Tesla vừa công bố một đề xuất mới có thể thay đổi tiêu chuẩn ngành sản xuất ô tô

Theo một bài đăng trên blog của công ty, Tesla đã giới thiệu “Tiêu chuẩn Kết nối Điện áp Thấp” (LVCS) với mục tiêu giảm số lượng đầu nối điện trong các phương tiện xuống chỉ còn sáu loại.

Động thái này nhằm giải quyết vấn đề phức tạp ngày càng gia tăng của hệ thống điện tử trên xe hơi, khi những mẫu xe hiện đại thường đòi hỏi đến hơn 200 kết nối điện khác nhau.

Kết nối kiểu USB Type-C dành cho xe hơi

Việc đơn giản hóa các kết nối có thể giúp Tesla giảm chi phí, tối ưu hóa quá trình sản xuất và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng bền vững. “Sáu đầu nối thiết bị này được thiết kế để đáp ứng yêu cầu điện và tín hiệu cho hơn 90% ứng dụng thiết bị điện thông thường”, Tesla chia sẻ trong bài đăng.

Mô hình tiêu chuẩn LVCS mới này tương tự như USB Type-C, vốn đã trở thành chuẩn kết nối phổ biến trên nhiều thiết bị điện tử tiêu dùng, bao gồm cả sản phẩm của Apple kể từ khi ra mắt iPhone 15. Tương tự, nếu tiêu chuẩn này được áp dụng rộng rãi trong ngành ô tô, việc thay thế và sửa chữa linh kiện sẽ trở nên đơn giản và thuận tiện hơn.

Tại một nhà xưởng Tesla. Ảnh: TopSpeed
Tại một nhà xưởng Tesla. Ảnh: TopSpeed

Kiến trúc 48V - nền tảng của tương lai

Hệ thống LVCS của Tesla sử dụng kiến trúc điện áp 48V, lần đầu tiên được áp dụng trên mẫu xe Cybertruck, mang lại hiệu quả năng lượng cao hơn so với hệ thống điện áp 12V truyền thống.

Việc hoạt động ở điện áp 48V giúp hệ thống chỉ cần dùng một phần tư dòng điện so với mức điện áp thông thường nhưng vẫn đảm bảo công suất tương đương, từ đó giảm thiểu sự hao phí năng lượng. Thiết kế này hướng tới các hệ thống tự động thế hệ mới, bao gồm tính năng niêm phong dây đơn và cơ chế khóa phụ độc lập.

Tesla cho rằng hệ thống 48V này là “sự lựa chọn tối ưu lâu dài” cho các phương tiện tiết kiệm năng lượng, giúp giảm không gian vật lý và đơn giản hóa thiết kế cho xe.

Mong muốn ngành ô tô đồng hành cùng Tesla

Tesla từng thành công khi áp dụng Tiêu chuẩn Sạc Bắc Mỹ (NACS) cho mạng lưới trạm sạc Supercharger của mình, sau đó được nhiều hãng xe khác sử dụng. Đây chính là nền tảng để Tesla tiếp tục đưa ra đề xuất tiêu chuẩn LVCS.

Tuy nhiên, việc LVCS được chấp nhận rộng rãi trong toàn ngành có thể gặp không ít thách thức vì các hãng sản xuất ô tô thường có nhiều khác biệt trong hệ thống kết nối nội bộ hơn là với các cổng sạc bên ngoài.

Dù vậy, Tesla vẫn kêu gọi các nhà cung cấp thiết bị và các nhà sản xuất khác “tham gia cùng họ trong sáng kiến” nhằm đơn giản hóa tiêu chuẩn kết nối điện cho ngành ô tô.

Lợi ích tiềm năng của LVCS là rõ ràng: giảm chi phí sản xuất, đơn giản hóa quy trình sửa chữa và nâng cao khả năng tương thích với công nghệ trong tương lai.

Việc đề xuất này có được các hãng xe khác chấp nhận hay không vẫn còn là câu hỏi mở, nhưng nếu lấy thành công của NACS làm thước đo, LVCS có thể là bước tiến tiếp theo hướng tới một tiêu chuẩn sản xuất ô tô thống nhất.

PV

Cùng chuyên mục