Giải pháp triệt để chống Covid là phải chuyển từ phòng ngự sang tấn công, bắt buộc sử dụng công nghệ, xét nghiệm chủ động và vacxin thần tốc.
Trước diễn biến phức tạp của Covid-19, nhiều địa phương đã triển khai hướng dẫn người dân áp dụng các giải pháp công nghệ hỗ trợ phòng chống dịch như: khai báo y tế điện tử bằng ứng dụng NCOVI, cài ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần Bluezone, vận động người dân quét mã QR để lưu lại “mốc dịch tễ”…
Hiện nhiều tỉnh thành đã tích cực ứng dụng các giải pháp phòng dịch bằng công nghệ được Bộ TT&TT khuyến cáo như: Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh…
Tại Hà Nội, người dân khi đi, đến (check in, check out) những địa điểm công cộng như chợ, siêu thị, nhà hàng, công viên, bến xe, bến tàu, bệnh viện… phải quét mã QR để ghi nhận nhằm khai báo y tế. Đây là cách lưu lại “mốc dịch tễ” của người dân để phục vụ trong công tác truy vết người có khả năng nghi nhiễm Covid-19. Giải pháp này được thực hiện đồng thời với việc ghi nhận tiếp xúc gần bằng ứng dụng Bluezone trên smartphone.
Với Bắc Ninh, UBND tỉnh này đã chỉ đạo Sở TT&TT tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn tỉnh cài đặt, sử dụng và khai báo y tế trên các ứng dụng NCOVI, Bluezone hoặc website tokhaiyte.vn.
Ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho hay, diễn biến dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh rất phức tạp. Để theo dõi toàn diện, tổng thể diễn biến tình hình dịch bệnh và công khai cho toàn dân biết, tỉnh đã chỉ đạo Sở TT&TT xây dựng hệ thống bản đồ số CovidMaps. Sở TT&TT Lạng Sơn đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống bảo đồ số với đầy đủ số liệu cập nhật theo thời gian thực của Sở Y tế Lạng Sơn.
Sử dụng công nghệ bắt buộc để chống dịch
Các nền tảng, giải pháp công nghệ đang hỗ trợ các cơ quan, tổ chức và người dân chuyển hoạt động lên môi trường mạng đã phát huy tác dụng trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua chúng ta có nhiều giải pháp, ứng dụng CNTT phục vụ phòng, chống dịch nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ dữ liệu. Công nghệ kết nối, đồng bộ chưa tốt và nhiều công cụ khi triển khai trong thực tế chưa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng. Trong khi đó, quan trọng nhất đối với các giải pháp, ứng dụng CNTT này khi triển khai đều phải được sử dụng thường xuyên, được cập nhật dữ liệu, có kết nối chia sẻ.
Cho đến thời điểm này, Việt Nam đã qua 4 lần bùng phát dịch, lần sau to hơn lần trước, cần có những cách tiếp cận mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là chủ động hơn, chuyển từ phòng ngự sang tấn công nhiều hơn, công nghệ nhiều hơn, xét nghiệm chủ động và nhanh hơn, vacxin thần tốc hơn.
Nếu như trước đây, chúng ta vẫn khuyến cáo, vận động người dân cài đặt các ứng dụng NCOVI, Bluezone, quét mã QR để lưu lại “mốc dịch tễ”… để để phòng chống Covid. Nhưng với mức độ lây lan của dịch bệnh covid hiện nay thì một số công nghệ chủ chốt phải bắt buộc sử dụng để chặn sự lây lan của dịch bệnh và hỗ trợ truy vết.
Sau khi người dân khai báo, cập nhật thông tin trên các ứng dụng này thì dữ liệu phải được xử lý tập trung và liên thông giữa các ứng dụng. Khi nguồn dữ liệu được thu thập càng nhiều thì việc truy vết càng nhanh và chính xác, giúp phát hiện sớm các nguy cơ để không phải cách ly diện rộng.
Bên cạnh đó, phần mềm viết dưới dạng nền tảng để 63 tỉnh có thể dùng chung, 700 huyện có thể dùng chung, hàng chục ngàn các xã, các tổ dân phố có thể dùng chung, dễ sử dụng để nhân viên nhân viên truy vết ở các địa phương có thể dùng.
Thực tế, một số người dân có thể lo lắng về dữ liệu cá nhân của mình được bảo vệ như thế nào để tránh các rủi ro. Vì vậy, dữ liệu cá nhân sau một tháng lưu trữ có thể được xoá để người dân yên tâm khai báo thông tin.
