Theo Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, các hoạt động của Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Lào được đánh giá cao, là hình mẫu của hoà bình và phát triển bền vững, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển, đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoà bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững trên toàn cầu.
Tối ngày 11/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã về tới Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Lào, từ ngày 8 đến 11/10/2024, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Chủ tịch ASEAN 2024 Sonexay Siphandone.
Với lịch hoạt động dày đặc, liên tục trong 4 ngày, Thủ tướng Chính phủ và các thành viên trong Đoàn đã tham dự hơn 60 hoạt động song phương và đa phương, khẳng định và phát huy vai trò chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ của Việt Nam với các đối tác.
ASEAN tự lực, tự cường, đẩy mạnh kết nối, hướng tới tương lai
Với chủ đề "ASEAN: Thúc đẩy kết nối và tự cường", Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị Cấp cao liên quan đã thành công tốt đẹp, khép lại năm nước bạn Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2024, với gần 20 hoạt động, hơn 30 Lãnh đạo các nước ASEAN và các bên đối tác tham dự, khoảng 90 văn kiện được thông qua và ghi nhận, hơn 2.000 đại biểu tham dự các sự kiện và 1.000 phóng viên báo chí tham gia đưa tin. Đây là chuỗi hoạt động cấp cao quan trọng nhất của ASEAN trong năm.
Trong suốt quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị, các bộ, ngành của Việt Nam đã tích cực thúc đẩy nhiều ưu tiên hợp tác trong các kênh chuyên ngành, vừa phù hợp với chủ đề ASEAN năm 2024, vừa đáp ứng quan tâm chung của các nước và khu vực. Việt Nam phối hợp chặt chẽ với Lào - nước Chủ tịch ASEAN 2024 và các nước thành viên đóng góp chủ động, thiện chí và trách nhiệm vào việc xây dựng các văn kiện Hội nghị, nỗ lực duy trì sự đồng thuận chung đối với nhiều vấn đề lớn của khu vực và thế giới.
Tại các Hội nghị, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính không chỉ làm sâu sắc hơn nội hàm của ASEAN "kết nối" và "tự cường" trong bối cảnh hiện nay, mà còn gợi mở tư duy, cách tiếp cận và ý tưởng phát triển mới cho khu vực xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trong bối cảnh thế giới ngày càng biến động, ASEAN tiếp tục là điểm sáng kinh tế toàn cầu, là cầu nối của đối thoại, hợp tác, và là tâm điểm của các tiến trình hội nhập, liên kết ở khu vực. Các khuôn khổ về kinh tế số, kinh tế biển xanh, kinh tế tuần hoàn… đang từng bước định hình nội hàm hợp tác mới ở khu vực.
Cho rằng ASEAN đang chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới với tư duy mới, tầm nhìn mới, động lực mới và tâm thế mới, và với mong muốn đóng góp nhiều hơn nữa cho hợp tác khu vực, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị hơn lúc nào hết, ASEAN cần lấy tự cường làm nền tảng để vươn tầm, lấy kết nối làm trọng tâm để bứt phá, và lấy đổi mới sáng tạo làm động lực để tiên phong dẫn dắt. Tự cường và tự chủ chiến lược là nền tảng để ASEAN vững vàng trước mọi biến động; thúc đẩy kết nối bên trong kết hợp với kết nối bên ngoài, kết nối công - tư, kết nối đa lĩnh vực; đổi mới sáng tạo là sức bật và động lực chính cho ASEAN bắt kịp, tiến cùng và vượt lên với khu vực và thế giới.
Về phát huy "tự cường" ASEAN ở tất cả các cấp độ, Thủ tướng khẳng định đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, tự cường và tự chủ chiến lược là điều kiện tiên quyết để ASEAN vững vàng trong biến động. Trong triển khai quan hệ với các đối tác, ASEAN cần giữ vững vai trò trung tâm, duy trì độc lập, cân bằng chiến lược và ứng xử có nguyên tắc. Trong các vấn đề quốc tế và khu vực, ASEAN cần kiên định các lập trường nguyên tắc, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và phát huy tiếng nói chung.
