Vừa vật lộn phòng chống dịch, vựa lúa miền Tây khó khăn tìm giải pháp tiêu thụ lúa gạo
Là vựa lúa lớn nhất cả nước, nhưng vào thời điểm này nông dân vùng ĐBSCL đang mỏi mắt tìm thương lái thu mua lúa, doanh nghiệp thì gặp nhiều trở ngại khi phải vật lộn với phương án phòng, chống dịch, lượng gạo tồn kho lớn, không mặn mà với việc thu mua lúa gạo.
Doanh nghiệp còn tồn kho nên không mặn mà thu mua lúa
Tại cuộc họp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với các địa phương trọng điểm về lúa gạo vùng ĐBSCL diễn ra vừa qua, nhiều địa phương đặt ra giải pháp và những kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thu hoạch, tiêu thụ, vận chuyển lúa vụ Hè Thu ở vùng ĐBSCL.
Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vụ lúa Hè Thu năm 2021 toàn vùng đã thu hoạch hơn 850.000 hecta trong tổng số hơn 1,5 triệu hecta lúa Hè Thu, sản lượng bình quân ước đạt 5,7 tấn/hecta và vụ lúa Hè Thu này với sản lượng ước đạt khoảng 8,7 triệu tấn.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, từ nay đến cuối năm, lúa gạo vẫn dồi dào và liên tục trong các tháng với sản lượng lớn. Hiện, các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nên lượng thu mua lúa bị ảnh hưởng và nhiều doanh nghiệp cũng không mặn mà với việc thu mua lúa gạo vì vẫn còn lượng gạo tồn kho trước đây. Ngoài ra, các địa phương gặp khó trong vấn đề thu hoạch lúa còn khâu chế biến, xay xát, tồn trữ và vận chuyển bị đứt gãy đã khiến cho việc thu hoạch, tiêu thụ gặp khó.
Theo ông Lê Thanh Tùng, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 2,4 đến 2,7 triệu tấn gạo theo kế hoạch và việc ách tắc không chỉ ảnh hưởng đến tiêu thụ trong nước và xuất khẩu: “Hiện nay, việc xuất khẩu của các doanh nghiệp trước đây vẫn còn gạo tồn kho, do đó, việc đi mua thêm không mặn mà lắm. Ngoài ra, khâu chế biến, sấy lúa, xay xát, tồn trữ, vận chuyển… bị đứt gãy. Hiện các doanh nghiệp xuất khẩu đang đau đầu nhất là việc kiểm định hàng xuất khẩu cũng bị ách tắc. Diễn biến của dịch Covid-19 không diễn ra ở phía ngoài mà còn diễn ra trên các tàu xuất khẩu và trên các tàu của nước ngoài, như thế một tàu ách tắc lại thì nhiều tàu sẽ bị theo”.
Không để tình trạng hàng ùn ứ tại cảng
Lúa chín trên đồng mà người dân chưa thể thu hoạch do không có thương lái hay nhân công lao động và câu chuyện lúa ứ đọng trên đồng là điều không thể tránh khỏi. Còn doanh nghiệp thì chật vật phương án “3 tại chỗ”, nay thì phương án “4 tại chỗ”, lượng tồn kho lớn chưa thể tiêu thụ, khâu vận chuyển, xay xát bị ách tắc, đã gây tác động xấu đến chuỗi cung ứng lúa gạo.
Tại Đồng Tháp, trong tháng 8 này sẽ thu hoạch hơn 27.200 hecta, ước sản lượng gần 170.000 tấn. Trong tháng 9, sẽ thu hoạch hơn 68.300 hecta, ước sản lượng hơn hơn 392.000 tấn. Trong khi đó, nhu cầu thu mua của các doanh nghiệp trên địa bàn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với lượng lúa cần tiêu thụ cho người dân.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp kiến nghị, cần có chính sách thu mua tạm trữ phù hợp với tình hình thực tế, đồng thời, có phương án xử lý các lô hàng tại các cảng biển để tiếp nhận các lô hàng mới chuẩn bị xuất khẩu cũng như có giải pháp để giảm giá thành vật tư đầu vào trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
“Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Chính phủ có chủ trương chính sách thu mua tạm trữ lúa gạo phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, có phương án xử lý các lô hàng tại các cảng biển để tiếp nhận các lô hàng mới chuẩn bị xuất khẩu, có giải pháp cụ thể để giảm giá thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hiện tại giá thành nó cũng khá cao”, ông Huỳnh Minh Tuấn kiến nghị.
