Sản phẩm có dấu hiệu giả mạo những thương hiệu lớn, nguồn gốc hàng hóa không rõ xuất xứ là những gì đang diễn ra ở nhiều ki ốt kinh doanh tại chợ Hà Đông. Đây được xem là địa điểm kinh doanh, buôn bán lớn nhất quận Hà Đông, TP. Hà Nội.
Lạc giữa “ma trận” hàng giả, hàng nhái
Thời gian gần đây, tòa soạn Thương hiệu và Công luận liên tục nhận được phản ánh của bạn đọc về tình trạng kinh doanh hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, bán hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ tại chợ Hà Đông khiến cho người tiêu dùng bức xúc. Để làm rõ những phản ánh trên, ngày 19/03/2022 PV đã ghi nhận thực tế và thấy phản ánh của bạn đọc là có cơ sở.
: Chợ Hà Đông được xem là một nơi kinh doanh, buôn bán lớn nhất quận Hà Đông, TP. Hà Nội
Có mặt tại ki ốt số 135 mang tên “Thế giới phụ kiện thời trang đẹp” cho thấy, tại ki ốt này bày bán các loại mỹ phẩm, phụ kiện đa dạng và nhiều chủng loại như kem dưỡng trắng, sữa rửa mặt, dầu gội, sơn móng tay... Những sản phẩm này đều “khoác” lên mình thương hiệu lớn như Verobene, Senka, Chanel...với giá từ vài chục nghìn cho tới cả triệu đồng.
Trong vai người mua hàng, PV được chủ cửa hàng chào bán sản phẩm nước hoa Lomani với giá 599.000 đồng trong khi trên thị trường có giá hơn 1 triệu đồng. Theo quan sát, nhiều sản phẩm ở đây không có tem chống hàng giả và không có nhãn phụ tiếng Việt. Khi được hỏi về nguồn gốc sản phẩm, chủ cửa hàng nói đây là hàng chính hãng của công ty?!
Một gian hàng khác tại ki ốt số 230 có tên “Thời trang nam cao cấp Uyên Diện” cũng bày bán nhiều sản phẩm quần áo với nhiều loại vải, mẫu mã nghi “đạo nhái” các thương hiệu nổi tiếng Lacoste, Adidas, Burberry...
Khi hỏi giá cho một chiếc áo phông hiệu Lacoste, chúng tôi khá bất ngờ vì mức giá vô cùng rẻ chưa đến 300.000 đồng và chỉ bằng 1/10 so với hàng chính hãng trên thị trường. Vừa nhanh tay lấy hàng cho khách, chủ ki ốt này không quên giới thiệu: “Áo này mặc mát và co giãn lắm. Đặc biệt thấm mồ hôi nên các em lấy nhiều chị sẽ bớt thêm giá”. Nhưng khi hỏi về nguồn hàng được nhập ở đâu, có phải hàng chính hãng không thì chủ cửa hàng này từ chối vì không muốn tiết lộ.
Nhiều sản phẩm như nước hoa, mỹ phẩm bày bán tại ki ốt số 135 chợ Hà Đông không có nhãn phụ tiếng Việt
Không chỉ bán các sản phẩm quần áo, mỹ phẩm, nước hoa có dấu hiệu giả nhãn hiệu mà một số sản phẩm như giày da, giày thể thao cũng được tiểu thương ở đây “gắn mác” bằng những thương hiệu lớn như Gucci, Nike, Dior, MLB... Những đôi giày “hàng hiệu” này được tiểu thương tại ki ốt số 186 chất thành từng đống, không hộp, không tem mác.
Khi PV phàn nàn về chất lượng sản phẩm, chủ cửa hàng vội khẳng định, “tất cả sản phẩm tại đây đều là hàng tốt từ công ty trong nước, cửa biên đóng làm sao sang Trung Quốc nhập được”. Dẫu vậy, giá bán những đôi giày tại đây đều rất rẻ chỉ với 450.000 đồng và đặc biệt, trên thân giày thì gắn mác Gucci nhưng đế giày lại in chữ Trung Quốc.
Buông lỏng quản lý để hàng giả tồn tại?
Tiếp tục tìm hiểu về nguồn gốc các sản phẩm kinh doanh tại đây, PV có mặt tại một cửa hàng túi xách ở tầng 2 khu chợ. Theo lời tư vấn của chủ cửa hàng thì các sản phẩm Gucci, LouisVuitton, Dior...có giá giao động từ 500.000 – 2.000.000 đồng.
Nhiều đôi giày hàng hiệu tại đây gắn mác Gucci nhưng dưới đế giày lại in chữ Trung Quốc
Tuy nhiên, khi PV thắc mắc tại sao những sản phẩm không có nhãn mác, không có hoá đơn chứng từ thì chủ cửa hàng này cho biết, hàng hóa tại đây đều nhập từ Quảng Châu (Trung Quốc) nên không thể xuất được hóa đơn.
“Nhà chị toàn nhập hàng Quảng Châu (Trung Quốc) hết, chẳng có cái gì hàng Việt Nam đâu. Nếu hàng chính hãng thì em xem một cái LouisVuitton giá bao nhiêu tiền, cái này là hàng chuẩn công ty còn gì”?!
Vì sao cửa hàng bán nhiều sản phẩm có dấu hiệu giả nhãn hiệu, không có hóa đơn chứng từ trong khi trụ sở của Đội QLTT số 11 ở ngay sát chợ mà không bị kiểm tra?
Nhiều sản phẩm túi sách có dấu hiệu giả nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng như Gucci, LouisVuitton, Dior...
“Chúng tôi cùng các hộ kinh doanh tại đây góp tiền rồi đưa cho một ông tổ trưởng để biếu các sếp. Một người thì cảm thấy nặng chứ mỗi người 200.000 đến 500.000 đồng thế là xong. Mỗi năm một lần và mỗi lần cũng được 19 triệu đồng đấy. Ở chợ này nó thế, còn hơn là để người ta lên chơi với mình”, chủ cửa hàng này tiết lộ.
Dấu hiệu “sao chép” và buôn bán các sản phẩm thuộc nhiều thương hiệu nổi tiếng của các tiểu thương đã và đang xâm phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ. Mặt khác, với nguồn gốc xuất xứ hàng hóa không rõ ràng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, làm mất niềm tin của người tiêu dùng, từ đó giảm tính cạnh tranh, uy tín của các thương hiệu bị các sản phẩm “đạo nhái”.
Sự buông lỏng trong công tác quản lý của Ban quản lý chợ Hà Đông đã vô tình tạo điều kiện cho các mặt hàng kinh doanh có dấu hiệu hàng giả, hàng hái lộng hành suốt nhiều năm qua. Liệu Ban quản lý chợ Hà Đông có biết điều này? Phải chăng, nơi đây có luật riêng bất thành văn? Đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 11 kiểm tra, xử lý đối với những cửa hàng, ki ốt bán hàng nêu trên. Có như vậy, mới bảo vệ được sức khỏe người tiêu dùng và quyền lợi của các thương hiệu kinh doanh chân chính.
Quang Minh