Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 17/3/2025 về đẩy mạnh phòng, chống lãng phí, khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phòng, chống lãng phí, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao, kịp thời của Chính phủ, công tác phòng, chống lãng phí đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần đạt và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội qua các nhiệm kỳ, kể cả trong bối cảnh có những thách thức chưa từng có tiền lệ như dịch bệnh, thiên tai; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại, an sinh xã hội.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy công tác phòng, chống lãng phí trên nhiều lĩnh vực vẫn còn tồn tại, hạn chế, điển hình là cơ chế phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công còn bất cập, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực của nhà nước; việc quản lý, sử dụng tài sản công còn nhiều hạn chế; cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa đồng bộ, chưa được khắc phục kịp thời; thị trường lao động phát triển chậm, chính sách lao động, tiền lương, an sinh xã hội chưa hoàn thiện, còn nhiều bất cập trong thực thi; thu hút và trọng dụng nhân tài chưa hiệu quả, thiếu hụt nhân lực chất lượng cao…
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế nêu trên, thực hiện nghiêm các chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống lãng phí, góp phần khơi thông nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (sau đây gọi chung là bộ, cơ quan trung ương), Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là địa phương) tập trung thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp sau đây:
Thống nhất nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xác định phòng, chống lãng phí là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự tham gia, đóng góp một cách có trách nhiệm của tất cả các bộ, ngành, địa phương.
Công tác phòng, chống lãng phí phải được thể hiện rõ nét qua những cam kết, kế hoạch, có tiến độ, có chỉ tiêu cụ thể, tập trung giải quyết triệt để các nguyên nhân dẫn đến lãng phí và phải được tiến hành thường xuyên. Kế hoạch thực hiện phải đảm bảo 5 rõ (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm, rõ kết quả).
Gắn kết các kết quả từ công tác phòng, chống lãng phí với việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% trở lên năm 2025 và tăng trưởng kinh tế hai con số trong giai đoạn 2026 - 2030; xác định kết quả thu được từ công tác phòng, chống lãng phí là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy các động lực tăng trưởng để thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bên cạnh các động lực tăng trưởng truyền thống khác.
Tập trung thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác phòng, chống lãng phí. Tích cực thông tin, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt; bám sát thực tiễn, tăng cường cung cấp thông tin góp phần ổn định dư luận xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển.
Tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí
Thủ tướng giao Bộ Tài chính xây dựng dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XV (tháng 10 năm 2025) để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí nhưng không làm mất đi động lực phấn đấu của bộ phận cán bộ dám đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, không vụ lợi.
Đồng thời, khẩn trương tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành để hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 3 năm 2025.
Bộ Tư pháp khẩn trương hoàn thiện các Nghị định quy định chi tiết Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 theo hình thức rút gọn trình Chính phủ trước ngày 31 tháng 3 năm 2025 đảm bảo có hiệu lực thi hành cùng với Luật (ngày 01 tháng 4 năm 2025) để khơi thông những "điểm nghẽn" trong công tác xây dựng pháp luật.
Thủ tướng giao các bộ, cơ quan trung ương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn các Luật, Nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9 và Pháp lệnh Chi phí tố tụng năm 2024.
Bên cạnh đó, rà soát để sửa đổi, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước; tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí như: quản lý ngân sách nhà nước, tài sản công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp; xây dựng; đất đai, tài nguyên (bao gồm cả tài nguyên tái tạo), khoáng sản, năng lượng; tín dụng, ngân hàng; tổ chức bộ máy, quản lý nguồn nhân lực…
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để giảm thiểu lãng phí. Rà soát, sửa đổi kịp thời các quy định không còn phù hợp, tạo hành lang cho các mô hình kinh tế mới như kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo...
Rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả
Thủ tướng giao các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương khẩn trương cập nhật, bổ sung đầy đủ các nội dung, thông tin báo cáo theo yêu cầu tại Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 06 tháng 11 năm 2024, Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát theo công văn số 2172/BKHĐT-PTHTĐT ngày 26 tháng 02 năm 2025, gửi Bộ Tài chính tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25 tháng 3 năm 2025.
Bộ Tài chính phối hợp với Văn phòng Chính phủ giám sát chặt chẽ, tổng hợp báo cáo định kỳ, kịp thời đề xuất biện pháp xử lý đối với các đơn vị, cá nhân chậm trễ, không nghiêm túc thực hiện. Đối với các dự án còn tồn đọng, dừng thi công kéo dài đã được các bộ, địa phương báo cáo, khẩn trương tổng hợp, phân định làm rõ các nhóm nguyên nhân, phương án xử lý và cấp có thẩm quyền xử lý để giải quyết dứt điểm, sớm đưa vào khai thác, sử dụng các dự án phát huy hiệu quả đầu tư, không để tiếp tục lãng phí nguồn lực của Nhà nước và Nhân dân.
Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ hoàn thành kết luận thanh tra đối với dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức tại tỉnh Hà Nam trước ngày 31 tháng 3 năm 2025. Đồng thời, chỉ đạo, tổ chức thực hiện thanh tra chuyên đề trong một số lĩnh vực quản lý, sử dụng nguồn lực của nền kinh tế trong đó, tập trung vào một số lĩnh vực có khả năng gây thất thoát, lãng phí lớn để xử lý sai phạm, đồng thời cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với các bộ, ngành địa phương khác trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính, tài sản công.
Ảnh minh họa
Rà soát, sửa đổi các thủ tục hành chính rườm rà, gây ách tắc, lãng phí nguồn lực; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ cải cách triệt để, giảm tối đa thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ của người dân, doanh nghiệp.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, gắn liền với tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc trong giải quyết thủ tục hành chính để giảm tầng nấc trung gian, chấm dứt tình trạng kéo dài thời gian giải quyết qua nhiều cơ quan, đơn vị. Thực hiện nghiêm việc công bố, công khai, minh bạch, đầy đủ thủ tục hành chính, số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.
Đẩy nhanh triển khai các nhóm dịch vụ công trực tuyến liên thông, ưu tiên rà soát tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; thực hiện nghiêm việc công bố, công khai kịp thời, đầy đủ, chính xác các thủ tục hành chính theo quy định; 100% hồ sơ thủ tục hành chính phải được tiếp nhận, giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh và đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đẩy mạnh triển khai Đề án 06 ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương.
Thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành
Chỉ thị nêu rõ: Thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, giúp minh bạch hóa thông tin, giảm thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời là công cụ hữu hiệu trong phòng, chống lãng phí ở tất cả các cấp, các ngành.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác quản lý, giám sát; đồng thời, đồng bộ hóa hạ tầng số, liên thông hệ thống dữ liệu giữa các cơ quan để tránh tình trạng mỗi đơn vị vận hành một hệ thống riêng lẻ, dẫn đến phân mảnh dữ liệu, gây khó khăn trong quản lý và khai thác thông tin.
Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương trong công tác phòng, chống lãng phí
Thủ tướng yêu cầu phải tăng cường cơ chế phối hợp, chia sẻ dữ liệu, xây dựng quy trình xử lý liên thông giữa các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo các vụ việc lãng phí, tiêu cực được phát hiện, xử lý kịp thời. Đồng thời, cần có cơ chế giám sát chặt chẽ giữa các cấp chính quyền để tránh tình trạng lợi ích nhóm, bao che sai phạm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.
Các cơ quan thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra phải phối hợp chặt chẽ, chủ động vào cuộc ngay khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, không để kéo dài, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận.
Thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền theo quy định.
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chỉ đạo trực tiếp việc thực hiện Chỉ thị này.
Văn phòng Chính phủ thực hiện theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Theo chinhphu.vn
- Cùng chuyên mục
Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, Đà Nẵng có gì mới lạ?
