Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, trong quá trình chuyển đổi số, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần xem xét điều khoản nào thực hiện chính sách trong giao dịch đặc thù như đối với giao dịch mua bán thông qua quá trình chuyển đổi số...
Chiều ngày 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, trong dự án Luật cần có thêm 1 chương hoặc 1 mục về Hợp tác quốc tác quốc tế, trong đó nhấn mạnh đến trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch hàng hóa.
Cũng theo ông Cường, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc mua bán thông qua các hình thức thức mới được nhiều người dân ưa chuộng. Để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng đối khi mua bán, thanh toán, dự án Luật cần đề cập cụ thể hơn đối với các giao dịch mang tính chất đặc thù như giao dịch từ xa, bán hàng đa cấp, giao dịch điện tử...
Đồng thuận với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu quan điểm, kinh tế, hoạt động thương mại ngày càng phát triển thì các phương thức kinh doanh, thanh toán qua môi trường mạng ngày càng phổ biến và thuận tiện hơn cho cả nhà sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Tuy nhiên, hình thức này cũng tiềm ẩn rủi ro nếu như thông tin, dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng bị rò rỉ và được cung cấp tới bên thứ 3 nhưng lại bị lợi dụng vào mục đích khác. Do đó, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, dự án Luật cần đề kỹ lưỡng hơn về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho rằng, hiện nay, hàng hóa của Việt Nam không chỉ được tiêu thụ ở trong nước mà còn xuất khẩu sang nhiều nước khác. Chính vì vậy, dự án Luật cần nói rõ hơn về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là người nước ngoài như để họ biết cụ thể hơn về chất lượng, xuất xứ sản phẩm...
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, dự án Luật cần đề cập rõ hơn về quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người tiêu dùng. Theo đó, dự án Luật cần được nêu rõ là người tiêu dùng cần phải hiểu về các quyền được bảo vệ khi mua sắm hàng hóa như quyền được đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ và các chi phí; các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm có đúng hay không. Mặt khác, trong dự án Luật, dịch vụ sự nghiệp công, dịch vụ công ích cho người tiêu dùng chưa được đề cập nên cần được phân tích thấu đáo hơn.
Đối với giao dịch đặc thù, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, dự án Luật cần được nêu rõ hơn về chính sách thực hiện giao dịch này. Trong quá trình chuyển đổi số, cơ quan soạn thảo và thẩm tra dự án Luật cần xem xét điều khoản nào thực hiện chính sách trong giao dịch đặc thù như đối với giao dịch mua bán thông qua quá trình chuyển đổi số...
Phương Thanh