Công dân Việt Nam có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử (căn cước công dân điện tử) thay căn cước công dân bản cứng để chứng minh nhân thân, thực hiện các thủ tục hành chính cũng như giao dịch dân sự từ 20/10.
Ngày 20/10, Bộ Công an cho biết, Nghị định số 59/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử có hiệu lực thi hành từ hôm nay, trong đó quy định thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử.
Công dân Việt Nam có thể sử dụng căn cước công dân điện tử.
Cụ thể, thông tin lịch sử về việc sử dụng tài khoản định danh điện tử được lưu trữ trong hệ thống định danh và xác thực điện tử với thời hạn 5 năm kể từ thời điểm sử dụng tài khoản. Thông tin về tài khoản định danh điện tử được lưu trữ vĩnh viễn trong hệ thống định danh và xác thực điện tử. Từ ngày 20/10, mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử.
Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân là số định danh; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính và thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay).
Danh tính điện tử người nước ngoài gồm: Số định danh của người nước ngoài; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, thông tin sinh trắc học.
Đối với tổ chức, danh tính điện tử gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm viết tắt và tên tiếng nước ngoài; ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; họ và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu tổ chức.
Căn cước công dân điện tử được chia làm 2 mức độ. Ở mức độ 1, công dân có thể sử dụng một số tính năng cơ bản của căn cước công dân điện tử như phòng chống dịch (khai báo y tế, thông tin tiêm chủng…) và giải quyết dịch vụ công trực tuyến như thông báo lưu trú, đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng…
Đối với tài khoản căn cước công dân điện tử ở mức độ 2, công dân có thể sử dụng tất cả các chức năng tiện ích mà ứng dụng VNeID cung cấp như đăng ký tích hợp hiển thị các loại giấy tờ (giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...); thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế, chuyển tiền…
Các địa phương, đơn vị chỉ đạo, phối hợp với cơ quan công an cấp huyện trên địa bàn tổ chức cấp căn cước công dân gắn chíp và xác thực định danh điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị, phấn đấu 100% cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động của đơn vị gương mẫu thực hiện.
UBND thành phố Hà Nội giao Công an thành phố chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND thành phố, Sở Nội vụ tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập, vướng mắc để tham mưu, đề xuất UBND thành phố các giải pháp bảo đảm hoàn thành chỉ tiêu cấp căn cước công dân gắn chíp và định danh điện tử.
Duy Khánh