Nhãn được mùa, mất giá

Năm nay dù cây nhãn được mùa, cho sản lượng lớn nhưng người trồng vẫn đứng trước nguy cơ thua lỗ vì giá quá rẻ.

Người trồng nhãn méo mặt vì được mùa, mất giá.Người trồng nhãn méo mặt vì được mùa, mất giá.

Mùa nhãn tại các tỉnh phía Bắc như Hưng Yên, Hà Nam hay Lào Cai đang vào mùa chín rộ. Sản lượng nhãn ghi nhận tại các tỉnh phía Bắc năm nay tăng trưởng trên 30% do thời tiết mùa Đông ấm bất thường cũng như kỹ thuật canh tác ngày càng hoàn thiện. Tỉnh Hưng Yên - nơi có diện tích nhãn lớn thứ 2 cả nước, dự kiến sẽ thu hoạch tầm 50.000 tấn. Tỉnh Sơn La - nơi có diện tích nhãn lớn nhất cả nước con số này dự kiến lên tới trên 70.000 tấn.

Tại chợ đầu mối Phía Nam (Hoàng Mai) nhãn được các tiểu thương chào giá trung bình khoảng từ 10.000- 15.000 đồng/kg, tùy loại. Loại nhãn to, cùi dày được bày ở các vị trí trung tâm có giá cao từ 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, năm 2019, giá nhãn bán tại các siêu thị, chợ truyền thống từ 60.000 - 85.000 đồng/kg.

Trên mạng xã hội, nhãn Hưng Yên được rao bán “giải cứu” giá chỉ chưa  bằng nửa so với năm ngoái. Nhiều người chỉ bán từ 15.000 - 17.000 đồng/kg với những loại nhãn phổ thông, nhãn loại 1 cũng chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, miễn phí vận chuyển nếu mua từ 5 kg trở lên.

Tại vườn, giá nhãn càng rớt mạnh. Dù được mùa nhưng giá nhãn rớt thảm từ đầu vụ, có thời điểm xuống đến 5.000 - 7.000 đồng/kg. Thương lái đánh xe ô tô tải đến bẻ cả vườn. Nhãn quả to chuyên làm quà biếu cũng chỉ được 8.000 - 10.000 đồng/kg.

Do giá quá rẻ nên một số gia đình tăng cường thuê người hái đem bán tại các chợ nhằm thu lại tiền chăm sóc. Vì nhãn có khoảng thời gian chín ngắn nên phải tranh thủ bán, nếu để lâu nhãn sẽ bị quá nước, nhạt dần, méo mó, không còn róc cùi và không ai mua.

Theo một số hộ dân trồng nhãn tại các vùng nông thôn như Hà Nam, Nam Định, hiện tại giá nhãn quả tại vườn chỉ từ 3.000-6.000 đồng/kg, mức giá thấp kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Nhiều gia đình có hàng chục gốc nhãn nhưng không có thương lái đến hỏi mua. Các gia đình đành chọn cách bẻ để ăn hoặc làm quà gửi cho người thân ở Hà Nội và các thành phố…

Giá nhãn thấp bởi nhiều lý do. Thứ nhất là dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành nên việc vận chuyển vào miền Trung bị đình trệ, nhưng nhiều thương lái Trung Quốc hủy hợp đồng tiêu thụ nhãn, không thu mua long nhãn do khó thông quan. Thứ hai là hầu hết nhãn ở các vùng trồng không được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP.

Bài toán “được mùa, mất giá” vẫn luôn là nỗi lo canh cánh của người nông dân, năm nay lại thêm ảnh dưởng của dịch bệnh nên bài toán kinh tế càng trở nên khó khăn. Để giải quyết vấn đề này, cần có quy hoạch trong trồng cây ăn quả nói chung và cây nhãn nói riêng.

THU TRANG

Cùng chuyên mục