Toàn tỉnh Bắc Giang đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trong các cơ quan, đơn vị địa phương; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm hướng tới nền hành chính công khai, minh bạch, hiện đại.
3 năm liên tiếp dẫn đầu về xây dựng chính quyền điện tử
Theo Chỉ số cải cách hành chính các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 vừa được Bộ Nội vụ công bố, Bắc Giang đạt 88,54 điểm, xếp vị trí thứ 4 cả nước, tăng 3 bậc so với năm 2021. Đặc biệt, trong 8 lĩnh vực đánh giá, tại lĩnh vực “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số”, Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước với 89,89%. Đây là năm thứ 3 liên tiếp tỉnh Bắc Giang dẫn đầu bảng xếp hạng Chỉ số thành phần này.
Bộ phận một cửa huyện Yên Thế hiện đại, tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, công dân.
Ông Trần Minh Chiêu - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang - nhận định, có được những kết quả nổi bật nêu trên là nhờ sự vào cuộc quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Nhiều văn bản được ban hành về việc triển khai thực hiện xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Cùng với đó, sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của người đứng đầu các Sở, cơ quan, địa phương trong thúc đẩy chuyển đổi số đã góp phần tăng cường công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng hạng chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số cải cách hành chính cấp tỉnh.
Đặc biệt, HĐND tỉnh Bắc Giang đã ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND quy định mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng một số loại phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, trong đó có quy định giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với các tổ chức, cá nhân giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, qua đó khuyến khích người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Đến nay, tổng số dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh là 823 dịch vụ công và đã được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tỷ lệ hồ sơ được xử lý hoàn toàn trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh đạt 79,15%; tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đạt 69,28%. Công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính được đẩy mạnh. Hiện, tỷ lệ hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 51,15%, tỷ lệ thủ tục hành chính số hóa kết quả giải quyết đạt 81,24%.
Những tồn tại cần khắc phục
Đánh giá về công tác chuyển đổi số trên toàn tỉnh, Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Bắc Giang cho rằng, công tác nâng cao nhận thức về chuyển đổi số vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Một số người đứng đầu các cấp, ngành vẫn chưa thực sự quan tâm đến chuyển đổi số. Nhiều báo cáo kết quả thực hiện công tác chuyển đổi số của các ngành, địa phương còn hình thức.Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bắc Giang hướng dẫn người dân quét mã QR tra cứu thủ tục hành chính.
Hạ tầng công nghệ thông tin của các cấp, các ngành phục vụ chuyển đổi số còn thiếu đồng bộ do thiết bị đầu cuối xuống cấp; vấn đề bảo trì, bảo dưỡng chưa được thực hiện thường xuyên, gây khó khăn cho ứng dụng công nghệ thông tin.
Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực, phương pháp quản lý điều hành phần lớn vẫn theo mô hình truyền thống. Việc ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử vào quá trình quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa chủ động do ngại thay đổi, khó tiếp cận hệ thống công nghệ thông tin hiện đại.
Các doanh nghiệp, đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử cơ bản không có nhân viên quản trị mạng, dữ liệu công nghệ thông tin, quản trị các sản phẩm, gian hàng của mình trên sàn giao dịch, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, đơn hàng và giải quyết đơn hàng cho khách hàng. Các hoạt động thương mại điện tử ở các vùng nông thôn, miền núi còn chưa phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên internet còn xa lạ với hầu hết người dân vùng sâu, vùng xa.
Số lượng người dân không có trang thiết bị hỗ trợ như máy tính, điện thoại thông minh còn nhiều. Các thuê bao điện thoại không chính chủ gây khó khăn trong việc tạo lập tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Kỹ năng số của người dân, đặc biệt ở một số địa bàn khu vực nông thôn, vùng sâu còn thấp và chưa sử dụng thành thạo tài khoản ngân hàng; người dân chưa có thói quen thanh toán không dùng tiền mặt.
Nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh về công nghệ thông tin còn nhiều bất cập, chưa có chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin, chưa có cán bộ chuyên trách an toàn thông tin, trình độ chuyên môn của cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin còn yếu.
Còn 6/31 hệ thống thông tin của các sở, ngành và các địa phương chưa phê duyệt được hồ sơ cấp độ an toàn thông tin theo quy định do thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn về an toàn thông tin.
Không ngừng đẩy mạnh chuyển đổi số
Phát huy kết quả đạt được từ những năm trước, ngay trong Quý I/2023, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành 8 quyết định, 10 kế hoạch và 11 văn bản chỉ đạo về phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số để thực hiện “Năm dữ liệu quốc gia” và hoàn thành 29 chỉ tiêu của tỉnh đề ra trong năm 2023; 100% các ngành, 9/10 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch chuyển đổi số năm 2023.
Trung tâm giám sát camera an ninh tại Công an huyện Việt Yên.
Thực hiện “Năm dữ liệu quốc gia”, Sở TT&TT đã kịp thời hướng dẫn các cấp, các ngành về việc xây dựng, kết nối, đồng bộ các cơ sở dữ liệu dùng chung, ứng dụng hiệu quả các nền tảng số, dịch vụ số; xây dựng danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung, danh mục dịch vụ chia sẻ và danh mục dữ liệu mở tỉnh Bắc Giang.
Hạ tầng kỹ thuật Trung tâm tích hợp dữ liệu tỉnh, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tiếp tục vận hành, duy trì hoạt động ổn định. Hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh từng bước đáp ứng cho việc triển khai hệ thống công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và cung cấp các dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp, góp phần cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Các hệ thống phần mềm dùng chung của tỉnh như: Hệ thống Cổng thông tin điện tử tỉnh, Công báo điện tử tỉnh, Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính tỉnh, Hệ thống quản lý văn bản và điều hành công việc qua mạng và Hệ thống Thư điện tử công vụ đã được đầu tư, nâng cấp phù hợp với chỉ đạo của Chính phủ, nhu cầu thực tế của tỉnh và được kết nối liên thông từ tỉnh đến xã.
Đoàn viên thanh niên huyện Việt Yên hướng dẫn tiểu thương ở chợ Nếnh thanh toán không dùng tiền mặt.
Thời gian tới, theo ông Trần Minh Chiêu, Sở TT&TT tỉnh tập trung tuyên truyền làm thay đổi nhận thức cộng đồng, tiếp tục nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân để hình thành công dân số, thúc đẩy chuyển đổi xã hội số trên địa bàn tỉnh.
Bắc Giang tiếp tục phát triển hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi trong quản lý, điều hành để phát triển chính quyền số, đặc biệt quyết liệt triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân và doanh nghiệp trở thành trung tâm trong quá trình chuyển đổi số; triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để tạo ra các phát triển đột phá về công nghệ.
Bên cạnh đó, Bắc Giang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp số khởi nghiệp, hình thành cộng đồng doanh nghiệp số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, đẩy nhanh chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả nền kinh tế của tỉnh.
Bá Đoàn