Vụ lúa Hè Thu vùng ĐBSCL với hơn 1,5 triệu hecta
Hiện, việc tiêu thụ lúa gạo ở vùng ĐBSCL gặp khó bởi rất nhiều vấn đề, phần thì thương lái không có đầu ra nên bỏ cọc của người dân, doanh nghiệp tồn kho số lượng lớn nên cũng không mặn mà trong thu mua lúa của người dân và câu chuyện lúa ứ đọng trên đồng là điều không thể tránh khỏi.
Ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, địa phương đang gặp khó trong việc tiêu thụ lúa cho người dân, nhất là khâu thu hoạch, vận chuyển. Trên 75% lượng lúa của người dân được các doanh nghiệp ở Đồng Tháp, An Giang và Vĩnh Long thu mua. Trước áp lực vụ lúa Hè Thu, Sóc Trăng cũng cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đến thu mua lúa cho người dân.
“Sóc Trăng sắp tới tháng 8, tháng 9, đầu tháng 10 còn khoảng 110.00 hecta với sản lượng ước trên 600.000 tấn, vấn đề tiêu thụ rất nan giải do các doanh nghiệp trên địa bàn không nhiều, chỉ có một doanh nghiệp, còn lại tiêu thụ 75% là các tỉnh bạn. Việc này đề nghị các tỉnh có các doanh nghiệp mấy năm qua đã hỗ trợ Sóc Trăng thu mua, thu hoạch lúa trong điều kiện dịch bệnh này thì Sóc Trăng cũng tạo điều kiện các tỉnh đến để thu mua”, ông Vương Quốc Nam nói.
Các địa phương trong vùng cần thống nhất để tiêu thụ lúa thuận lợi
Về giải pháp thu hoạch, tiêu thụ lúa cho người dân trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, các doanh nghiệp và nhà máy chế biến phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch nên năng lực chế biến, xay xát không được như trước đã khiến giá lúa giảm. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp chờ cho giá lúa xuống thấp mới thu mua đã gây khó khăn thêm cho người dân.
Ông Trần Anh Thư thông tin thêm, trước những khó khăn trong khâu vận chuyển thì các địa phương trong vùng cần có sự thống nhất để thuận tiện cho doanh nghiệp và thương lái thu mua lúa cho người dân vì hiện nay các địa phương đều thực hiện Chỉ thị số 16. Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt trong thu mua lúa gạo của các Công ty nhà nước trong bối cảnh nhiều khó khăn đang hiện hữu.
“Hiện nay, trong số 10 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất trong danh sách mà Bộ Công thương thông báo của Việt Nam thì có Tổng Công ty lương thực Vinafood 1 và Vinafood 2, nhưng hiện nay ông lại “án binh bất động”, kho thì đang để trống mà không biết lý do tại sao. Như vậy, có nghĩa là bên cạnh các doanh nghiệp khác họ đang hết sức nỗ lực để thu mua quá năng lực thì họ còn đang tiếp cận hỗ trợ cho tỉnh như Tập đoàn Lộc Trời, Angimex và các doanh nghiệp khác. Hai ông lớn nhất nằm trong hiệp hội ngành hàng lúa gạo thì hiện nay đang án binh bất động, ở góc độ chúng ta cũng phải làm việc với hai doanh nghiệp này vì đây là hai doanh nghiệp nhà nước”, ông Trần Anh Thư nêu ý kiến.
