• Xã hội

Tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long

10:19 16/10/2024

Sáng 16/10, tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Các Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc đồng chủ trì Hội nghị; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phát biểu ý kiến khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này để kiểm điểm, đánh giá lại sau 3 tháng kể từ hội nghị trước, công việc đã chuyển biến được những gì, chưa chuyển biến những gì, vì sao? Để thấy sự quan tâm của Chính phủ đối với việc phát triển hạ tầng chiến lược cả nước nói chung, đặc biệt là vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã 5 lần trực tiếp đi kiểm tra, thị sát tình hình ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng bày tỏ, Hội nghị này, cần đánh giá, thảo luận những gì làm tốt để tổng kết thành bài học hay, kinh nghiệm quý, từ đó triển khai tiếp; chỉ rõ những vấn đề vướng mắc cần tháo gỡ như về nguyên vật liệu, thủ tục, vốn, giải phóng mặt bằng, triển khai trên thực địa của các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát; có vướng mắc là phải giải quyết ngay, làm rốt ráo, làm dứt điểm. Tinh thần là quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó; khó khăn, vướng mắc ở đâu tháo gỡ ở đó, không để tình trạng trì trệ kéo dài. Chúng ta phải thực hiện với tinh thần đã nói là làm, “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, tiến độ, rõ sản phẩm, rõ trách nhiệm”.

Tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng nêu rõ, đối với Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều lợi thế nhưng vẫn còn có hạn chế như khó khăn về hạ tầng chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông, dẫn đến vận chuyển hàng hóa khó khăn, làm tăng chi phí logistics, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, không tạo được không gian phát triển mới, không tái cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Với tinh thần đó, chúng ta phải tích cực đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong thi công các công trình trọng điểm; thúc đẩy phân cấp, phân quyền theo tinh thần Hội nghị Trung ương 10 là “địa phương làm, địa phương quyết, địa phương chịu trách nhiệm”; do đó các tỉnh, thành phố cũng cần ủng hộ tinh thần này, các bộ không thể làm hết được; cần kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin-cho”; tích cực dùng 1 luật sửa nhiều luật. Các bộ, ngành chỉ tập trung vào công tác quản lý nhà nước, là xây dựng kế hoạch, chương trình, luật pháp, cơ chế, chính sách, quy hoạch; xây dựng các công cụ kiểm tra, giám sát đầu ra… Chính phủ rất sốt ruột vì các dự án hạ tầng giao thông chậm triển khai.

Thủ tướng nêu rõ, sau khi nghe báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, rồi hội nghị này sẽ tiếp tục bàn tiếp về phát triển các sân bay, bến cảng, nguồn nhân lực cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về dự án cảng Cái Cui, nạo vét kênh Chánh Bố, mở rộng sân bay Cà Mau… chậm triển khai, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phải ngồi lại với nhau rà soát, chỉ rõ nguyên nhân chậm vì sao, do đâu? Từ đó phải rà soát từng việc, có giải pháp thúc đẩy, triển khai nhanh các thủ tục đầu tư. Chúng ta không thể để chậm chỉ vì lý do thủ tục, trong khi nhân dân ngày đêm mong chờ, yêu cầu phát triển phải có sân bay.

Với tinh thần đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan, tỉnh Cà Mau phải nỗ lực hoàn thành dự án sân bay Cà Mau, máy bay cất hạ cánh được vào dịp 30/4/2025, không chần chừ nữa; Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo vấn đề vướng nguyên vật liệu đất, đá, cát; Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo về nguồn vốn; các địa phương báo cáo về công tác giải phóng mặt bằng, cân đối nguồn nguyên liệu san lấp; các địa phương có nguồn vật liệu cát san lấp báo cáo rõ tình hình cung ứng cho các dự án, cả vấn đề cát biển; vấn đề nguồn vật liệu đá, các địa phương chưa thực hiện được thì phải báo cáo rõ, tất cả phải đi vào các vấn đề cụ thể, không lan man. Thời gian từ nay đến Đại hội lần thứ XIV của Đảng không còn nhiều, nếu chúng ta không tích cực phát triển hạ tầng giao thông thì không có tiền đề cho nhiệm kỳ sau vươn mình phát triển.

Tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy nhanh các dự án hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 2
Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: Thanh Giang)

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đóng góp ý kiến đi thẳng vào nội dung, chỉ rõ vướng mắc, có địa chỉ tháo gỡ, cái gì làm tốt thì phát huy, rút kinh nghiệm mở rộng ra; yêu cầu khen thưởng các cá nhân, tập thể làm tốt; các cá nhân, tập thể nào tham ô, tham nhũng thì phải xử lý nghiêm minh.

* Theo Bộ Giao thông vận tải, hiện nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải với tổng vốn đầu tư khoảng 106 nghìn tỷ đồng, trong đó, 8/9 dự án đang tổ chức thi công. Dự án cao tốc Mỹ An-Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ Giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025.

Trong tổng số 8 dự án đang triển khai, 6 Dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km thuộc kế hoạch thi đua hoàn thành 3.000km: 2 Dự án thành phần (DATP) đoạn Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau thuộc Dự án Đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ; Dự án Lộ Tẻ-Rạch Sỏi; (iv) DATP1 Cao Lãnh-An Hữu có kế hoạch hoàn thành vào 2027 nhưng được tỉnh Đồng Tháp đăng ký rút ngắn tiến độ; 2 Dự án cầu, đường bộ: Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao-Vĩnh Thuận (đường Hồ Chí Minh) theo Nghị quyết số 63/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội để nối thông đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Đất mũi Cà Mau và Dự án cầu Rạch Miễu 2.

Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; DATP2 Cao Lãnh-An Hữu (tỉnh Tiền Giang) và Dự án cầu Đại Ngãi (Ban Quản lý dự án 85) hoàn thành năm 2027.

Tình hình thực hiện các dự án như sau: công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cao tốc đang triển khai đạt trên 99%, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, riêng Dự án đường Hồ Chí Minh chưa đáp ứng yêu cầu thi công (đoạn qua tỉnh Kiên Giang đạt 56%, qua tỉnh Bạc Liêu đạt 82%); Dự án Cao Lãnh-Lộ Tẻ còn vướng mặt bằng tại nút giao Lộ Tẻ (qua thành phố Cần Thơ). Mặc dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực nhưng công tác giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 9/2024.

Để đảm bảo hoàn thành các dự án theo Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết, tập trung chỉ đạo các nhà thầu huy động tối đa các nguồn lực tài chính, nhân lực, thiết bị và quyết liệt tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, “vượt nắng, thắng mưa” theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, các nhà thầu đã huy động tổng số 450 mũi thi công, 6.500 nhân lực, 2.200 thiết bị phù hợp với điều kiện thi công tại khu vực ĐBSCL (riêng Dự án Cần Thơ-Cà Mau đã huy động 183 mũi thi công, 971 thiết bị, 3.000 nhân lực).

Tuy nhiên, hầu hết các Dự án/DATP đều chậm tiến độ so với kế hoạch từ 4% đến 15% (chỉ có DATP1 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Dự án cầu Rạch Miễu 2, Dự án cầu Đại Ngãi đáp ứng tiến độ); nguyên nhân chủ yếu do nguồn vật liệu cát đắp cho các dự án chưa đáp ứng yêu cầu. Việc này gây lãng phí lớn về thời gian, nguồn lực của các nhà thầu, ảnh hưởng hiệu quả thi công và tiến độ hoàn thành các dự án. Đặc biệt, đối với Dự án Cần Thơ-Cà Mau và đường Hồ Chí Minh cần hoàn thành công tác gia tải chậm nhất vào 31/12/2024 mới có thể hoàn thành Dự án vào 31/12/2025. Tuy nhiên, hiện nay, tại Dự án Cần Thơ-Cà Mau, công suất khai thác, cung ứng cát đắp hàng ngày mới chỉ đạt 54.000m3/76.000m3; tại dự án Đường Hồ Chí Minh hiện mới chỉ thi công các công trình cầu, đào bóc hữu cơ do chưa hoàn thành thủ tục cấp mỏ. Vì vậy, nếu không kịp thời bổ sung nguồn vật liệu cho các dự án để đạt công suất theo nhu cầu trong tháng 10/2024 sẽ rất khó đáp ứng tiến độ…

Theo Báo Nhân Dân

Tags:
Tags:
  • Cùng chuyên mục

Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Đà Nẵng có gì mới lạ?

Nhiều hoạt động hấp dẫn đang chờ đón người dân và du khách đến thành phố biển Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.

Xã hội - 05:59 21/04/2025

Thời tiết ngày 15/4: Miền Bắc nắng nóng, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, trưa chiều trời nắng. Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và tối có mưa rào và dông, khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.

Xã hội - 06:48 15/04/2025

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã trở thành một trụ cột quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quan hệ song phương.

Xã hội - 06:15 15/04/2025

50 năm thống nhất đất nước: Ngày 14/4/1975, Chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh

Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của toàn quân, toàn dân, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chính thức đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Xã hội - 06:14 14/04/2025

Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới

Hội nhập quốc tế đã trở thành một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển quốc gia kể từ công cuộc Đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đòi hỏi tư duy về hội nhập cũng phải được cập nhật và nâng tầm trong kỷ nguyên mới. Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm là một chỉ đạo quan trọng, thể hiện cách tiếp cận mới của Đảng về hội nhập trong điều kiện đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

Xã hội - 07:20 12/04/2025

Toàn văn phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII

Tạp chí Thương hiệu và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Xã hội - 11:14 10/04/2025

Đề xuất quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH

Bộ Nội vụ đề xuất quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.

Xã hội - 09:14 10/04/2025

Tàu Thống nhất thiết kế đặc biệt sẽ lăn bánh chào mừng ngày 30/4

Đường sắt tổ chức chạy đôi tàu thiết kế riêng mang tên "Đoàn tàu Thống nhất" dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4.

Xã hội - 14:16 09/04/2025

Bắc Giang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội

Tỉnh Bắc Giang đang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân và đối tượng thu nhập thấp theo Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Xã hội - 10:33 09/04/2025

Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội thành công tốt đẹp: Xung lực mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Armenia - Uzbekistan

Chuyến thăm chính thức Armenia, Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã kết thúc thành công, thổi một “luồng gió mới” cho quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp sẵn có giữa Việt Nam với hai nước, đồng thời mở ra một thời kỳ hợp tác toàn diện, hiệu quả hơn.

Xã hội - 09:52 09/04/2025