Ảnh minh họa
Nhiều giải pháp công nghệ cho phòng, chống Covid
Để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch, Bộ TT&TT đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng bộ giải pháp hỗ trợ phòng, chống và truy vết Covid-19 trong cộng đồng”. Theo đó, để chống dịch bằng công nghệ, các địa phương cần thực hiện kết hợp nhiều giải pháp khác nhau. Các giải pháp này bao gồm việc triển khai cài đặt. Đây là giải pháp ứng dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp. Các smartphone được cài đặt ứng dụng này có thể giao tiếp với nhau trong khoảng cách 2m, ghi nhận sự tiếp xúc gần, vào lúc nào và trong bao lâu, từ đó phục vụ việc truy vết ca nhiễm và các ca nghi nhiễm có tiếp xúc gần với ca nhiễm Covid-19. Theo các chuyên gia, các giải pháp công nghệ như ứng dụng Bluezone chỉ có thể đạt hiệu quả cao nếu được hơn 60% dân số sử dụng.
Bên cạnh đó, ứng dụng NCOVI (hệ thống quản lý tờ khai y tế tự nguyện do Bộ TT&TT, Bộ Y tế phối hợp cùng VNPT và các doanh nghiệp viễn thông trong nước xây dựng và phát triển với mục tiêu cho phép người dân khai báo thông tin y tế đồng thời tiếp cận được các thông tin nhanh chóng về dịch bệnh Covid – 19. Ứng dụng sẽ là cây cầu nối giữa người dân và các cơ quan y tế nhằm kiểm soát tốt hơn và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Người dân sử dụng ứng dụng NCOVI để cung cấp thông tin hỗ trợ ngành y tế nhằm tìm ra các trường hợp cần chú ý để đảm bảo phòng chống dịch một cách chủ động. Dựa trên dữ liệu ứng dụng này gửi về, hệ thống y tế sẽ biết được các trường hợp cần chú ý để bảo đảm hỗ trợ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất có thể.
Ngoài 2 ứng dụng trên, ứng dụng khai báo y tế cho người nhập cảnh VietNam Health Declaration. Theo yêu cầu của Việt Nam, tất cả các hành khách nhập cảnh vào Việt Nam phải thực hiện khai báo y tế qua ứng dụng này. Việc khai báo y tế cho người nhập cảnh qua ứng dụng này là bắt buộc. Các thông tin khai báo sẽ giúp cho cơ quan chức năng trong việc kiểm soát tình trạng sức khỏe của người nhập cảnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh.
Thời gian gần đây, Việt Nam đang sử dụng thêm một giải pháp khác là check in để lưu lại mốc dịch tễ bằng mã QR. Với biện pháp này, người dân cần quét mã QR để check in mỗi khi đến các địa điểm công cộng. Trong trường hợp một người được xác định dương tính với Covid-19, các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào lịch sử quét mã QR của người đó để lọc ra các “mốc dịch tễ” mà bệnh nhân đã tham gia hoặc đi đến trong khoảng thời gian 3 ngày trước khi khởi phát bệnh.
Hiện Việt Nam đã xây dựng thêm bản đồ thông tin dịch tễ Covid-19 (CovidMaps). Bản đồ cung cấp thông tin dịch tễ Covid-19 giúp người dân không di chuyển đến các điểm nóng, tránh lây nhiễm dịch. Người dân có thể xem những điểm cách ly tập trung, các vùng cách ly y tế và chốt kiểm soát dịch bệnh hiển thị trên bản đồ theo thời gian thực.
Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19 cũng đã yêu cầu các khu cách ly tập trung phải có camera đủ để giám sát người được cách ly thực hiện những biện pháp phòng chống dịch Covid-19; các camera này phải hoạt động liên tục, kết nối với hệ thống giám sát do Bộ TT&TT chỉ định. Đây là một trong những biện pháp nhằm đảm bảo các quy định về cách ly tập trung và quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung phòng chống dịch Covid-19 được thực hiện nghiêm túc.
Hiện Việt Nam cũng đã có phần mềm thu thập số liệu xét nghiệm, kết hợp với phần mềm thu thập số liệu người đến bệnh viện. Từ hai dữ liệu này có thể phát hiện ra bệnh viện có bệnh nhân F0 đến khám.
Mới đây, Bộ TT&TT vừa đề xuất áp dụng vòng đeo tay chuyên dụng nhằm hỗ trợ giám sát người cách ly tập trung và sau cách ly. Vòng đeo tay được phát triển hoàn toàn bởi doanh nghiệp Việt Nam, sử dụng công nghệ GPS để ghi nhận địa điểm, pin có thời gian 30 ngày, có thể gửi cảnh báo nếu phát hiện phá hoại hoặc ra khỏi vùng cách ly.
Trên đây là những giải pháp công nghệ để hỗ trợ cho Chính phủ và các địa phương phòng chống dịch Covid. Nếu những ứng dụng này được đông đảo người dân sử dụng sẽ tạo ra lá chắn mạnh mẽ chống đại dịch hiệu quả.
Nguyễn Thái