Nông dân ở một số địa phương vẫn đang chờ thương lái đến thu mua
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, trước giờ các tỉnh, thành vùng ĐBSCL nói nhiều đến vấn đề liên kết thì đây cũng là dịp để liên kết lại với nhau. Bởi không gian kinh tế lúa gạo không chia theo địa giới hành chính mà các doanh nghiệp ở địa phương này nhưng thu mua ở các địa phương khác và thương lái cũng không nằm ngoài, chỉ cần đứt gãy ở một cung đường sẽ gây ra ùn ứ.
Bộ trưởng cho rằng, mặc dù doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn nhưng cũng cần thể hiện vai trò chủ động, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và người nông dân và đây cũng là cơ hội để xây dựng doanh nghiệp.
“Trong điều kiện không bình thường thế này, Bộ, ngành Trung ương cũng có trách nhiệm với nông dân, doanh nghiệp lại càng có trách nhiệm với nông dân là người trực tiếp chúng ta bắt đầu câu chuyện để liên kết. Tại sao liên kết ở ĐBSCL hay bị gãy đổ? - Bởi liên kết dựa trên niềm tin, mà niềm tin chúng ta xây dựng lúc này, lúc hoạn nạn này cần có nhau. Người nông dân sống cũng bằng cảm xúc, người ta thấy rằng doanh nghiệp lúc này san sẻ, chính quyền địa phương, ngành chuyên môn ai cũng vô thì có thể những khó khăn này họ giải tỏa được một phần nào và họ biết rằng khó này là khó chung, được sự chia sẻ chung, đó mới là câu chuyện bền vững”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Rõ ràng, trước những khó khăn ở vụ lúa Hè Thu đang đặt ra nhiều thách thức cho cả ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, chuỗi cung ứng từ cánh đồng đến nhà máy đang bị đứt gãy gây khó cho người dân, doanh nghiệp. Với áp lực vụ lúa Hè Thu, đã có những giải pháp được đưa ra từ việc tiếp cận nguồn tín dụng, đề xuất thu mua tạm trữ hay lưu thông bằng đường thủy là những giải pháp cần sớm được triển khai khi hàng triệu hộ dân lúc này đều mong muốn đảm bảo lợi nhuận và không để tình trạng lúa chính trên đồng mà chưa thể thu hoạch trong tình cảnh khó khăn vẫn đang bủa vây.
Phạm Hải/VOV-ĐBSCL
- Cùng chuyên mục
Giá xăng dầu hôm nay 22/4: Diễn biến trái chiều
Giá xăng dầu hôm nay 22/4/2025 trên thế giới ghi nhận diễn biến trái chiều đầu phiên giao dịch sau khi bất ngờ "hạ nhiệt" ở phiên giao dịch đầu tiên. Còn giá xăng dầu trong nước có thể quay đầu tăng.
Thị trường - 06:25 22/04/2025
Giá vàng hôm nay 22/4: Giá vàng trong nước và thế giới tăng mạnh
Giá vàng hôm nay 22/4/2025 ghi nhận như sau: Giá vàng thế giới vượt xa mốc 3400 USD, giá vàng trong nước quay trở lại quanh mốc 120 triệu đồng.
Thị trường - 06:20 22/04/2025
Giá cao su hôm nay 22/4: Thị trường ổn định
Giá cao su hôm nay 22/4, thị trường ổn định tại các sàn giao dịch Châu Á, trong nước giá thu mua mủ nước loại 1 tại Công ty Cao su Bà Rịa có giá 452 đồng/ độ TSC/kg áp dụng cho độ TSC từ 30 trở lên.
Thị trường - 06:20 22/04/2025
Giá cà phê hôm nay 22/4: Duy trì ổn định
Giá cà phê hôm nay 22/4/2025 ghi nhận ổn định so với hôm qua. Hiện giá cà phê trong nước nằm ở mức 129,000 - 129,700 đồng/kg.
