thẩm lậu vào nội địa; lợi dụng môi trường thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm, hàng hóa xuất xứ nước ngoài nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ… tại khu vực trung tâm và địa bàn thành thị các tỉnh, thành phố; mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng tại các tỉnh, thành phố Hải Phòng, Lạng Sơn, Hải Dương, Hà Nội, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Phước, Thành phố Hồ Chí Minh...
Nổi lên một số phương thức, thủ đoạn mới về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là: Đối tượng lợi dụng tạm nhập tái xuất, hàng hóa nhập xuất kho ngoại quan, hàng quá cảnh, nhập khẩu nguyên liệu gia công, xuất khẩu… để đánh tráo, rút ruột, thẩm lậu hàng vào nội địa. Đối tượng thành lập nhiều doanh nghiệp, lợi dụng mua bán trái phép, xuất khống hóa đơn nhằm chuyển tiền bất hợp pháp, chiếm đoạt tiền thuế giá trị gia tăng. Đối tượng lợi dụng sàn thương mại điện tử, trang mạng xã hội, ứng dụng bán hàng trực tuyến, dịch vụ bưu chính quốc tế, dịch vụ chuyển phát nhanh để buôn lậu, gian lân thương mại và hàng giả. Lợi dụng một số cơ sở sản xuất hàng hóa thông thường, đối tượng ngụy trang, cất giấu, tập kết số lượng lớn ma túy lên các phương tiện khai thác thủy sản trung chuyển ra nước ngoài tiêu thụ. Ngay từ đầu năm, đối tượng lợi dụng địa hình biên giới tập kết vận chuyển trái phép số lượng lớn pháo nổ, pháo hoa nổ về địa bàn nội địa; sản xuất trái phép pháo nổ, pháo hoa nổ giả nhãn hiệu nước ngoài và trong nước để đưa ra thị trường tiêu thụ. Đối tượng mua bán, sang mạn trái phép xăng, dầu trên phương tiện khai thác thủy sản vận chuyển về vùng biển Việt Nam bán lại cho phương tiện khai thác thủy sản. Lợi dụng địa hình, vùng sâu, vùng xa, đối tượng khai thác trái phép cát, đá, sỏi, đất sét, quặng, đất hiếm…; hợp thức hồ sơ, làm thủ tục hải quan để buôn lậu đất hiếm đã khai thác trái phép ra nước ngoài; mua thu gom số lượng lớn than, quặng, khoáng sản trôi nổi để hợp thức hồ sơ vận chuyển đi tiêu thụ; lợi dụng giấy phép khai thác khoáng sản để tổ chức khai thác cát, đá, sỏi, đất sét, đất hiếm... ngoài khai trường được phép.
Báo cáo tại hội nghị, Ban chỉ đạo 389 quốc gia cho biết, kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trong năm 2023, các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 146.678 vụ vi phạm (tăng 4,95% so với cùng kỳ). Trong đó, các ngành, lực lượng, đơn vị, địa phương phát hiện, bắt giữ 11.499 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu (giảm 3,73% so với cùng kỳ); 129.713 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (tăng 4,51% so với cùng kỳ); 5.464 vụ sản xuất, mua bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ (tăng 48% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước 14.865,347 tỷ đồng (tăng 17,30% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 616 vụ (giảm 4,05% so với cùng kỳ), 724 đối tượng (tăng 0,56% so với cùng kỳ).
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương đã tham luận, làm rõ hơn về tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động mới; kiến nghị các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại trên môi trường thương mại điện tử, không gian mạng; các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, động vật hoang dã, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá thế hệ mới, xăng, dầu, khoáng sản, phân bón, vật tư y tế, an toàn thực phẩm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, mua bán trái phép hóa đơn, giao dịch điện tử, lừa đảo trực tuyến, tin nhắn giả, tin nhắn rác, tội phạm lừa đảo qua mạng, tội phạm tín dụng đen, tội phạm ma túy, tội phạm đường phố, tội phạm liên quan nước ngoài; các giải pháp quản lý tài khoản giao dịch điện tử, phòng ngừa vi phạm liên quan đến hoạt động tín dụng đen; các giải pháp phối hợp, chia sẻ, kết nối dữ liệu thông tin phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia Trần Lưu Quang, đánh giá cao những kết quả các bộ, ngành, địa phương đã đạt được trong năm 2023. Dự báo trong năm 2024, tình hình chính trị - an ninh thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường; kinh tế - xã hội ở trong nước tiếp tục sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức.
Để công tác phòng, chống tội phạm, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2024 đạt kết quả cao, Phó Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, triển khai, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 138 Chính phủ và Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; rà soát, đánh giá lại hiệu quả các biện pháp, cách thức đang thực hiện; đề xuất các thể chế, chính sách, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thẩm quyền, công tác phối hợp ở trung ương và địa phương; ứng dụng công nghệ thông tin, có cơ chế thu thập thông tin hiệu quả, kết hợp công tác tuyên truyền với việc đẩy mạnh công tác phòng ngừa xã hội; chủ động trao đổi, chia sẻ thông tin, phối hợp lực lượng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm kỷ luật, pháp luật, bao che, tiếp tay, bảo kê cho tội phạm, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tuần tra, kiểm soát chống khai thác bất hợp pháp hải sản nhằm tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban Châu Âu đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Hải Minh