Trên tinh thần đó, Thủ tướng chia sẻ và đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong vấn đề Biển Đông, nhấn mạnh giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu lực, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982. Thủ tướng cũng đề nghị các đối tác ủng hộ lập trường của ASEAN và các nỗ lực xây dựng Biển Đông thành vùng biển của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh yêu cầu kết nối chiến lược trên tất cả các phương diện. Cụ thể, kết nối tầm nhìn chung, cùng đóng góp trách nhiệm, xây dựng và thiện chí đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng; kết nối hợp tác phát triển, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, ổn định và tự cường chuỗi cung ứng; và kết nối người dân, tăng cường giao lưu, gắn bó, hiểu biết, củng cố thêm vững chắc bản sắc của Cộng đồng ASEAN cũng như nền tảng quan hệ hữu nghị giữa ASEAN với các đối tác.
Đề nghị sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới của ASEAN, trước các chuyển động nhanh chóng, phức tạp của tình hình thế giới, khu vực hiện nay, Thủ tướng đã nêu bật ba nhiệm vụ để ASEAN vững vàng phát triển và vững bước tới tương lai. Đó là: ASEAN cần có tư duy kiến tạo, ý tưởng đột phá và hành động quyết liệt để phát huy vai trò tiên phong, dẫn dắt; ASEAN cần là cầu nối gắn kết các ưu tiên ở khu vực với các ưu tiên ở toàn cầu, tạo sự bổ trợ và cộng hưởng trong các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển;
ASEAN cần khuyến khích sự tham gia và đóng góp rộng rãi hơn của các nhóm, giới, bao gồm, các nghị viện, doanh nghiệp, thanh niên cho tiến trình xây dựng Cộng đồng. Trước các nhà lãnh đạo ASEAN Thủ tướng thông báo Việt Nam sẽ tiếp tục tổ chức "Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025" với mong muốn đóng góp nhiều hơn cho hợp tác và liên kết khu vực.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị ASEAN và các bên đối tác cần "tự cường trước thiên tai và biến đổi khí hậu"; đẩy mạnh hợp tác quản lý thiên tai và giảm thiểu thiệt hại, tăng cường khả năng chống chịu cho cộng đồng, ưu tiên cao hơn cho hợp tác chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu; đặc biệt trong bối cảnh các hiện tượng khí hậu cực đoan vừa qua như bão Yagi ở Đông Nam Á hay bão Helene và Milton ở Hoa Kỳ.
Các hoạt động, phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu Việt Nam khẳng định quan điểm của Việt Nam trước các vấn đề khu vực và quốc tế trên tinh thần tôn trọng đồng thuận trong ASEAN. Sự tham gia tích cực, chủ động, năng động hiệu quả của Việt Nam đã cùng các nước thành viên và các bên đối tác của ASEAN xử lý các vấn đề mang tính toàn cầu, các vấn đề của khu vực; cùng các nước thành viên duy trì và củng cố vai trò trung tâm và phát huy tiếng nói trách nhiệm của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới. Các đóng góp, sáng kiến của Việt Nam trong những nội dung chính được thảo luận, các văn kiện được công bố, thông qua hoặc ghi nhận tại các hội nghị đã góp phần quan trọng vào các kết quả lớn đạt được của các Hội nghị Cấp cao lần này, đồng thời, bảo vệ hiệu quả các lợi ích chính đáng của Việt Nam.
