Hà Nội: Vì sao Ban quản lý chợ Hà Đông né tránh báo chí?

Từ thực trạng kinh doanh tràn lan hàng hóa giả nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ của nhiều tiểu thương tại chợ Hà Đông, phóng viên đã nhiều lần liên hệ, đặt nội dung làm việc với Ban Quản lý chợ Hà Đông nhưng không có hồi đáp, có dấu hiệu né tránh báo chí?

Trước đó, tòa soạn Thương hiệu và Công luận liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại chợ Hà Đông khiến cho người tiêu dùng bức xúc.

Sau nhiều ngày ghi nhận thực tế tại chợ Hà Đông, những loại mặt hàng như túi xách, quần áo, mỹ phẩm, giày dép...được đạo nhái một cách tinh vi mang tên các thương hiệu lớn như Gucci, Nike, Lacoste, Adidas...với mức giá chỉ bằng 1/10 giá trị thật của sản phẩm chính hãng trên thị trường.

: Nhiều sản phẩm túi sách giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, LouisVuitton, Dior... Nhiều sản phẩm túi sách giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, LouisVuitton, Dior...

Ngày 22/03/2022, phóng viên đã liên hệ và đặt nội dung đề nghị làm việc tại phòng Hành chính - Văn phòng thuộc Ban Quản lý chợ Hà Đông ở tầng 4 khu chợ. Sau khi được một nhân viên BQL chợ gửi số điện thoại của bà Nguyễn Thị Loan (trưởng Ban Quản lý chợ Hà Đông), phóng viên đã gọi nhưng bà Loan không bắt máy, một lúc sau phóng viên liên hệ lại thì đã bị chặn số.

Sau nhiều ngày không có hồi đáp, ngày 04/04/2022 phóng viên đã quay lại ban Quản lý chợ Hà Đông để tìm hiểu sự việc. Tại đây, phóng viên được một nhân viên kế toán tên Trang cho biết: “Em đã gửi thông tin và nội dung làm việc của bên báo cho sếp em rồi (bà Nguyễn Thị Loan, trưởng ban Quản lý chợ Hà Đông) và không thấy sếp em nói gì”.

Đã hơn 2 tháng trôi qua kể từ ngày đặt lịch nội dung làm việc, ban Quản lý chợ Hà Đông với người đứng đầu là bà Nguyễn Thị Loan vẫn “im hơi lặng tiếng” phải chăng có điều gì khuất tất? Việc này cho thấy sự xem thường, né tránh cung cấp thông tin đối với cơ quan báo chí.

Sau khi tòa soạn Thương hiệu và Công luận phản ánh tình trạng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại chợ Hà Đông thì mới đây, UBND quận Hà Đông đã ra Văn bản số 1122/UBND-VP ngày 19/05/2022 về kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh việc kinh doanh hàng hóa tại chợ Hà Đông.

Văn bản số 1122/UBND-VP ngày 19/05/2022 về kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh việc kinh doanh hàng hóa tại chợ Hà Đông.Văn bản số 1122/UBND-VP ngày 19/05/2022 về kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh việc kinh doanh hàng hóa tại chợ Hà Đông

Thông tin văn bản nêu: “UBND quận giao Đội Quản lý thị trường số 11 chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý chợ Hà Đông và các đơn vị liên quan kiểm tra, làm rõ nội dung phản ánh, cung cấp các thông tin liên quan đến nội dung đề nghị của Tạp chí Thương hiệu và Công luận theo quy định; báo cáo kết quả về UBND quận trong tháng 5/2022”.

Theo khoản 2 điều 39 luật báo chí năm 2017, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại của tổ chức, công dân và tố cáo của công dân do cơ quan báo chí chuyển đến, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có trách nghiệm thông báo cho cơ quan báo chí biết biện pháp giải quyết.

Nếu quá thời hạn nêu trên mà không nhận được thông báo của cơ quan, tổ chức thì cơ quan báo chí có quyền chuyển ý kiến, kiến nghị, phê bình, khiếu nại, tố cáo của tổ chức, công dân đến cơ quan cấp cao hơn có thẩm quyền giải quyết hoặc đưa vấn đề đó lên báo chí.

Từ sự việc trên, đề nghị UBND quận Hà Đông có biện pháp chấn chỉnh công tác cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan báo chí đối với ban Quản lý chợ Hà Đông. Ngoài ra, cần thanh kiểm tra, xác minh nguồn gốc hàng hóa đang được bày bán tại chợ và trách nhiệm của bà Nguyễn Thị Loan với cương vị là người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được bày bán công khai tại đây.

Thương hiệu và Công luận sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Minh Quang

Bài liên quan

Cùng chuyên mục