Nhiều hoạt động hấp dẫn đang chờ đón người dân và du khách đến thành phố biển Đà Nẵng trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Xã hội - 05:59 21/04/2025
Thời tiết ngày 15/4: Miền Bắc nắng nóng, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Bắc Bộ sáng sớm có sương mù, trưa chiều trời nắng. Tây Nguyên và Nam Bộ chiều tối và tối có mưa rào và dông, khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Xã hội - 06:48 15/04/2025
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc đã trở thành một trụ cột quan trọng, góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của quan hệ song phương.
Xã hội - 06:15 15/04/2025
50 năm thống nhất đất nước: Ngày 14/4/1975, Chiến dịch mang tên Hồ Chí Minh
Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của toàn quân, toàn dân, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chính thức đặt tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Xã hội - 06:14 14/04/2025
Từ bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm, nghĩ về tư duy hội nhập trong kỷ nguyên mới
Hội nhập quốc tế đã trở thành một bộ phận hữu cơ của chiến lược phát triển quốc gia kể từ công cuộc Đổi mới. Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều chuyển biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường, đòi hỏi tư duy về hội nhập cũng phải được cập nhật và nâng tầm trong kỷ nguyên mới. Bài viết "Vươn mình trong hội nhập quốc tế" của Tổng Bí thư Tô Lâm là một chỉ đạo quan trọng, thể hiện cách tiếp cận mới của Đảng về hội nhập trong điều kiện đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.
Xã hội - 07:20 12/04/2025
Toàn văn phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII
Tạp chí Thương hiệu và Công luận trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu khai mạc của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.
Xã hội - 11:14 10/04/2025
Đề xuất quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH
Bộ Nội vụ đề xuất quy định mới về giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội.
Xã hội - 09:14 10/04/2025
Tàu Thống nhất thiết kế đặc biệt sẽ lăn bánh chào mừng ngày 30/4
Đường sắt tổ chức chạy đôi tàu thiết kế riêng mang tên "Đoàn tàu Thống nhất" dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4.
Xã hội - 14:16 09/04/2025
Bắc Giang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội
Tỉnh Bắc Giang đang tập trung nguồn lực ưu tiên phát triển các dự án nhà ở xã hội (NƠXH) dành cho công nhân và đối tượng thu nhập thấp theo Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27/2/2025 của Thủ tướng Chính phủ.
Xã hội - 10:33 09/04/2025
Chuyến công tác của Chủ tịch Quốc hội thành công tốt đẹp: Xung lực mới cho quan hệ hợp tác Việt Nam - Armenia - Uzbekistan
Chuyến thăm chính thức Armenia, Uzbekistan của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã kết thúc thành công, thổi một “luồng gió mới” cho quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp sẵn có giữa Việt Nam với hai nước, đồng thời mở ra một thời kỳ hợp tác toàn diện, hiệu quả hơn.
Xã hội - 09:52 09/04/2025
- Tin mới
-
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm
-
MXV-Index tiếp tục biến động trong biên độ hẹp
-
Giá xăng dầu hôm nay 2/7: Tăng - giảm trái chiều
-
Giá heo hơi hôm nay 2/7: Giảm sâu tại miền Bắc và miền Trung
-
Giá vàng hôm nay 2/7: Điều chỉnh tăng
-
Giá cà phê hôm nay 2/7: Tăng nhẹ 200 đồng/kg
- Đọc nhiều
-
1
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các vi phạm
-
2
MXV-Index tiếp tục biến động trong biên độ hẹp
-
3
Giá xăng dầu hôm nay 2/7: Tăng - giảm trái chiều
-
4
Giá heo hơi hôm nay 2/7: Giảm sâu tại miền Bắc và miền Trung
-
5
Giá vàng hôm nay 2/7: Điều chỉnh tăng
-
6
Giá cà phê hôm nay 2/7: Tăng nhẹ 200 đồng/kg