Cách tiếp cận "toàn dân, toàn diện, toàn cầu" và vị thế "ngôi sao của ASEAN"
Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có các cuộc hội kiến, gặp gỡ, tiếp xúc với tất cả lãnh đạo cấp cao các nước, các tổ chức quốc tế: Tổng Thư ký Liên hợp quốc, Quốc vương Brunei Darussalam, Tổng thống Philippines, Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Ấn Độ, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Australia, Thủ tướng New Zealand, Thủ tướng Singapore, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Thái Lan, Thủ tướng Canada, Phó Tổng thống Indonesia, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu, Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB), Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB)…
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã trao đổi sâu rộng, toàn diện, rà soát việc thực hiện các thỏa thuận, đồng thời trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ trên các lĩnh vực truyền thống, trong đó có kinh tế,thương mại, đầu tư, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân và mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), mở ra các cơ hội đưa hợp tác giữa Việt Nam và các nước ngày càng sâu sắc, hiệu quả và thực chất.
Với từng đối tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề xuất những định hướng hợp tác rất cụ thể, phù hợp. Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị Nhật Bản, Hàn Quốc, WB, AIIB… cung cấp các khoản vay ưu đãi cho Việt Nam để triển khai các dự án hạ tầng quy mô lớn, mang tính biểu tượng như đường sắt tốc độ cao, đường bộ cao tốc, cảng biển, sân bay,…
Với Singapore, Thủ tướng đề nghị triển khai hiệu quả quan hệ Đối tác Kinh tế xanh, kinh tế số; phát triển hệ thống các khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) 2.0 bền vững, thông minh; Singapore hỗ trợ Việt Nam xây dựng mô hình Trung tâm Đổi mới sáng tạo về khoa học dữ liệu quốc gia. Với Thái Lan, hai Thủ tướng nhất trí phối hợp với các nước liên quan triển khai thí điểm sáng kiến hợp tác du lịch "Sáu quốc gia, một điểm đến".
Với Ấn Độ, hai Thủ tướng nhất trí sớm đàm phán Hiệp định Thương mại tự do song phương, tăng tần suất các chuyến bay thẳng kết nối các thành phố lớn của hai nước. Với Philippines, hai nhà lãnh đạo trao đổi về việc Việt Nam tiếp tục hỗ trợ Philippines bảo đảm an ninh lương thực, cùng triển khai hiệu quả các bản ghi nhớ về hợp tác nông nghiệp và hợp tác thương mại gạo được ký kết đầu năm nay…
Với Brunei, hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác thương mại, nông nghiệp, ngư nghiệp, dầu khí, hợp tác tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, thực phẩm Halal toàn cầu.
Thủ tướng cũng đề nghị các nước phối hợp với Việt Nam hạn chế tối đa hoạt động khai thác hải sản trái phép, không khai báo và không theo quy định (IUU), hỗ trợ Việt Nam sớm gỡ "thẻ vàng" của Ủy ban Châu Âu đối với thủy sản, đồng thời đối xử nhân đạo đối với ngư dân và tàu cá của nhau, phù hợp với quan hệ Đối tác Chiến lược và tinh thần đoàn kết ASEAN.
Lãnh đạo các nước, các tổ chức quốc tế đều khẳng định tầm quan trọng của quan hệ với Việt Nam, đánh giá cao vị thế và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế. Chia sẻ, đánh giá cao các ý kiến, đề xuất của Thủ tướng, nhiều đối tác mong muốn sớm phát triển quan hệ với Việt Nam lên tầm cao mới.
Tổng Thư ký Liên Hợp quốc António Guterres đánh giá Việt Nam là hình mẫu của hoà bình và phát triển bền vững, "ngôi sao của ASEAN"; đóng góp vào nâng cao tiếng nói và vai trò của các nước đang phát triển; mong Việt Nam tiếp tục đi đầu trong các nỗ lực thúc đẩy hoà bình, ổn định, phát triển bao trùm và bền vững trên toàn cầu.
Tổng Thư ký cũng nhất trí cao với tầm nhìn và cách tiếp cận "toàn dân, toàn diện, toàn cầu" của Thủ tướng Phạm Minh Chính trong giải quyết các vấn đề như thảm hoạ thiên tai, biến đổi khí hậu, già hoá dân số, cạn kiệt tài nguyên...