Thị trường - 06:17 22/04/2025
Giá tiêu hôm nay 22/4: Giảm nhẹ
Giá tiêu hôm nay 22/4/2025 ghi nhận giảm nhẹ trở lại từ 500 đến 1,000 đồng/kg so với hôm qua. Hiện giá tiêu giao dịch ở mức 154,000 - 155,000 đồng/kg.
Thị trường - 06:14 22/04/2025
Giá heo hơi hôm nay 22/4: Cao nhất 76.000 đồng/kg
Giá heo hơi hôm nay 22/4/2025 tiếp tục tăng nhanh tại khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ, cao nhất 76.000 đồng/kg.
Thị trường - 06:11 22/04/2025
Giá sầu riêng hôm nay 22/4: Sầu Thái tăng nhẹ
Giá sầu riêng hôm nay 22/4, giá thu mua sầu riêng tại các kho ở các khu vực có sự điều chỉnh tăng nhẹ đối với sầu Thái có giá từ 95.000 – 98.000 đồng/kg, tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg, tùy kho, tùy loại.
Thị trường - 05:44 22/04/2025
Đẩy mạnh thương hiệu, chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế
Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại của đất nước, mà còn góp phần khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thị trường - 15:10 21/04/2025
Thị trường hàng hóa thế giới dần thích nghi với chính sách thuế quan mới
Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết trong tuần giao dịch từ 14-20/4, sau giai đoạn lao dốc mạnh, giá nhiều mặt hàng nhóm năng lượng, nguyên liệu công nghiệp đã bật tăng mạnh, nhất là hai mặt hàng dầu thô, dầu ít lưu huỳnh, xăng RBOB và cà phê. Chốt tuần, chỉ số MXV-Index tăng 0,42% lên mức 2.177 điểm.
Thị trường - 14:58 21/04/2025
Giá thép ngày 21/4: Ghi nhận mức tăng nhẹ do tâm lý tích cực trở lại
Ngày 21/4, giá quặng sắt biến động theo chiều hướng tăng nhờ tâm lý thị trường khởi sắc, sau khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Thị trường - 09:58 21/04/2025
- Tin mới
-
Asia Vibe - Phố hội sôi động mùa hè, tâm điểm an cư, đầu tư tại thành phố biên mậu
-
Tổng Bí thư: Binh chủng Tăng thiết giáp phải thật sự xứng đáng là lực lượng đột kích mạnh
-
Chứng khoán khối ngoại 22/4: Mua ròng gần 600 tỷ đồng trong phiên biến động mạnh
-
Chứng khoán phiên chiều 22/4: Thị trường hồi phục về cuối phiên nhờ lực mua bắt đáy tăng mạnh
-
Siết chặt quản lý dược: Bộ Y tế tăng cường thanh tra, mở đường dây nóng thông tin thuốc giả
-
Công ty Yến sào Khánh Hòa cam kết đồng hành cùng các cơ quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng, gìn giữ chất lượng, bảo vệ thương hiệu, xây dựng niềm tin
- Đọc nhiều
-
1
Asia Vibe - Phố hội sôi động mùa hè, tâm điểm an cư, đầu tư tại thành phố biên mậu
-
2
Tổng Bí thư: Binh chủng Tăng thiết giáp phải thật sự xứng đáng là lực lượng đột kích mạnh
-
3
Chứng khoán khối ngoại 22/4: Mua ròng gần 600 tỷ đồng trong phiên biến động mạnh
-
4
Chứng khoán phiên chiều 22/4: Thị trường hồi phục về cuối phiên nhờ lực mua bắt đáy tăng mạnh
-
5
Siết chặt quản lý dược: Bộ Y tế tăng cường thanh tra, mở đường dây nóng thông tin thuốc giả
-
6
Công ty Yến sào Khánh Hòa cam kết đồng hành cùng các cơ quan, doanh nghiệp, người tiêu dùng, gìn giữ chất lượng, bảo vệ thương hiệu, xây dựng niềm tin