Việc triển khai mô hình điểm "Chính quyền thân thiện" tại hai thị trấn Thắng và Bắc Lý đã đạt được kết quả tích cực, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) phấn đấu tháng 11/2022 hoàn thành việc ra mắt mô hình tại các xã còn lại.
Tháng 8/2022, thị trấn Thắng ra mắt “Chính quyền thân thiện”. Trước đó, thị trấn tranh thủ nguồn lực, tập trung đầu tư chỉnh trang, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất bộ phận một cửa; bổ sung trang thiết bị phòng làm việc, khu vực tiếp dân, bàn ghế, ti vi, máy quét mã QR. Đồng thời, thị trấn cũng xây dựng hòm thư điện tử tiếp nhận ý kiến đóng góp… Kinh phí thực hiện khoảng 700 triệu đồng, trong đó gần 300 triệu đồng do huyện hỗ trợ.
Bộ phận Một cửa khang trang, hiện đại của thị trấn Bắc Lý.
Do triển khai đồng bộ cùng với việc thực hiện nghiêm túc việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính (TTHC), quy trình giải quyết TTHC và các vấn đề liên quan tại trụ sở UBND, trang thông tin điện tử, hoàn thiện hệ thống quét mã QR tra cứu TTHC tại bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả”...nên việc thực hiện mô hình “Chính quyền thân thiện” ở thị trấn Thắng tạo hiệu ứng tích cực. Tinh thần trách nhiệm, thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ nâng lên, có sự gần gũi, thân thiện với người dân.
Tại thị trấn Bắc Lý, để triển khai mô hình“Chính quyền thân thiện” thị trấn đầu tư khoảng 500 triệu đồng (bao gồm cả kinh phí hỗ trợ của huyện) để chỉnh trang khuôn viên, nâng cấp phòng làm việc, trang bị ghế ngồi cho công dân, hệ thống bảng biểu ở bộ phận một cửa.
Tháo gỡ khó khăn, nhân rộng mô hình
Theo kế hoạch, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) phấn đấu tháng 11/2022 các xã còn lại trên địa bàn hoàn thành việc ra mắt mô hình "Chính quyền thân thiện". Tuy nhiên, thời gian qua, trên cơ sở rà soát, đánh giá của tổ giúp việc Ban chỉ đạo xây dựng mô hình "Chính quyền thân thiện" huyện và các cơ quan chuyên môn, việc nhân rộng còn có những vướng mắc nhất định.
Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện phục vụ làm việc và phục vụ nhân dân nhiều nơi chưa đáp ứng nhu cầu. Về trang thiết bị, đa số các xã vẫn tận dụng máy tính cũ, tốc độ chậm, chưa đáp ứng yêu cầu xử lý dữ liệu lớn và liên thông với cấp trên. Bên cạnh đó, việc biên chế công chức theo khung đã có nên các xã không có nhiều lựa chọn về nhân sự.
Khắc phục những vấn đề này, sau khi đánh giá tổng thể, huyện thống nhất chủ trương hỗ trợ kinh phí mỗi xã 150 triệu đồng để mua, nâng cấp sửa chữa trang thiết bị, máy móc, hệ thống bảng biểu, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ bộ phận một cửa của xã và công an xã nhằm tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, nâng cao hiệu quả phục vụ.
Ông Bùi Huy Khánh, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng mô hình "Chính quyền thân thiện" huyện, cho biết, trong tháng 10 và tháng 11/2022, huyện tập trung chỉ đạo 100% xã tổ chức ra mắt mô hình. Quá trình tổ chức thực hiện, nơi nào còn hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện.
Ngoài tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, kỹ năng giao tiếp, ứng xử và xử lý công việc cho cán bộ, công chức, huyện yêu cầu các xã, thị trấn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc; trực tiếp nắm bắt mức độ hài lòng của công dân khi đến liên hệ để kịp thời động viên, khích lệ hoặc nhắc nhở, chấn chỉnh tác phong, lề lối đối với đội ngũ cán bộ.
Về con người, huyện chú trọng bồi dưỡng thường xuyên để nâng cao năng lực, kỹ năng phục vụ hành chính. Về lâu dài, huyện sẽ thực hiện cơ chế giám sát với tinh thần cấp trên giám sát cấp dưới, nội bộ giám sát lẫn nhau, người dân giám sát cán bộ; qua đó nâng cao chất lượng phục vụ, ngày càng tạo được sự hài lòng của công dân.
Bá Đoàn