Trước năm 2016, Việt Nam chưa có tên trên bản đồ các nhà sản xuất và xuất khẩu điện thoại di động của thế giới. Nhưng kể từ đó đến nay, tình hình đã hoàn toàn thay đổi.
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết cả năm 2021, Việt Nam sản xuất 233,7 triệu chiếc điện thoại di động, tăng 7,6% và trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580.800 tỷ đồng, tăng 29,5% so với năm 2020.
Như vậy nếu so với doanh số 1,25 tỷ chiếc điện thoại di động tiêu thụ trên toàn cầu năm 2020 thì sản lượng điện thoại sản xuất tại Việt Nam đang chiếm tới gần 20% nguồn cung cho cả thế giới.
Cùng đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của cả nước đạt 57,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2020 và chiếm trên 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong năm 2021.
Sản xuất và xuất khẩu điện thoại "Made in Vietnam" hầu như hoàn toàn thuộc về khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hiện nay, Việt Nam đã trở thành nơi sản xuất điện thoại lớn nhất của Samsung, chiếm tới 60% tổng lượng điện thoại bán ra của tập đoàn này trên toàn cầu.
Ảnh minh họa
Mảng điện thoại di động nói riêng và hàng điện, điện tử nói chung luôn nằm trong số những mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, xét về kim ngạch.
Đặc biệt ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 khốc liệt trong mấy năm qua cũng không ảnh hưởng đến điều này khi các nguồn cung về chip ít nhiều bị ảnh hưởng.
Giai đoạn 2016 - 2020, ngành điện tử và linh kiện Việt Nam đã phát triển rất mạnh mẽ với các dự án đầu tư nước ngoài, các tập đoàn lớn như Samsung, LG, Intel cũng đã đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất các sản phẩm điện tử công nghệ cao với quy mô lớn ở Việt Nam.
Có thể nói sau khi đã trở thành “cường quốc” sản xuất điện thoại di động, Việt Nam cũng song hành trở thành “cường quốc” về xuất khẩu điện thoại di động, từ số lượng thiết bị cho đến kim ngạch.
Năm 2016, trong top 6 quốc gia, vùng lãnh thổ sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới còn chưa có tên Việt Nam. Khi đó, xếp thứ nhất là Trung Quốc, và lần lượt xếp sau là Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Canada.
Tuy nhiên, bức tranh đó có nhiều thay đổi, đặc biệt là khi Việt Nam ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư FDI công nghiệp công nghệ cao đến mở nhà máy sản xuất, đã làm đảo lộn bảng xếp hạng trước đây. Việt Nam từ chỗ chưa có mặt trong top 6 thì nay đã có mặt trong top 5.
Quang Lộc