Lần đầu hội kiến Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định Việt Nam là đối tác then chốt trong triển khai Sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở; mong muốn cùng đưa quan hệ Nhật Bản – Việt Nam đi vào chiều sâu, thực chất hơn nữa, nhất trí cao đối với các đề xuất của Thủ tướng Phạm Minh Chính về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc đánh giá cao sự ủng hộ tích cực của Việt Nam đối với việc nâng cấp quan hệ ASEAN - Hàn Quốc lên Đối tác Chiến lược toàn diện tại Hội nghị lần này, nhất là trong thời gian Việt Nam giữ vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN - Hàn Quốc (2021-2024).
Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng trong triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Liên minh Châu Âu (EU), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu khẳng định EU sẽ thúc đẩy sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU- Việt Nam (EVIPA), xem xét tích cực việc tháo gỡ "thẻ vàng" IUU đối với Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Chia sẻ về sự thay đổi thế hệ lãnh đạo của Indonesia thời gian tới, Phó Tổng thống Indonesia đồng thời nhấn mạnh quan hệ hợp tác hai nước không những sẽ không thay đổi, mà sẽ còn tiếp tục phát triển ngày càng toàn diện.
Thông điệp "5 tiên phong" và "4 cùng" với cộng đồng doanh nghiệp
Cũng trong dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị Thượng đỉnh về Kinh doanh và Đầu tư ASEAN (ASEAN BIS) 2024, dự cuộc ăn sáng giao lưu đặc biệt của 3 Thủ tướng Việt Nam – Lào – Campuchia với Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC).
Nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, "không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì nền kinh tế sẽ đình trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng", doanh nghiệp phát triển được thì quốc gia phát triển được, doanh nghiệp của khối ASEAN phát triển thì các nước ASEAN phát triển, góp phần mang lại ấm no, hạnh phúc cho người dân.
Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục đóng góp để các nước ASEAN tiếp tục phát huy đoàn kết, thống nhất, tự lực, tự cường và là tâm điểm của tăng trưởng, ủng hộ các Chính phủ thực hiện bằng được các mục tiêu đã đề ra.
Đặc biệt, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp, doanh nhân thực hiện "5 tiên phong", gồm: Tiên phong đóng góp cho một ASEAN tự cường, tham gia xử lý các vấn đề mới nổi, các vấn đề toàn cầu, toàn dân; tiên phong thúc đẩy kết nối nền kinh tế, gồm cả kết nối cứng và kết nối mềm, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển; tiên phong thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, nhất là trong ứng phó biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, dịch bệnh và phát triển các lĩnh vực mới nổi, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tiên phong trong xây dựng hạ tầng chiến lược tại từng quốc gia và kết nối giữa các quốc gia; tiên phong trong hội nhập nội khối ASEAN và với thế giới.
Thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng doanh nghiệp các nước ASEAN tiếp tục hợp tác, ủng hộ, góp phần giúp 3 nước Việt Nam – Lào – Campuchia nâng tầm gắn kết kinh tế ngang tầm gắn kết về địa lý, lịch sử và quan hệ chính trị - ngoại giao tốt đẹp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư phát huy hết khả năng, sự sáng tạo của mình và đồng thời phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Chính phủ sẽ tiếp tục phát huy vai trò kiến tạo phát triển với phương châm "chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản trị thông minh", giảm chi phí tuân thủ, chi phí logistics cho người dân và doanh nghiệp.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp, doanh nhân nước ngoài tiếp tục đến đầu tư, hợp tác tại Việt Nam trên tinh thần "4 cùng": "Cùng lắng nghe và thấu hiểu", "cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động", "cùng làm, cùng thắng, cùng hưởng, cùng phát triển", "cùng chung niềm vui, hạnh phúc và tự hào"; lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
PV/chinhphu.vn